Sân bay, xin đừng lãng phí

Hôm trước ta vừa bàn đến chuyện 'hội chứng' phải không chú? Vâng. Hội chứng cổng chào, hội chứng tháp, hội chứng tượng đài…toàn hàng trăm tỷ cả đó bác.

- Vậy có ăn thua gì với cái “hội chứng” này.

- Lại còn hội chứng gì nữa bác.

- Hội chứng sân bay. Các tỉnh ồ ạt xin xây dựng sân bay, mà đầu tư toàn hàng ngàn tỷ đây nhé.

- Có chuyện đó thật ạ?

- Chú chỉ khéo giả vờ. Thông tin loạn trên truyền thông đó. Tỉnh nào nói cũng có lý cả. Anh chưa có thì xin xây sân bay để tạo điều kiện cho phát triển KT-XH; anh có rồi thì xin bù lỗ để mở rộng đường băng cho phát triển hơn.

- Ấy chết, đang lỗ lại mở rộng hả bác?

- Chuyện thật mà, anh Cần thơ đấy đang lấy ý kiến về phương án bù lỗ cho các hãng hàng không để kêu gọi mở thêm đường bay mới, Theo phương án này thì, địa phương sẽ bù lỗ năm đầu tiên cho các hãng hàng không hoặc hỗ trợ một phần số lượng ghế trên các chuyến bay xuất phát từ Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ , nghe đâu không quá 5 tỉ đồng/năm/đường bay nội địa và không quá 8,5 tỉ đồng/năm/đường bay quốc tế. Nguồn tiền bù lỗ sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước.

- Ô, thế nếu vẫn lỗ thì lại bù tiếp à, nếu như vậy là đi ngược quy luật thị trường. Không thể lấy tiền ngân sách bù lỗ cho DN được. “Luật Ngân sách không cho bù lỗ đối với doanh nghiệp (DN) kinh doanh”

- Ấy, chính vì thế nên phong trào mở sân bay, đường bay mới bất chấp hiệu quả ở nhiều tỉnh đang khiến dư luận rất lo ngại.

- Lo ngại quá ấy chứ bác. Em được biết có sân bay mỗi ngày chỉ có một chuyến còn chưa đủ khách, giờ thêm sân bay khéo mỗi chuyến chỉ có vài khách thì lỗ to.

- Lỗ thì lại bù tiếp. Nếu đã bù được rồi, có tiền lệ rồi thì lo gì không bù được.

- Bác nghĩ ngân sách không phải là tiền thuế từ dân đóng góp à. Không thể lấy tiền thuế của dân để bù lỗ cho DN. Cứ đầu tư tràn lan, “lời” thì hưởng, còn không hiệu quả thì xin Chính phủ bù lỗ. Vậy nghe sao được.

- Chú nói rất đúng. Dưng cái đúng sờ sờ ra đấy mà mấy anh xin mở sân bay có nhìn thấy đâu.

- Em lại nghĩ nhìn thấy đấy, dưng hình như có cái gì đó hơi hướng của “lợi ích nhóm”, mà không thì cũng là mắc chứng “oai”.

- Theo thống kê của Hàng không thì hiện nay chỉ có hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn nhất là có lãi, còn tất cả các sân bay khác mới chỉ khai thác được từ 17 – 37% công suất.

- Vậy thì lãng phí quá.

- Ấy vậy mà có nhiều tỉnh chỉ cách nhau trên dưới 100km cũng đòi mỗi tỉnh một sân bay. Hàng loạt dự án đầu tư mở rộng và xây dựng sân bay mới, đề xuất nâng cấp sân bay cũ vẫn đang triển khai hoặc sắp thực hiện.

Như 3 sân bay khu vực Tây Bắc gồm Nà Sản, Lai Châu, Lào Cai có tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng dự kiến triển khai trong năm nay; sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) dự kiến hoàn thành đường băng và đường lăn trong năm 2017. Hoặc tỉnh Thanh Hóa đã có đề xuất nâng sân bay quân sự Thọ Xuân thành sân bay quốc tế...

- Như vậy rõ là có cho “oai” chứ khai thác khó tránh khỏi ế ẩm.

- Đúng vậy. Theo kinh nghiệm các nước tiên tiến, nếu các điểm đến có khoảng cách 400 – 500km, họ thường sử dụng đường bộ. Vì thế sân bay chỉ cần quy hoạch theo vùng là ổn.

- Thế cái tiền đầu tư cho sân bay mà đem đầu tư cho đường bộ có phải tốt hơn không nhỉ. Đấy đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai bây giờ đi mất có mấy giờ. Vậy Lào Cai cần chi sân bay nữa.

- Chú nói phải. Hay như cái đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian đi lại giữa hai điểm này chỉ còn dưới 1 giờ. Người dân muốn bay đi các nơi có thể về sân bay Nội Bài với nhiều hãng hàng không để lựa chọn hơn. Liệu sân bay quốc tế Cát Bi tại Hải Phòng có được bao nhiêu chuyến bay?

- Mà đầu tư vào đường bộ, chắc chắn sẽ phục vụ được nhiều đối tượng hơn; cải thiện hạ tầng tức là phục vụ tốt an sinh xã hội. Chứ mấy cải tỉnh Tây Bắc đến đường bộ có nhiều nơi đi lại rất vất vả, nay đồng loạt xin làm sân bay, e vừa sa sỉ, vừa không hợp lý.

- Ai cũng biết thế, dưng sao vẫn nhiều dự án sân bay đến thế. Phải chăng vì gì?

- Thì em và bác cũng cứ “tào lao” vậy. Chỉ biết: Sân bay, xin đừng lãng phí.

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/san-bay-xin-dung-lang-phi-53589.html