Sai phạm VSATTP chức năng của Medistar Việt Nam: Lập lờ tiêu chuẩn GMP

Được biết đến là đối tác của hàng chục doanh nghiệp, nhà máy kinh doanh, sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng (TPCN) như Daesang, Vinphaco, Armephaco... nhưng Công ty TNHH Medistar Việt Nam lại không nắm rõ những quy chuẩn quốc tế mà Công ty tự nhận mình vẫn luôn luôn tuân thủ.

Tiêu chuẩn GMP “tự phát”

Qua ghi nhận thực tế ngày 26/07/2017, xưởng sản xuất của Công ty TNHH Medistar Việt Nam (Medistar) nằm trong khuôn viên khép kín, được đặt ngay cạnh một xưởng sơn tĩnh điện và một kho hàng. Điều đáng lưu ý là hoạt động của xưởng sơn tĩnh điện sẽ sản sinh ra bụi sơn mang chì độc hại, có thể phát tán xa hàng trăm mét và thâm nhập vào xưởng sản xuất của Medistar. Các bụi sơn này bám vào các sản phẩm TPCN có thể gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng cho người sử dụng.

Tại buổi làm việc về vấn đề xưởng sơn tĩnh điện đặt cạnh cơ sở sản xuất của Medistar có ông Đoàn Trung Đức – Giám đốc Công ty Medistar Việt Nam và ông Tô Đức Nhật – cán bộ truyền thông của Công ty.

Ông Đoàn Trung Đức cho biết: “Xưởng cơ khí này chỉ tiếp giáp với khu vực để bao bì cấp 2 của nhà máy và nhà máy sản xuất TPCN của Medistar đã có đầy đủ giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm” và Medistar đang áp dụng tiêu chuẩn GMP nên không thể có việc sơn tĩnh điện lọt được vào xưởng sản xuất. Bằng chứng được ông Đức đưa ra là các giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của công ty.

Ông Đoàn Trung Đức – Giám đốc Công ty Medistar Việt Nam

Website của Medistar cũng có đoạn giới thiệu: “MEDISTAR là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn công thức, sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) có nhà máy sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn GMP .... đáp ứng đẩy đủ các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới như GLP, GPs-WHO, ISO 9001:2008. Tại Việt Nam, hiện nay chỉ có rất ít công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng đạt được những tiêu chuẩn khắt khe này”.

Tuy nhiên, khi được hỏi sâu hơn về tiêu chuẩn GMP được Medistar áp dụng trong quá trình sản xuất TPCN thì cả ông Đức và ông Nhật đều cho biết: “Medistar chỉ hoạt động theo tiêu chuẩn GMP chứ chưa được một tổ chức có thẩm quyền nào cấp chứng nhận đáp ứng GMP”. Như vậy, phải chăng Medistar đã “tự kiểm tra” việc mình đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của GMP và khẳng định việc sản xuất TPCN hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi xưởng sơn tĩnh điện gần đó?

Nhập nhằng chứng chỉ ISO và GMP

Tại buổi làm việc, Ông Nhật chia sẻ: GMP rất phức tạp, rất khó nên doanh nghiệp “chuyển hướng” sang ISO 22000. Ông Nhật khẳng định: “ISO 22000 là cao hơn GMP. Cả 2 cái đều do nhà nước cấp hoặc do Tổ chức chứng nhận cấp”. Hiện nay Medistar đã qua vòng 1 của ISO 22000 nên “Doanh nghiệp nào đạt ISO 22000 thì đương nhiên được thừa nhận là đã đáp ứng GMP”.

Tuy nhiên, khi trao đổi thêm với PV thì ông Nhật lại nói: “Cục xuống thẩm định còn bảo em (Medistar) cứ xin cái ISO 22000 đi. Bọn em xin GMP hồ sơ thì qua dễ quá”. Như vậy, với cách trả lời “tiền hậu bất nhất” của ông Nhật thì việc xin cấp chứng nhận GMP là khó hay dễ? Việc Medistar lập lờ chuyển hướng sang ISO 22000 thay vì GMP như mình tự nhận phải chăng có điều khuất tất?

Ông Tô Đức Nhật – cán bộ truyền thông của Công ty

Cần phải hiểu rằng: GMP là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất, được áp dụng cho các cơ sở sản xuất, gia công, đóng gói thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm … Tiêu chuẩn này là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển các tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000. Trước đây, Hiệp hội TPCN cũng tổ chức đánh giá và cấp chứng nhận GMP (GMP-HS) cho một số hội viên nhưng lại không hề có tên MediStar.

Cho tới thời điểm hiện tại, Bộ Y tế mới có Quyết định số 4288/QĐ-BYT Ban hành tài liệu hướng dẫn Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứ chưa chính thức áp dụng. Ngay cả với “tài liệu” hướng dẫn này thì đại diện Medistar thừa nhận rằng “khó lắm” nên chuyển hướng sang ISO 22000, là tiêu chuẩn do Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) xây dựng tập trung vào an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, GMP được coi là 1 hệ thống các nguyên tắc đảm bảo rằng sản phẩm (thực phẩm, TPCN, dược phẩm, thuốc thú ý,…) không bị làm giả, an toàn cho người tiêu dùng và luôn được sản xuất và kiểm soát theo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Như vậy, việc khẳng định ISO 22000 “cao hơn” GMP, và doanh nghiệp nào có ISO 22000 thì mặc nhiên được thừa nhận đáp ứng GMP là hoàn toàn không có cơ sở.

Bản thân Medistar Việt Nam cũng thừa nhận rằng: Doanh nghiệp mới chỉ “qua vòng 1” của quá trình thẩm định ISO 22000 chứ chưa nhận được được chứng chỉ này. Cho nên hoàn toàn có thể kết luận rằng: Medistar hiện nay mới chỉ đạt chứng nhận đạt đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao Medistar Việt Nam dám tuyên bố là đơn vị sản xuất TPCN có nhà máy “lớn bậc nhất” Việt Nam và “tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn GMP”? Cơ quan nào thẩm định vấn đề này? Và việc tuyên bố này có phải là “lập lờ đánh lận con đen” trong bối cảnh GMP - TPCN ở Việt Nam hiện nay còn chưa ngã ngũ. Những tài liệu hướng dẫn thực hành sản xuất tốt GMP - Thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe “khó” thế nào mà khiến Medistar Việt Nam phải e dè?

Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./.

Hồng Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//bao-ve-nguoi-tieu-dung/sai-pham-vsattp-chuc-nang-cua-medistar-viet-nam-lap-lo-tieu-chuan-gmp-349599.html