Sản phẩm chăm sóc sắc đẹp: Lợi hại song hành

GD&TĐ - Mỹ phẩm, sữa tắm, dầu gội đầu, nước rửa tay… là những sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, những thông tin về hóa chất trong sản phẩm này có thể gây tổn hại sức khỏe khiến nhiều người lo ngại.

Nhiều sản phẩm bị thu hồi

Cục Quản lý dược vừa công bố việc thu hồi hàng loạt sản phẩm trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp như sữa tắm, nước hoa, phấn trang điểm. Những sản phẩm trên chỉ được lưu thông trở lại khi đáp ứng được các yêu cầu của cơ quan chức năng.

Trong số các sản phẩm trên phải kể đến kem trắng da Mỹ Linh (số lô sản xuất: 16, hạn dùng: 26/11/2018, số tiếp nhận Phiếu công bố: 63/13/CMP-HGi) do Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Mỹ Linh (địa chỉ: Số 440 Ấp Hưng Thạnh, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) sản xuất. Nguyên nhân do sản phẩm trên không đáp ứng quy định về giới hạn hàm lượng Propylparaben trong thành phần công thức sản phẩm mỹ phẩm và chỉ tiêu độ đồng đều khối lượng.

Tiếp đến, 4 sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng quy định do Công ty TNHH đào tạo tổ chức biểu diễn Việt Nhật (102 Trần Huy Liệu, phường 15, Phú Nhuận, TPHCM) nhập khẩu và đưa ra thị trường cũng buộc phải thu hồi trên toàn quốc. Các sản phẩm này gồm: Nước hoa, phấn trang điểm, sữa tắm... do Công ty C.F.E.B Sisley (địa chỉ 16 Avenue George V 750008 Paris, Pháp) sản xuất. Những sản phẩm trên bị thu hồi do trên nhãn các sản phẩm này ghi thành phần công thức sản phẩm không đúng như hồ sơ đã công bố.

Sản phẩm Organia White milk body Cleanser của Công ty White Cospharm Co., Ltd (Cheonheung-ri 373-5, Seonggeo-eup, Seobuk-gu, Cheonan-si, Chungnam, 331-836, Hàn Quốc sản xuất). Sản phẩm do Công ty TNHH một thành viên Ngân Thành Tâm (258/78T Dương Bá Trạc, phường 2, quận 8, TPHCM) nhập khẩu và đưa ra thị trường cũng buộc bị thu hồi do mỹ phẩm lưu thông ghi thành phần công thức sản phẩm trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố...

Cẩn thận vẫn hơn

Việc người tiêu dùng hoang mang khi nghe tin về sản phẩm thông dụng trên chứa hoạt chất ảnh hưởng đến tuyến giáp và nhiều bệnh khác là điều bình thường. Người dân cũng mong muốn cơ quan chức năng có câu trả lời rõ ràng về việc cấm hay không cấm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các sản phẩm xà phòng diệt khuẩn vẫn được sử dụng và cơ quan chức năng mới yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu tự khai có hay không việc sử dụng 1 trong 19 hóa chất này trong quá trình sản xuất sản phẩm.

Trước đó, các nước ASEAN cũng có quyết định ngừng lưu thông sản phẩm chứa paraben, MCT, MIT. Những sản phẩm chứa chất trên chỉ được phép lưu hành đến tháng 7/2015 và ngừng hẳn từ 30/4/2016. Ngay lập tức, Việt Nam áp dụng quy định trên. Còn với 19 chất trong xà phòng diệt khuẩn lần này, theo quy định của Luật Hóa chất, việc ban hành danh mục các chất không được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng, bao gồm cả xà phòng rửa tay với nước thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Các chế phẩm sát khuẩn tay không dùng nước và chế phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Như vậy, hai Bộ cần ngồi lại với nhau, xem xét các quy định quốc tế, khu vực mới đi đến kết luận cuối cùng.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa (ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội), sản phẩm chăm sóc sắc đẹp hay sữa tắm, dầu gội đầu, xà phòng, nước rửa tay tuy phổ biến nhưng không có nghĩa phù hợp với tất cả mọi người. Vì vậy, khi mua cần xem kỹ thành phần để tránh mua sản phẩm chứa hoạt chất bị cấm. Nên thử sản phẩm trước khi dùng để tránh tình trạng bị dị ứng. Với sản phẩm rửa tay, chỉ cần thực hiện đúng 6 bước trong thời gian 30 giây đến 1 phút sẽ sạch chứ không phụ thuộc vào sản phẩm diệt khuẩn hay không.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/san-pham-cham-soc-sac-dep-loi-hai-song-hanh-2392189-b.html