Sacombank và nhiều vấn đề sau sáp nhập

"Các tài sản xấu của Sacombank tập trung chủ yếu vào các khoản cho vay khách hàng, khoản lãi phải thu, các khoản phải thu và trái phiếu VAMC”, VCSC đánh giá.

Bộ phận phân tích Công ty Cổ phần Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) vừa báo cáo cập nhật về tình hình hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (HOSE: STB).

Theo đó, rủi ro từ một lượng lớn các khoản nợ xấu tiềm tàng là nguyên nhân mà VCSC cho rằng, Sacombank khó có thể giải quyết hết các vấn đề trong tương lai gần.

Đầu tiên, nói về các khoản cho vay khách hàng, VCSC đánh giá, các khoản cho vay khách hàng của STB có rủi ro cao do tỷ lệ nợ xấu cao tại PNB trước khi sáp nhập. Các khoản cho vay khách hàng nhận từ Ngân hàng Phương Nam (PNB) chủ yếu tập trung trong lĩnh vực bất động sản .

Dư nợ cho vay nhận được từ PNB được ước tính là khoảng 40.000 đồng tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu sau kiểm toán nhà nước tại thời điểm cuối năm 2013 là 55,3%. VCSC giả định rằng ngoài những nợ xấu đã được bán cho VAMC, phần còn lại vẫn được ghi nhận là các khoản vay trong sổ sách của STB. Do đó, VCSC ước tính, thực tế nợ xấu của Sacombank có thể cao hơn đáng kể so với báo cáo nợ xấu ở mức 2,8% của ngân hàng.

Tỷ lệ cho vay trung dài hạn trên tổng dư nợ tại Sacombank tăng lên đáng kể từ năm 2015. Sacombank có tỷ lệ cho vay trung dài hạn cao nhất, tỷ lệ tăng đặc biệt từ năm 2015 sau khi sáp nhập với PNB. VCSC cho rằng việc tỷ lệ này gia tăng đột biến có thể cho thấy dấu hiệu ngân hàng cơ cấu lại nợ xấu trước khi thông tư có hiệu lực để tránh nghĩa vụ trích lập dự phòng.

Lãi phải thu cao bất thường tại Sacombank cũng là một tín hiệu mạnh mẽ rằng thực tế nợ xấu cao hơn so với báo cáo. VCSC đánh giá tỷ lệ lãi phải thu trên tổng tài sản sinh lãi của STB sẽ giảm do lãi suất hiện nay thấp hơn nhiều so với các năm 2013 và 2014.

“Nếu ước tính hào phóng lãi phải thu bằng cách sử dụng tỷ lệ lãi phải thu trên tài sản sinh lãi ở mức 2,5%, mặc dù tỷ lệ đó ở các ngân hàng khác ở mức dưới 1,5%. Lãi phải thu nghi ngờ được ước tính lên đến 20 nghìn tỷ đồng chiếm đến 78,2% số lãi phải thu trên báo cáo” VCSC đánh giá.

Ước tính lãi phải thu tại STB Q2/2016

Theo, VCSC, các khoản phải thu chịu rủi ro tín dụng có số dư cao cũng đưa tín hiệu về khả năng nợ xấu tăng. Các khoản phải thu thông thường bao gồm khoản repo, ứng trước cho nhân viên hoặc khách hàng, ủy thác đầu tư, vân vân…Các khoản này đều chịu rủi ro tín dụng, do đó, có thể tạo ra nợ xấu.

Các khoản phải thu tại Sacombank trên tổng tài sản ở mức độ tương tự như các ngân hàng khác cho đến trước khi sáp nhập với PNB. Sau khi sáp nhập với PNB, khoản phải thu bắt đầu tăng mạnh. Với điều kiện tài chính của PNB tại thời điểm sáp nhập, VCSC nghi ngờ chất lượng của loại tài sản này. Do đó, VCSC đã áp dụng tỷ lệ 3,0% (ngân hàng khác thấp hơn 2,5%) để ước tính các khoản phải thu nghi ngờ.

Ước tính khoản phải thu tại STB Q2/2016

Ngoài ra, số dư trái phiếu VAMC cũng là một chỉ báo về chất lượng tài sản và triển vọng lợi nhuận. Theo VCSC, số dư VAMC cao sẽ kéo lợi nhuận xuống thấp. Số dư trái phiếu VAMC tại Sacombank được ước tính khoảng 16.246 tỷ đồng vào cuối quý 2 năm 2016. Nếu so sánh tuyệt đối, thì số dư VAMC tại Sacombank được ước tính cao hơn hầu hết các ngân hàng khác, gấp 9 lần ACB và chỉ thấp hơn BIDV.

Nếu so sánh tương đối, thì Sacombank có tỷ lệ số dư VAMC trên tổng tài sản cao nhất, gấp đôi BIDV. Điều này theo VCSC sẽ tạo ra gánh nặng dự phòng cao, đặc biệt khi Sacombank đang phải giải quyết số lượng lớn các khoản nợ xấu vẫn còn ghi nhận trong sổ sách.

"Trong kế hoạch tái cơ cấu, Sacombank sẽ ghi nhận dự phòng VAMC trong 10 năm. Điều đó cũng đồng nghĩa ngân hàng sẽ không được phép để chia cổ tức trong khoảng thời gian này", VCSC đánh giá.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/sacombank-va-nhieu-van-de-sau-sap-nhap-201610110953034p149c165.news