Sai phạm trong hỗ trợ lãi suất

SGTT.VN - Nhiều cơ quan, doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ lãi suất để trục lợi.

Sau những phát hiện về việc sử dụng không đúng nguồn vốn cho vay hỗ trợ lãi suất (HTLS) đối với các khoản vay ngắn hạn theo quyết định số 131/2009/QĐ-TTg (ngày 23.1.2009) của Thủ tướng Chính phủ tại ngân hàng Quân đội, mới đây cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện ra nhiều khoản vay HTLS tại một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và cả ở nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đã bị sử dụng sai mục đích hoặc không đủ giấy tờ hợp lệ để được giải ngân. Tất cả những trường hợp như vậy đã chứng minh, chính sách HTLS cho vay được triển khai khi những cơ chế, quy định giám sát, quản lý nguồn vốn ngân sách rất thiếu chặt chẽ. Cho nên, đã có nhiều cơ quan, doanh nghiệp lợi dụng những sơ hở đó để sử dụng trái phép. Chính sách hỗ trợ lãi suất rất có thể sẽ không đến được đúng đối tượng cần cho vay thực tế đã xảy ra. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: Lê Quang Nhật Điều mà nhiều chuyên gia, một số nhà quản lý dự đoán rằng, ở nhiều nơi, chính sách HTLS rất có thể sẽ không đến được đúng đối tượng cần cho vay thực tế đã xảy ra. Một quy định trong quyết định số 131//QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và sau này, tại thông tư số 02/2009/TT-NHNN của ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn, các khoản cho vay ngắn hạn cho các mặt hàng, sản phẩm được thanh toán theo phương thức trả chậm được HTLS phải là những mặt hàng, sản phẩm chưa được tiêu thụ. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp và cả ngân hàng cho vay đã bất chấp quy định này. Ví dụ, qua kiểm tra công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom), cơ quan chức năng đã phát hiện doanh nghiệp này đã được vay với tổng doanh số trên 51 tỉ đồng nhưng thực tế, dịch vụ do EVN Telecom đã được tiêu thụ trước đó cho nên khoản tiền HTLS không đúng cho đơn vị này được tính ra lên tới trên 1,3 tỉ đồng. Một đơn vị khác là công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng cũng được HTLS sai quy định 1,2 tỉ đồng nhưng bị truy thu do vay để trả các khoản vay thực tế đã được thanh toán xong. Hay như ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Tế Việt Nam (VIB) cho chín doanh nghiệp vay HTLS không đúng do vay để thanh toán, giải ngân cho các mặt hàng, dịch vụ thực tế đã được tiêu thụ. Trong số đó, có cả những doanh nghiệp nhà nước lớn như: tổng công ty Lắp máy Việt Nam, tổng công ty Khoáng sản Việt Nam… Tổng doanh số cho vay các doanh nghiệp này trên 556 tỉ đồng và số tiền HTLS phải thu hồi là trên 3,6 tỉ đồng. Một quy định khác là các hoạt động tài chính (trung gian tài chính, hỗ trợ tài chính) không được HTLS. Thế nhưng, một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước lại đi đầu trong việc làm sai. Tiêu biểu là tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam. Trong năm 2009, tập đoàn này có các khoản tiền gửi, khoản cho vay lên tới trên 14.430 tỉ đồng và 28,5 triệu USD. Trong đó, riêng tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng đã trên 10.480 tỉ đồng và tiền lãi thu được đã gần 42 tỉ đồng. Thế nhưng, thật lạ lùng, riêng tại ngân hàng VIB, tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam đã được vay 250 tỉ đồng và được Nhà nước HTLS (sai) số tiền trên 2,73 tỉ đồng. Đáng lưu ý, chính tập đoàn này còn dư tiền gửi tại ngân hàng VIB và có số lãi hàng tỉ đồng. Các dạng sai phạm trong việc sử dụng vốn vay HTLS ngắn hạn rất muôn hình muôn vẻ. Riêng tại ngân hàng VIB, người ta còn thấy bốn đến năm dạng sai phạm khác nhau như thực hiện HTLS quá thời gian sử dụng vốn vay thực tế. Có tới 61 khách hàng được vay nhưng thời gian HTLS lớn hơn thời gian sử dụng vốn vay thực tế dẫn đến HTLS không đúng quy định số tiền gần 21 tỉ đồng. Hay như có việc HTLS cho các khoản vay để thanh toán mua hàng hóa nhưng thực chất không có hoạt động mua bán (ví dụ như ở công ty cổ phần Hải Việt, công ty TNHH Hào Hưng…) Không ít đơn vị được vay còn sử dụng vốn vay HTLS sai mục đích như công ty cổ phần dịch vụ tin học HPT, công ty cổ phần công nghiệp Sao Bắc Đẩu, công ty cổ phần Thực phẩm xanh… Điều đáng nói ở đây là Nhà nước thiếu một cơ chế giám sát, một chế tài xử lý đủ mạnh, kịp thời để răn đe, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình lợi dụng chính sách để trục lợi. Điều đáng nói ở đây là Nhà nước thiếu một cơ chế giám sát, một chế tài xử lý đủ mạnh, kịp thời để răn đe, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình lợi dụng chính sách để trục lợi. Một số đơn vị dường như thấy vay HTLS quá dễ còn đi vay, được HTLS rồi về cho vay lại như tổng công ty Khoáng sản Việt Nam đã vay về rồi cho hai công ty khác vay lại với lãi suất rất cao: 8,52%/năm. Tổng công ty may Đức Giang cũng vay rồi cho vay lại hoặc gửi tiền có kỳ hạn ở ngân hàng, ăn chênh lệch lãi suất từ 7 – 12%/năm. Cơ quan chức năng còn phát hiện có ngân hàng còn cho vay, HTLS những khoản vay không đủ chứng từ hợp lệ, cho vay đối với các doanh nghiệp có nguồn vốn dư thừa, thực sự không có nhu cầu vay HTLS. Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) được vay trên 30 tỉ đồng và được HTLS 338 triệu đồng để bổ sung vốn lưu động. Nhưng qua kiểm tra, người ta thấy, toàn bộ hóa đơn, chứng từ làm căn cứ để vay ngân hàng đó đã được thanh toán tại các ngân hàng khác và nguồn tiền mặt của một chi nhánh của công ty này. Một “ông lớn” khác được vay HTLS sai quy định dạng này là tổng công ty Khoáng sản Việt Nam với số tiền vay trên 70 tỉ và được HTLS sai trên 700 triệu đồng. Sai trái của tổng công ty này là đem tiền HTLS cho các công ty con để thanh toán các sản phẩm do công ty con tự khai thác bán cho công ty mẹ. Chính sách cho vay ngắn hạn có HTLS tuy có nhiều ý kiến cho là cần thiết nhưng có lẽ chính vì chưa có tiền lệ, việc ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể và triển khai thực hiện quá gấp rút đã dẫn đến những sơ hở, lỏng lẻo. Thời gian chỉ vài tháng chắc chắn không thể đủ để người hoạch định chính sách bao quát hết tất cả những trường hợp cho vay, xử lý hết các vấn đề phức tạp trong thực tiễn cho vay của các tổ chức tín dụng. Do đó, việc lợi dụng chính sách để trục lợi như đã được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo từ đầu đã xảy ra ở mức độ nghiêm trọng. Điều đáng nói ở đây là Nhà nước thiếu một cơ chế giám sát, một chế tài xử lý đủ mạnh, kịp thời để răn đe, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình lợi dụng chính sách để trục lợi. Với thực tế, chỉ riêng ngân hàng VIB, số tiền HTLS không đúng quy định phải thu hồi về trên 30,7 tỉ đồng, ngân hàng Quân đội thực hiện HTLS sai trên 1,8 tỉ đồng… cho thấy, nếu thanh tra, kiểm toán toàn bộ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, các đơn vị doanh nghiệp tham gia (tổng kinh phí để HTLS ngắn hạn là 17.000 tỉ đồng và tổng số khoản vay thực tế đã được hỗ trợ năm 2009 là trên 400.000 tỉ đồng) thì số tiền đã HTLS sai quy định chắc chắn còn lớn hơn. Đề ra chính sách cho vay để rồi lại mất nhiều thời gian, nguồn lực để thu hồi lại các khoản thất thoát như vậy không khác gì việc thả gà ra đuổi. Tuy nhiên, để ngân sách không bị thất thoát, rà soát, kiểm tra, truy thu lại các khoản HTLS chi sai là việc vẫn phải làm. Và đây thực sự là bài học rất lớn cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách tài chính sau này.

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/goc-nhin/130508/sai-pham-trong-ho-tro-lai-suat.html