Sai sót trong các bản án hình sự: Đừng xem nhẹ dù chỉ là sai sót nhỏ!

Trong các bản án hình sự được phát hành, nhiều Tòa vẫn còn sai sót như sai về con số, tội danh, biện pháp ngăn chặn… Việc xử lý các sai sót này khác nhau.

Có Tòa nghiêm khắc nhắc nhở và kiến nghị biện pháp khắc phục nhưng có Tòa chỉ rút kinh nghiệm qua loa, cho rằng chỉ là sai sót nhỏ do khách quan.

Ví dụ: bị cáo bị bắt tạm giam ngày 14-11-2011 thì phần quyết định của bản án lại ghi thời hạn tù của bị cáo tính từ ngày 14-10-2011; bị cáo bị truy tố khoản 3 Điều 140 BLHS nhưng trong quyết định đưa vụ án ra xét xử lại ghi khoản 4 Điều 140 BLHS; Biên bản phiên tòa thì ghi bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Khi tuyên án chủ tọa phiên tòa đọc phạt bị cáo 14 năm tù, nhưng bản án phát hành lại ghi 12 năm tù; bản án và biên bản phiên tòa đều ghi vụ án được đưa ra xử lúc 8 giờ nhưng thực tế phiên tòa lại diễn ra lúc 14 giờ cùng ngày; biên bản nghị án ghi bị cáo không phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, nhưng lại ghi áp dụng Điều 107 BLHS chứ không phải Điều 202 BLHS.v.v…

Bản án hình sự là kết quả cuối cùng của cả một quá trình tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử). Bản án hình sự không chỉ tuyên bố một người phạm vào một tội quy định tại BLHS và kèm theo đó là hình phạt, mà nhiều trường hợp còn tước đi quyền sống của một con người. Vậy mà tại buổi rút kinh nghiệm về những sai sót khi viết và phát hành bản án nhiều ý kiến lại cho rằng, đó chỉ là sai sót nhỏ.

Tuy nhiên, hiện nay do nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của bản án nói chung và bản án hình sự nói riêng, nên việc viết và ban hành bản án vẫn còn bị xem nhẹ; nhiều bản án viết không đúng với quy định của pháp luật và hướng dẫn của TANDTC như: Viết sai họ, tên người tiến hành tố tụng; sai họ tên bị cáo và những người tham gia tố tụng khác; sai tội danh, hình phạt; áp dụng không đúng điều khoản của BLHS; xác định không chính xác tư cách tham gia tố tụng; quyết định bồi thường thiệt hại không đúng; xử lý vật chứng, cũng như buộc bị cáo và người tham gia tố tụng nộp án phí không đúng với quy định của pháp luật; nhiều bản án còn viết sai ngữ pháp, sai chính tả; có bản án đính chính (bổ sung) cả một đoạn gần nửa trang đánh máy; có bản án đính chính đến lần thứ 3 mà vẫn còn sai. v.v… Mặc dù TANDTC đã ban hành “mẫu” các bản án, cùng với hướng dẫn cách viết tương đối chi tiết, nhưng rất tiếc việc viết bản án của các Thẩm phán hiện nay vẫn chưa đúng mẫu; cùng một Tòa án mỗi Thẩm phán viết một kiểu; ngay đối với bản án do cùng một Thẩm phán viết ra cũng khác nhau về mẫu.

Ảnh minh họa

Bản án do Tòa án ban hành được coi là một văn bản pháp luật, nên đòi hỏi phải thật chính xác từng câu, từng chữ. Yêu cầu của việc viết bản án là phải viết đúng mẫu, viết đúng luật và viết đúng ngữ pháp. Không thể chấp nhận một bản án viết sai, Thẩm phán đổ lỗi do đánh máy, do soát xét không kỹ rồi ra thông báo, sửa đổi, bổ sung hoặc đính chính là xong!

Càng không thể coi những sai sót đó chỉ là chuyện nhỏ, vụn vặt chỉ cần rút kinh nghiệm qua loa, mà phải coi đó là việc làm tắc trách, thậm chí là sai lầm nghiêm trọng. Dù bản án đó có bị kháng nghị hủy án hay không thì cũng cần phải kiểm điểm nghiêm khắc như một số Tòa án đã làm; Thẩm phán viết bản án sai tùy theo mức độ phải có hình thức xử lý. Còn nhớ ở TANDTC có một Thẩm tra viên soạn thảo một “Quyết định tổng hợp hình phạt tù” đã viết nhầm từ tội “cố ý làm trái…” thành tội “cố ý gây thương tích…”, mặc dù quyết định này người có thẩm quyền chưa ký chính thức và chưa phát hành, nhưng vẫn phải đưa ra kiểm điểm trước đơn vị và bị tước danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”! Đành rằng, làm việc gì cũng có thiếu sót, thậm chí sai lầm, nhưng đối với Thẩm phán thì, “Bất kỳ sai sót nào dù nhỏ cũng không chỉ là tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, mà còn làm tổn hại đến uy danh của Tòa án, uy danh của Nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta” (Trích phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi công bố và trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC tại Phủ chủ tịch ngày 14-1-2012).

Về nguyên tắc, không có quy định nào của pháp luật cho phép “đính chính” bản án. Nếu bản án viết sai và sai lầm đó là nghiêm trọng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức và công dân thì đều bị Tòa án cấp phúc thẩm hoặc Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy để xét xử lại. Nếu bản án viết sai chưa tới mức phải hủy để xét xử lại thì cũng đừng cho đó là sai sót nhỏ, mà phải rút kinh nghiệm nghiêm khắc với Thẩm phán đã viết bản án đó. TANDTC chỉ cho phép đính chính một số trường hợp mà việc đính chính đó không gây thiệt hại cho bất cứ người tham gia tố tụng nào, nhưng cũng chỉ là cá biệt. Không thể chấp nhận một bản án phát hành viết sai họ tên của bị cáo, rồi đính chính, dù đó chỉ là lỗi chính tả. Viết sai tên bị cáo cũng đồng nghĩa với việc kết án không đúng người phạm tội; đã có nhiều trường hợp do viết sai tên bị cáo và người tham gia tố tụng, dẫn đến việc không thi hành án được, đến khi phát hiện thấy sai thì Thẩm phán lại ra thông báo sửa đổi, bổ sung bản án.

Việc đính chính bản án chỉ trong trường hợp viết sai chính tả mà lỗi đó nếu có sửa lại cũng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân hoặc do tính sai đáp số của một phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Nhưng nếu do tính sai mà dẫn đến quyết định gây thiệt hại đến lợi ích của người tham gia tố tụng thì không thể đính chính.

Đinh văn Quế (Nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC)

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/phap-dinh/nghiep-vu/sai-sot-trong-cac-ban-an-hinh-su-dung-xem-nhe-du-chi-la-sai-sot-nho-16344.html