Sắc son tình nghĩa giữa hai địa phương của Việt Nam và Lào

Trong nhiều năm qua, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng đến mối quan hệ với các địa phương của Lào, đặc biệt là huyện kết nghĩa Thà Tèng, tỉnh Sê Kông; góp phần tô thắm thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc.

Huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã gắn với nhiều sự kiện lịch sử trong mối quan hệ tốt đẹp với nước bạn Lào trong công cuộc chống ngoại xâm. Vùng đất này từng là địa điểm đứng chân của Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng biên chính miền Nam Trung bộ, một trong những hậu cứ giúp nước bạn Lào trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1948, một tổ công tác đặc biệt của Liên khu ủy V bí mật vào đất Lào sang Thái Lan tìm gặp hoàng thân Xu-pha-nu-vông (Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang kháng chiến Lào lúc bấy giờ) trao bức mật hàm của Trung ương Đảng và Bác Hồ về việc xây dựng lực lượng, phối hợp chiến đấu chống kẻ thù chung.

Sau khi xem mật hàm, hoàng thân vô cùng phấn khích và thống nhất cử một lực lượng đi theo tổ công tác đặc biệt sang Việt Nam. Cuối tháng 6-1948, tổ công tác về đến Việt Nam trình mật thư của hoàng thân Xu-pha-nu-vông đề nghị phía ta giúp bạn thành lập “Khu đặc biệt” để hỗ trợ giúp bạn chống Pháp tại vùng Hạ Lào.

Tháng 7-1948, đồng chí Phạm Văn Đồng đại diện chính phủ tại Nam Trung bộ ký quyết định thành lập “Khu đặc biệt” tại vùng Tà Ngô (biên giới Việt - Lào).

Trước tình hình nhiều chuyển biến tại chiến trường Hạ Lào, đầu năm 1949, Chính phủ kháng chiến Lào cử cán bộ cấp cao sang Việt Nam mang theo công hàm của hoàng thân Xu-pha-nu-vông đề nghị Chính phủ ta giúp bạn thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào để làm hậu cứ vững mạnh, tiếp nhận và hỗ trợ vũ khí, lương thực, quân dụng, các nhu yếu phẩm khác, đào tạo, bồi dưỡng cho bộ đội Pa-thét Lào và cung cấp chuyên gia quân sự cho mặt trận Hạ Lào (về sau ta cung cấp luôn cho cả vùng Đông Bắc Campuchia).

Lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán Quốc hội Lào cùng lãnh đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nước ta tham quan tại di tích khu Hạ Lào.

Qua hội đàm, phía ta thống nhất đề nghị giải thể “Khu đặc biệt” giúp bạn thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào và đặt Bộ chỉ huy quân sự Khu Hạ Lào tại Việt Nam; thành lập Phái đoàn Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ gọi tắt là Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ (mật danh cơ quan 12).

Địa điểm xây dựng Khu kháng chiến Hạ Lào được chọn bao gồm vùng đất các xã phía Tây Tam Kỳ (huyện Phú Ninh ngày nay). Vì nhiều lý do mà khu Hạ Lào phải qua nhiều đợt thay đổi địa điểm trụ sở, song hàng chục cán bộ chiến sĩ Lào vẫn bám trụ học tập và hoạt động trên mảnh đất Quảng Nam, mãi đến hết năm 1954 mới về nước…

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Phú Ninh, cho biết với ý nghĩa lịch sử đặc biệt, tháng 8-2011 di tích Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Đến đầu năm 2012, Bộ VH-TT&DL đã thống nhất cho tỉnh Quảng Nam lập dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Trên diện tích 5ha của khu di tích đã được khôi phục lũy tre xưa bao bọc khu di tích, cánh đồng lúa, trồng cây xanh bố trí công viên cho du khách nghỉ chân ngắm toàn cảnh di di tích tạo không gian làng quê; phục hồi, tôn tạo lại cụm di tích gốc trong đó có dãy nhà cổ kiến trúc truyền thống Quảng Nam với các khu nhà in báo, tài liệu; kỹ thuật; ban hậu cần; khu nhà ở cho cán bộ cáo cấp chuyện gia quân sự Việt Nam - Lào; nhà làm việc của Trưởng Khu Hạ Lào Xỉthoncommadam kết hợp với phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật của khu di tích;…

Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam đang hoàn tất các thủ tục để xây dựng Quảng trường tượng đài hữu nghị Việt - Lào với sức chứa khoảng 1.000 người phục vụ cho các chương trình gặp mặt giao lưu hữu nghị Việt - Lào tổ chức hằng năm tại khu di tích.

Bên cạnh đó việc phục dựng các khu học tập chính trị cũng được chú ý để góp phần tái hiện một cách phong phú về quá trình hoạt động của cán bộ, bộ đội 2 nước Lào - Việt tại Khu di tích trong kháng chiến chống Pháp.

Không chỉ chú trọng bảo tồn khu di tích Hạ Lào, một biểu tượng về mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa 2 nước Việt - Lào, năm 2015, huyện Phú Ninh còn ký Biên bản hợp tác với huyện kết nghĩa Thà Tèng, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào.

Mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 huyện Phú Ninh và Thà Tèng kể từ sau Hội nghị cấp cao năm 2015 đã không ngừng phát triển trên các lĩnh vực. Hai huyện đã tích cực hợp tác và phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện các nội dung đã đề ra tại Biên bản Hội nghị cấp cao năm 2015 như công tác đào tạo nhân lực, bồi dưỡng cán bộ, hợp tác trên lĩnh vực đầu tư xây dựng và cơ sở vật chất,…

Hai bên đã chủ động trao đổi kinh nghiệm công tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong công cuộc xây dựng, cùng phát triển; giúp cho cán bộ, nhân dân 2 huyện hiểu được ý nghĩa, vai trò đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước, từ đó có ý thức gìn giữ và vun đắp cho mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước nói chung và giữa 2 địa phương nói riêng ngày càng phát triển vững chắc.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/sac-son-tinh-nghia-giua-hai-dia-phuong-cua-viet-nam-va-lao-450952/