Sân khấu Hà Nội: Không thể cứ “bắc nước chờ gạo người”

VH- Cuộc Hội thảo “Khán giả với sân khấu Hà Nội” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội tổ chức đã gợi ra nhiều nguyên nhân khiến sân khấu thủ đô ngày càng thưa vắng khán giả và ý kiến đồng nhất cho rằng sân khấu và nghệ sĩ thủ đô cần chủ động tìm đến khán giả thay vì “bắc nước chờ gạo người” mới giải quyết được thực trạng này.

Chỉ đổi mới về hình thức

Nhà viết kịch Văn Sử cho rằng những người làm sân khấu thủ đô chỉ mới tiến hành đổi mới về mặt hình thức nhằm thỏa mãn nhu cầu nghe nhìn của người xem. Như tăng cường sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, trang trí, phục trang, âm nhạc, còn đổi mới về nội dung tác phẩm lại chưa nhiều.

Nghị định 61/2002/NĐ-CP năm 2002 của Chính phủ đã bị lỗi thời vậy mà vẫn có các đơn vị nghệ thuật chưa thực hiện việc chi trả đúng như quy định, thường là thấp hơn rất nhiều; đây cũng là lý do không kích thích sự sáng tạo của các thành phần tham gia dàn dựng tác phẩm sân khấu.
(NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN)

Các vở diễn dẫu ở đề tài lịch sử, danh nhân, cách mạng hay đương đại được viết ra chỉ giàu tính minh họa, tính truyền thông mà rất nghèo tính đương đại, không nêu được bài học gì cho người hôm nay.

Đáng lý ra công chúng khán giả Thủ đô đang sống ở những năm tháng đầy biến động cần được xem và tìm thấy những câu trả lời cho những vấn đề họ đang quan tâm, trăn trở và bức xúc. Các nhà hát ở Hà Nội thường nhanh tay đón nhận và dựng nhiều kịch bản ở các cuộc thi kịch bản sân khấu trung ương, tuy nhiên, khi các vở diễn ra đời, không ít tác giả đã thất vọng và buồn chán vì xem xong họ không thể nhận ra hình hài hồn cốt đứa con tinh thần của họ.

Nhiều đạo diễn ít quan tâm đến ý đồ sáng tác của tác giả kịch bản, tự ý thay đổi, sửa chữa nội dung, thêm bớt làm mất đi chất văn học của kịch bản, khiến vở diễn sa đà vào trò, thiếu chiều sâu nhân bản.

Vài năm trở lại đây, một số Nhà hát đã chủ động, đúng hơn là “cựa mình” để đi tìm những phương thức mới trong việc tiếp cận khán giả. Tuy nhiên những việc làm này mới chỉ là nhen nhúm chứ chưa thực sự trở thành một quyết sách, chủ trương đổi mới toàn diện ở từng đơn vị.

Ví như NH Cải lương Hà Nội bước đầu đã có được đối tượng khán giả riêng với nhiều cách tiếp cận. Nhà hát đã tìm kiếm, duy trì và phát triển khán giả thực tế cũng như có thêm đối tượng khán giả tiềm năng là khách du lịch trong và ngoài nước hay các khán giả ở những nơi đơn vị lưu diễn. Các đêm diễn của nhà hát cũng đã được đánh giá cao trong công luận gần đây.

Sân khấu cho thiếu nhi: Phụ thuộc nhiều yếu tố

Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành cho rằng gần đây, NH Chèo Hà Nội đã mạnh dạn dàn dựng một số vở chèo dành riêng cho thiếu nhi và được các em yêu thích.

Tuy nhiên, theo NSƯT Thúy Mùi, Giám đốc NH Chèo Hà Nội chia sẻ: “Nếu đến với khán giả hôm nay, phải tìm cái gì thực là lạ nhưng đôi khi chúng tôi lại vướng vào vấn đề học thuật, cái mới lạ đôi khi phải đi ra ngoài các thủ pháp của sân khấu truyền thống.

Từ năm 2007, NH Múa rối Thăng Long đã liên tiếp xây dựng các vở rối cạn với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau như Thánh Gióng, Trấn Cổ Loa Thành, Huyền thoại Tiên Rồng... hoặc các tiết mục nhỏ gọn có sức hấp dẫn trẻ em. Mặc dù đã có nhiều cố gắng tìm tòi sáng tạo, hằng năm biểu diễn phục vụ trường học, nhà trẻ gần 100 buổi nhưng vẫn thấy chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Đạo diễn, NSƯT Hoàng Tuấn, Giám đốc NH Múa rối Thăng Long chia sẻ: “Hơn 10 năm trở lại đây, nhu cầu khán giả quốc tế đến xem tại nhà hát rất lớn, tần suất từ 5 – 6 buổi. Chỉ riêng việc lo chất lượng nghệ thuật diễn từng buổi, lo giữ sức khỏe để không ốm đau, bỏ diễn cũng đã chiếm hết thời gian của nghệ sĩ. Vì vậy, việc đầu tư trí tuệ vật chất cho các chương trình thiếu nhi còn hạn hẹp”.

Các nhà hát đã cố gắng có những tìm tòi mới trong phương thức thể hiện và tiếp cận khán giả, nhưng nhìn chung các hoạt động nghệ thuật dành cho thiếu nhi của sân khấu thủ đô rất thiếu và chất lượng thấp.

Nhiều tiết mục dàn dựng dễ dãi, ít đầu tư công sức, không phù hợp với tâm sinh lý các cháu nên kém hấp dẫn, ngay cả bản thân các cháu, những đối tượng thụ hưởng cũng không muốn xem. Yếu tố nhà trường – gia đình cũng có ảnh hưởng khi bố mẹ ít thời gian quan tâm đến nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của con em, các cháu tất bật với việc học sáng, chiều, tối, nhà trường tổ chức đôi lần cho các cháu đi xem nghệ thuật theo phong trào chứ không định hướng xem loại gì, vở diễn nội dung ra sao...

Chuyện "hữu xạ tự nhiên hương" không có trong cạnh tranh thị trường

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, nhan nhản các quảng cáo cho các chương trình ca nhạc hải ngoại, tuy nhiên sự ra đời của một tác phẩm sân khấu của thủ đô lại chỉ lặng lẽ được biết trong những người làm nghề, giới báo chí và một đối tượng khán giả rất nhỏ hẹp. Có một thực tế là sân khấu thì khao khát mong đợi khán giả tìm đến nhà hát mua vé vào xem, còn khán giả thì dửng dưng chỉ đến rạp khi có vé mời xem không mất tiền.

Tác giả Trần Đình Ngôn cho rằng chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” không có trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường. Sân khấu cần chủ động tìm đến khán giả thay vì cứ “bắc nước chờ gạo người” như nếp quen từ thời bao cấp, khi sân khấu gần như là ở thế độc tôn.

Cần phải xác định sân khấu như một thứ hàng hóa đặc biệt và vì vậy các nhà hát, các đơn vị sân khấu cần có những chiến dịch quảng bá cho tác phẩm và thương hiệu của mình. Ngoài việc quảng bá thì các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cũng cần xác định đối tượng khán giả của bộ môn nghệ thuật của mình, làm sao để tác phẩm sân khấu đồng hành với nhu cầu thưởng thức của khán giả là vấn đề mà lực lượng nghệ sĩ sân khấu thủ đô cần lưu tâm hơn cả.

Thúy Hiền

Nghị định 61/2002/NĐ-CP năm 2002 của Chính phủ đã bị lỗi thời vậy mà vẫn có các đơn vị nghệ thuật chưa thực hiện việc chi trả đúng như quy định, thường là thấp hơn rất nhiều; đây cũng là lý do không kích thích sự sáng tạo của các thành phần tham gia dàn dựng tác phẩm sân khấu.
(NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN)

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/vanhoavannghe/40427.vho