Sân chơi 'bất đắc dĩ' của danh họa Picasso khiến trẻ em mê mệt

Những sân chơi trẻ em đầy cảm hứng được thiết kế bởi những nghệ sỹ nổi tiếng thế giới.

Những ảnh hưởng tích cực của sân chơi lên sự kết nối các cộng đồng dân cư trong thành phố, và quá trình phát triển thể chất, tâm lý cùng nhận thức của trẻ nhỏ, đã được khoa học chứng minh. Những năm gần đây, thiết kế sân chơi cho trẻ em đã không còn là nhiệm vụ riêng của các nhà quy hoạch kiến trúc – cảnh quan. Từ Picasso, Noguchi cho đến Dubuffet, không ít nghệ sỹ nổi tiếng đã từng thử sức trong lĩnh vực mới mẻ này.

Isamu Noguchi, Sân chơi công viên Piedmont (1976)

Địa điểm: Atlanta, Mỹ

Isamu Noguchi, nhà thiết kế và điêu khắc người Mỹ gốc Nhật, nổi tiếng với những tác phẩm làm từ chất liệu thiên nhiên, đã bắt đầu thiết kế sân chơi cho trẻ em từ đầu năm 1933. Tuy nhiên, phải nhiều thập kỷ sau đó, các thiết kế của ông mới được công nhận tại Mỹ. Mặc dù phải đối mặt với một loạt khó khăn khi bắt tay vào thiết kế sân chơi tại New York, từ vấn đề an toàn cho đến bối cảnh của Thế chiến thứ Hai; Noguchi vẫn luôn giữ được niềm đam mê tạo ra những không gian thúc đẩy sự sáng tạo, khuyến khích trẻ em chủ động khám phá thế giới tự nhiên, thay vì nhận lấy sự hướng dẫn từ người lớn. “Tôi nghĩ về sân chơi như là một quyển sách vỡ lòng về hình khối và chức năng, đơn giản, kỳ bí, gợi liên tưởng, vì vậy mang tính giáo dục cao,” Noguchi nói.

Egon Moller-Nielsen, Tuffsen (1959)

Địa điểm: Stockholm, Thụy Điển

Vào thời điểm hoàn thành, công trình của nhà điêu khắc người Đan Mạch Moller-Nielsen được đánh giá là một cuộc cách mạng nhờ lối tiếp cận độc đáo với hoạt động nghệ thuật và vui chơi của trẻ nhỏ tại các địa điểm công cộng. Thiết kế có hình dạng kỳ lạ với nhiều lỗ hổng để trẻ em có thể dễ dàng chui ra chui vào… hiện nằm trong khuôn viên của một công viên tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển.

Pablo Picasso, Vô đề (1967)

Địa điểm: Quảng trường Richard Daley, Chicago, Mỹ

Xuất phát điểm là một tác phẩm nghệ thuật cộng đồng, công trình điêu khắc nặng 162 tấn, cao hơn 15m của Picasso được trẻ em yêu thích đến nỗi, nó mặc nhiên trở thành một sân chơi tại quảng trường Richard Daley. Hiện được coi là một trong những biểu tượng của thành phố, sân chơi “bất đắc dĩ” này còn được đánh giá là bước ngoặt cho phong trào nghệ thuật cộng đồng tại Chicago, khi các tác phẩm mang tính nghệ thuật và ứng dụng cao ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Benjamin Dominguez, Công viên La Laguna (1965)

Địa điểm: San Gabriel, California, Mỹ

Công viên La Laguna là một trong số ít các tác phẩm còn tồn tại của nghệ sỹ người Mexico Benjamin Dominguez. Với 14 sinh vật biển, như bạch tuộc, cá voi, rắn biển… có màu sắc sặc sỡ, biểu cảm sinh động, đặc biệt là được thiết kế thành cầu trượt, thang leo trèo… thích hợp cho trẻ em chơi đùa, “sân chơi” của Dominguez rất được người dân địa phương ưa thích.

Niki de Saint Phalle, Golem (1972)

Địa điểm: Vườn Rabinowitz, Kiryat Hayovel, Jerusalem

Khi còn là ý tưởng, thiết kế có phần “hơi đáng sợ” của nghệ sỹ người Pháp Niki de Saint Phalle đã không nhận được sự ủng hộ của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, chính vẻ đáng sợ - một con quái vật khổng lồ hai màu đen trắng, cùng 3 chiếc lưỡi dài màu đỏ (chính là 3 chiếc cầu trượt dẫn xuống hố cát bên dưới) – lại khiến trẻ em rất thích thú. “Những thứ đáng sợ sẽ giúp bọn trẻ chiến thắng được nỗi sợ hãi của chính mình,” Saint Phalle nói về thiết kế Golem.

Jean Dubuffet, Jardin d’émail (1974)

Địa điểm: Bảo tàng Kroller-Muller, Otterlo, Hà Lan

Nằm trong khuôn viên của Vườn điêu khắc thuộc bảo tàng Kroller-Muller, Jardin d’émail (khu vườn của men sứ) là một thiết kế hai màu đen trắng – tạo ra sự tương phản ấn tượng với màu xanh của cây cối xung quanh.

Anthony Caro, Playful Promenade (1996)

Địa điểm: Công viên điêu khắc Yorkshire, West Yorkshire, Anh

Công trình gồm 5 khối thép lớn, sơn màu xanh xám của Anthony Caro là một địa điểm lý tưởng để chơi… trốn tìm. Mỗi khối thép có thiết kế độc đáo với nhiều hình dạng, góc cạnh khác nhau, khiến Playful Promenade (chuyến đi dạo kỳ thú) trở thành một địa điểm lý tưởng để kích thích ham muốn khám phá của cả người lớn và trẻ nhỏ.

Bob Cassilly, City Museum (1997)

Địa điểm: Washington Avenue Loft District, St. Louis, Anh

Xây dựng trên một diện tích rộng 55.000 m 2 , City Museum (bảo tàng thành phố) có thể được coi là một bảo tàng, kết hợp với sân chơi, phòng tập gym… Hầu hết các vật liệu trong khu vui chơi này đều là vật liệu tái chế, lấy lại từ những công trường xây dựng của thành phố, bản thân địa điểm của City Museum trước đây cũng là một nhà máy cũ. Sự phát triển trí óc và thể chất của trẻ em chắc chắn sẽ được kích thích tối đa tại City Museum với một cầu trượt có độ cao tương đương 10 tầng nhà, hai mô hình máy bay lớn trên không, một vòng quay khổng lồ trên nóc, nhà trên cây, hệ thống đường ngầm… Mặc dù nhà thiết kế Cassilly đã qua đời từ năm 2011, nhưng một nhóm các đồng nghiệp và bạn bè nghệ sỹ của ông vẫn tiếp tục mở rộng khu vui chơi đầy tính nghệ thuật này.

Pierre Székely, La Dame du Lac (1975)

Địa điểm: Courcouronnes, Pháp

“Các ngọn núi sẽ đến với bạn”, Székely nói về dự án thiết kế của mình cho khu đô thị mới Évry, nằm ở ngoại ô Paris. Nhà điêu khắc người Hungary được đặt hàng để tạo ra một bức tường leo núi (lần đầu tiên xuất hiện tại Pháp). Nằm rất gần khu vực trung tâm mua sắm của thị trấn, La Dame du Lac lấy cảm hứng từ chủ nghĩa siêu thực, gợi liên tưởng đến hình ảnh một cánh buồm vươn cao.

(Theo Artsy)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/ai-co-the-ngo-picasso-tung-thiet-ke-san-choi-cho-tre-em-230157.html