Sabeco tiếp tục kêu oan vì bị truy thu 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt

Cơ quan quản lý tiếp tục khẳng định sẽ truy thu số tiền thuế, trong khi doanh nghiệp tuyên bố mình không sai và đang chịu thiệt hại từ thông tin này.

Sabeco có phải nộp bổ sung 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt hay không phải đợi phán quyết cuối cùng từ Bộ Tài chính.

Giữa tuần này, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức tọa đàm để bàn riêng về việc thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt của Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - một trường hợp mà nếu xử lý theo hướng nào có thể sẽ là tiền lệ cho cả ngành bia, rượu, nước giải khát sau này.

Sự kiện này diễn ra sau kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cơ quan chức năng yêu cầu Sabeco nộp bổ sung 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là số tiền mà kiểm toán cho rằng Sabeco đã "lách luật", thông qua việc bán giá thấp cho các công ty con, để giảm số tiền nộp thuế từ năm 2013.

Tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu. Họ đều phát biểu với tư cách cá nhân, và cho rằng luật hiện hành về thuế tiêu thụ đặc biệt có một số kẽ hở. Nhưng các vị chuyên gia này đều cho rằng không thỏa đáng nếu kết tội doanh nghiệp "lách luật" khi vận dụng những kẽ hở đó, và khó có thể thực hiện yêu cầu truy thu thuế.

Trước đó, cùng với kiến nghị truy thu thuế Sabeco, đại diện Kiểm toán Nhà nước cũng đề xuất khắc phục "lỗ hổng về chính sách" trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo Thông tư 05 của Bộ Tài chính ban hành năm 2012. Văn bản này chỉ quy định việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các cơ sở thương mại nói chung mà không chỉ rõ độc lập hay không độc lập của các đơn vị này với nhà sản xuất, dẫn đến nhiều “hiểu lầm”.

Như tại Sabeco, đơn vị này đã lập ra một hệ thống tiêu thụ bao gồm Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco là công ty con 100% vốn công ty mẹ. Thuế tiêu thụ đặc biệt được tính, kê khai qua giá bán ra của công ty mẹ. Sau đó, công ty con của Sabeco lại thành lập hàng chục công ty cháu, đơn vị liên kết tại các vùng với tỷ lệ sở hữu 90-94% và bán các sản phẩm qua hệ thống đại lý. Với mô hình nhiều cấp này, tiền thuế tiêu thụ đặc biệt mà Nhà nước thu được sẽ không đáng kể nếu doanh nghiệp hạ giá bán tại nơi sản xuất, nhưng tăng dần trong khâu thương mại.

Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), người đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco - ông Phan Chí Dũng lại cho rằng với một doanh nghiệp lớn, kinh doanh trên phạm vi cả nước, thì việc lập hệ thống phân phối phải có nhiều tầng nấc là bình thường. Vị này cho rằng đây không phải hành vi "lách" luật.

Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Nguyễn Đình Cung, ngay cả khi doanh nghiệp "lách" luật thì cũng không phải điều sai trái, thậm chí còn là hành động thông minh, mang lại lợi ích.

Trong khi đó, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương, người cho biết có 20 năm chuyên nghiên cứu vấn đề này, lỗ hổng pháp luật là điều nước nào cũng có nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý là làm sao để các lỗ hổng đó càng nhỏ càng tốt, càng ít càng tốt. "Người lách được luật là người không có lỗi, không có gì xấu”, vị này nhận định.

Cũng có mặt tại diễn đàn nêu trên và không phát biểu chính thức, song chia sẻ bên lề với báo chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco - Phan Đăng Tuất một lần nữa khẳng định việc doanh nghiệp tuân thủ các quy định về chính sách thuế. Vị này dành nhiều thời gian hơn nói về những ảnh hưởng của thông tin truy thu đến doanh nghiệp. Theo đó ông Tuất cho rằng Sabeco còn "may mắn" chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, nên tác động bất lợi đã được hạn chế phần nào.

"Tuy nhiên, theo tính toán của một số đơn vị độc lập sau thông tin Sabeco bị truy thu thuế, thị phần của doanh nghiệp đã mất khoảng 5%", ông Tuất thông tin.

Trao đổi với báo chí sau sự kiện, một quan chức của Bộ Tài chính khẳng định cơ quan này có trách nhiệm thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước điều đó cũng có nghĩa Sabeco chắc chắn phải nộp bổ sung số thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 408 tỷ đồng bất kể những phản ứng gần đây của doanh nghiệp và ý kiến giúp sức của các chuyên gia.

Vị này cũng nhận định doanh nghiệp như Sabeco không thể và không có động cơ "lách" để gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Hầu hết các đơn vị này đều do Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Nếu số thuế phải nộp tăng thì lợi nhuận giảm, điều đó cũng có nghĩa phần lợi nhuận trả cho ngân sách Nhà nước giảm xuống, và ngược lại. Vì thế, về bản chất tổng thu ngân sách không đổi.

Theo VnExpress

Tin liên quan Doanh nghiệp 24h: “Đến giờ Sabeco vẫn chưa hiểu phải làm sao cho đúng” Vụ truy thu 408 tỷ thuế Sabeco: “Tiền Nhà nước nộp về Nhà nước!” Vụ truy thu 408 tỷ tiền thuế: Sabeco “phản pháo” Bị truy thu 408 tỷ đồng thuế, Sabeco có thể khởi kiện

Cùng dòng sự kiện

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/sabeco-tiep-tuc-keu-oan-vi-bi-truy-thu-408-ty-dong-thue-tieu-thu-dac-biet-1159329.html