Sai phạm dự án sửa chữa khe co giãn cầu Tạ Khoa: Thi công trước, đấu thầu... sau

Với lý do bảo trì, sửa chữa và thay thế hạng mục khe co giãn cầu Tạ Khoa (thuộc QL37, huyện Bắc Yên), sở GTVT tỉnh Sơn La đã lập dự án 'sửa chữa khe co giãn cầu Tạ Khoa, QL37, tỉnh Sơn La' và tiến hành mở thầu công khai. Điều trái khoáy, dự án này hoàn thành trước khi mở thầu và công ty trúng thầu lại chính là công ty đã hoàn thành dự án trước đó (!?). 'Bật đèn xanh' cho... sai phạm? Hứa... rút kinh nghiệmSai phạm nghiêm trọngVI HẬU - ĐOÀN TÂN

“Bật đèn xanh” cho... sai phạm?

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, PV báo ĐS&PL đã trực tiếp lên hiện trường ghi nhận sự việc. Từ TP.Sơn La đến cầu Tạ Khoa khoảng hơn 70km. Phóng viên phải vượt qua hàng loạt cung đường gấp khúc, việc di chuyển cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, đặc biệt khi vượt đèo Chẹn dài 11km với một bên núi, một bên vực sâu. Cầu Tạ Khoa là cây cầu bê tông cốt thép vượt sông Đà tại Km425+800 trên QL37, được đưa vào khai thác sử dụng năm 2003. Đây cũng là cây cầu độc đạo phục vụ nhu cầu đi lại của hai huyện Phù Yên và Bắc Yên...

Ghi nhận tại hiện trường, PV nhận thấy, các khe co giãn tại đây đã được thay mới. Bà Lò Duy V. – một người dân sống gần cây cầu Tạ Khoa phản ánh: “Mấy tháng trước, có một đội xây dựng đến đây tiến hành sửa chữa cầu. Họ làm trong khoảng gần 2 tháng thì xong. Nhưng ngay sau đó có một đoàn công tác trên tỉnh tới kiểm tra, nghe đâu công ty đó thực hiện thay thế các hạng mục mà không thông qua đấu thầu. Đoàn thanh tra cũng đến tận nhà một số người dân sống quanh đây để ghi lại sự việc”.

Theo bà V., ngay từ khi đơn vị nọ tiến hành thay thế một số hạng mục của cầu đã có “lời ra tiếng vào” về việc làm sai quy trình... song không hiểu sao đơn vị thi công vẫn thực hiện đến khi hoàn thành công việc thay thế khe co giãn.

Từ những tài liệu PV báo ĐS&PL có được cho thấy, dự án sửa chữa khe co giãn cầu Tạ Khoa là một trong 11 dự án được tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt cho phép sửa chữa công trình đường bộ năm 2016. Toàn bộ số tiền đầu tư xây dựng các công trình trên đều được dùng từ quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương... Được biết, đơn vị “dính thầu” là công ty cổ phần Cơ khí và xây dựng Thăng Long (công ty 68 và Xây dựng Thăng Long). Tuy nhiên, điều kỳ lạ ở chỗ, gói thầu của dự án này đã được công ty trên hoàn thành trước đó vài tháng so với ngày mở thầu(?!).

Văn bản giải trình của sở GTVT Sơn La trước sai phạm trong sự việc trên (Ảnh: Đoàn Tân).

Văn bản giải trình của sở GTVT Sơn La trước sai phạm trong sự việc trên (Ảnh: Đoàn Tân).

Theo điều tra của PV, ngày 27/4/2016, ban Quản lý bảo trì đường bộ (thuộc sở GTVT tỉnh Sơn La) đăng tin mời thầu trên báo Đấu thầu số 77 có nội dung: Mời thầu xây lắp công trình sửa chữa khe co giãn cầu Tạ Khoa, thời gian phát hành Hồ sơ mời thầu từ ngày 04/05/2016 đến 8 giờ ngày 16/5/2016 (ngày đóng thầu và cũng là thời điểm mở thầu). Tuy nhiên, khoảng 45 ngày trước khi phát hành hồ sơ mời thầu dự án này, công ty 68 và Xây dựng Thăng Long đã thi công và hoàn thành toàn bộ các hạng mục chính và gắn biển tên công ty tại các vị trí đã thi công(?!). Đây được xem là có hành vi thông thầu giữa sở GTVT tỉnh Sơn La với công ty 68 và Xây dựng Thăng Long. Điều nghiêm trọng ở chỗ, số tiền gần 2 tỉ đồng này sẽ được rút trực tiếp từ quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.

Hứa... rút kinh nghiệm

Trước sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong tiến hành dự án sửa chữa khe co giãn cầu Tạ Khoa, PV đã trực tiếp làm việc với sở GTVT tỉnh Sơn La. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở này cũng thừa nhận về những sai phạm nói ở trên. Ông Nguyễn Văn Chính – Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, người được giao phát ngôn về vụ việc này cho biết: “Đúng là có việc nhà thầu thực hiện dự án trước ngày mở gói thầu song nó có lý do”.

Vị này đưa ra lý do, cầu Tạ Khoa, QL37 là công trình cầu lớn, khẩu độ dài (chiều dài cầu) 650m, khe co giãn lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng, huyết mạch đảm bảo giao thông cho QL6 và là tuyến đường độc đạo phục vụ nhu cầu đi lại của 2 huyện Phù Yên và Bắc Yên. Hơn nữa, thời gian sử dụng đã lâu, khe co giãn cao su hư hỏng, ảnh hưởng đến an toàn công trình và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Ông Chính giải thích, bước chuẩn bị đầu tư, sửa chữa mất nhiều thời gian. Do đó, trước nhu cầu cấp bách đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn và tránh phát sinh các hư hỏng mới, đặc biệt kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại... Sở đã đề nghị công ty 68 và Xây dựng Thăng Long hỗ trợ tư vấn giải pháp sửa chữa.

Trước câu hỏi của PV về thông tin chính tổng cục Đường bộ Việt Nam “bật đèn xanh” để sở GTVT Sơn La ưu ái gói thầu này cho công ty 68 và Xây dựng Thăng Long, ông Chính trả lời: “Tổng cục ĐBVN không chỉ định thầu, công ty 68 và Xây dựng Thăng Long không phải là “sân sau” của tổng cục ĐBVN”. Ông Chính cũng thú thực: “Lãnh đạo Sở xin rút kinh nghiệm về sự vụ nêu trên và hứa không để xảy ra sự vụ tương tự”.

Cũng liên quan đến sự việc trên, Giám đốc sở GTVT tỉnh Sơn La – ông Trịnh Xuân Hùng cũng thừa nhận, đây là hành động vi phạm luật Đấu thầu. Tuy nhiên, phía Sở vẫn đưa ra lý do việc sửa chữa khe co giãn của cầu rất khó, Sở phải nhờ tổng cục ĐBVN giới thiệu đơn vị có kinh nghiệm để thi công. Trước câu hỏi về việc có đơn vị tham gia đấu thầu khác trả giá thấp hơn đơn vị đã được thi công, Sở sẽ xử lý ra sao, vị Giám đốc Sở hồn nhiên khẳng định: “Nếu có chuyện như vậy thì công ty 86 và Xây dựng Thăng Long sẽ phải gỡ bỏ toàn bộ công trình đã thi công xong để bàn giao lại cho đơn vị trúng thầu”! Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận sẽ khó có khả năng có đơn vị nào khác ngoài công ty này trúng thầu.

Dư luận đặt câu hỏi, việc công ty 68 và Xây dựng Thăng Long được thi công trước, rồi có quyết định trúng thầu sau, phải chăng để hợp thức hóa việc rút tiền đầu tư từ quỹ Bảo trì đường bộ? PV báo ĐS&PL đang liên hệ với các cơ quan thuộc bộ GTVT và tiếp tục trở lại thông tin về sự việc trên.

Dưới góc nhìn pháp lý, trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Chu Văn Tiến – Giám đốc công ty Luật An Nam (đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, hành vi trên đã vi phạm nghiêm trọng luật Đấu thầu. Theo quy định, việc đấu thầu trải qua trình tự thủ tục nghiêm ngặt với các công đoạn như lập hồ sơ mời thầu, thông báo mời thầu, đóng tiền bảo đảm dự thầu, xét duyệt nhà thầu đủ điều kiện, đóng tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng, sau đó mới cho tiến hành thi công dự án… Thế nhưng, trong trường hợp này, việc tiến hành thi công được thực hiện trước thời điểm phát hồ sơ mời thầu. Đây là sai phạm vô cùng lớn. Theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm có thể bị cảnh cáo, phạt tiền, bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu, thậm chí sẽ bị xử lý hình sự nếu hành vi đó cấu thành tội phạm.

VI HẬU - ĐOÀN TÂN

[mecloud]CKb2F7CYCr[/mecloud]

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/du-an-sua-chua-khe-co-gian-cau-thi-cong-truoc-dau-thau-sau-a152440.html