Sacombank trong nỗi lo lợi nhuận tụt dốc

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận của Sacombank đã giảm mạnh, lên tới 76%. Áp lực đang ngày một lớn, đối với doanh nghiệp vốn thuộc Top 5 ngân hàng như Sacombank?

Thời điểm này, tuy Sacombank chưa có công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015. Tuy nhiên những con số dựa trên báo cáo tài chính chưa soát xét 6 tháng đầu năm nay cũng đã cho thấy ngân hàng này đang đối mặt với hàng loạt vấn đề đau đầu.

So với trước thời điểm tháng 10/2015, Sacombank hiện có quy mô lớn hơn nhiều lần cơ sở vật chất, từ điểm giao dịch tới tổng tài sản, vốn điều lệ đều được nâng lên đúng như kỳ vọng ban đầu.

Thế nhưng, báo cáo tài chính chưa kiểm toán năm 2015 đã cho thấy, Sacombank sẽ còn phải trích lập dự phòng và xóa nợ trong vài năm tới. Đó là vì ảnh hưởng bởi dự phòng đã hạn chế tăng trưởng của Sacombank khi số dư trái phiếu VAMC thuộc nhóm cao dẫn đầu so với các ngân hàng khác; lãi phải thu và khoản phải thu tăng mạnh; khoản cho vay khách hàng có thời gian đáo hạn kéo dài tăng cao trong vài năm qua và số dư dự phòng khá thấp.

Sau khi việc sáp nhập diễn ra, lợi nhuận của Sacombank bị ảnh hưởng trầm trọng và giảm mạnh. Quý 2/2016, lợi nhuận trước và sau thuế của Sacombank lần lượt đạt 164 và 147 tỷ đồng, giảm lần lượt 76% và 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do thu nhập lãi ròng giảm (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2015 giảm còn 5,1% so với 10,2% năm 2014), trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng (tăng 5% trong bối cảnh lợi nhuận trước dự phòng giảm 51%). Con số nợ xấu chính thức đã tăng từ 1,2% lên 1,9%.

Tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu riêng lẻ (CAR) là 9,5% vào cuối năm 2015 khiến việc tăng vốn trở nên cấp bách đối với Sacombank. Nhưng giá trị sổ sách trên cơ sở điều chỉnh năm 2015 chỉ đạt 6.257 đồng/cổ phiếu khiến khả năng huy động vốn trở nên khó khăn khi Ủy ban Chứng khoán không cho phép huy động cổ phần dưới mệnh giá 10.00 đồng.

Năm 2015, lãi lũy kế liên quan đến nợ nhóm 1 tăng từ 5.149 tỷ đồng vào cuối năm 2014 lên 25.230 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Sacombank không công bố giá trị trái phiếu VAMC mà ngân hàng nắm giữ trong báo cáo tài chính 2015 chưa kiểm toán. Tuy nhiên, theo ước tính, con số này vào khoảng 13.405 tỷ đồng, nghĩa là ngân hàng đã bán thêm 6.407 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2015.

Hiện nay, ngân hàng này đang là một trong những ngân hàng TMCP có dư nợ VAMC cao nhất, tạo ra gánh nặng dự phòng không hề nhỏ. Bởi vậy, Sacombank sẽ có khả năng đối mặt với những rủi ro khó lường trong thời gian tới.

Tỷ lệ xóa nợ tiếp tục là 0,5% tổng dự nợ tín dụng trong năm 2014 và 2015. Điều này cho thấy Sacombank hiện đang chịu áp lực mang lại lợi nhuận và sẽ cần thêm thời gian để cải thiện bảng cân đối kế toán. Trong năm 2015, tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) từ mức 54,1% năm 2014 tăng mạnh lên 59%.

Có vẻ như, Sacombank đang phải đối diện với rất nhiều những khó khăn trước mắt, và việc giải quyết những khó khăn đó, xem ra không hề dễ.

Phương Trà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thi-truong/sacombank-trong-noi-lo-loi-nhuan-tut-doc-20161021105632443.htm