Sabeco, Habeco trong tầm ngắm của các ông lớn nước ngoài

Các quán bia tại Việt Nam dường như không bao giờ ngớt khách bởi đó là lựa chọn của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam khi họ tìm đến đồ giải khát, đặc biệt với cánh mày râu.

Và khi ngân sách bị hạn chế, việc bán cổ phần tại các công ty bia quốc doanh đang trở thành giải pháp giúp chính phủ thu về hàng tỷ USD tiền mặt.

Việc thoái vốn chưa từng xảy ra trước đây tại 2 viên ngọc quý – Sabeco và Habeco – dự kiến mang lại 2,2 tỷ USD cho chính phủ. Đây là một trong những nỗ lực cải cách các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh. Theo số liệu chính thức, các doanh nghiệp ngày đóng góp 1/3 GDP của Việt Nam trong năm 2015.

Cuộc cải cách sâu rộng lần này được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được các mục tiêu tham vọng và lấy lại đà tăng trưởng.

Bia là một điểm xuất phát hợp lý.

Với 93 triệu người dân đang sinh sống, Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ bia hàng đầu châu Á. Theo công ty Euromonitor, người Việt Nam tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia trong năm 2015.

Chính nhu cầu khổng lồ đó đã thu hút sự quan tâm của các công ty bia nước ngoài trong bối cảnh các thị trường phát triển tại châu Á đang có dấu hiệu chững lại.

Giám đốc điều hành Kevin Snowball của PXP Vietnam Asset Management cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ bia tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Đây rõ ràng là lời mời gọi đối với các công ty đầu tư.

Ông Snowball cho biết việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã được nói đến từ rất lâu nhưng vẫn chưa được hiện thực hóa. Mặc dù vậy, sự tích cực vẫn sẽ được duy trì nếu có kế hoạch cụ thể.

Chính phủ cho biết Habeco và Sabeco sẽ được niêm yết vào quý I/2017 và mở cửa dự thầu với cả công ty trong nước và quốc tế.

Với những người Việt Nam thường tìm đến những quán bia hơi và một số thành phần khác, việc tư nhân hóa hứa hẹn mang tới một giai đoạn mới tốt đẹp miễn là hương vị của sản phẩm không bị ảnh hưởng.

Ông Đức Thắng, 48 tuổi, cho biết ông không muốn vị bia Hà Nội bị ảnh hưởng bởi vị bia Carlsberg hay bia Sài Gòn lại có vị giống bia Sapporo. Theo ông Thắng, vấn đề mấu chốt nằm ở việc giữ được hương vị đặc trưng của sản phẩm.

Giống như hàng triệu người Việt Nam khác, ông Thắng tìm tới các quán bia hơi để thư giãn. Tại đây, mọi người có thể nói về rất nhiều điều: chuyện phiếm, chuyện công việc, chuyện gia đình. Mọi thứ trở nên dễ chia sẻ hơn khi có bên cạnh 1-2 cốc bia.

Một số cái tên đã sẵn sàng tham gia cuộc cạnh tranh cổ phần tại Habeco và Sabeco. Heineken, với 17% thị phần tại Việt Nam, đang cạnh tranh với Carlsberg và Sapporo. Người hàng xóm Thái Lan cũng đóng góp 2 cái tên là ThaiBev và Singha Beer.

Nhiều ông lớn đang chờ đợi cơ hội tại thị trường bia Việt Nam

Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng doanh nghiệp mua lại Habeco và Sabeco sẽ trở thành công ty có thị phần hàng đầu Việt Nam. Euromonitor cho biết Sabeco hiện chiếm 45% thị phần bia tại đất nước hình chữ S trong khi con số của Habeco là 17%.

Chính phủ cho biết sẽ bán 90% cổ phần tại Sabeco để thu lại 1,8 tỷ USD và 82% thị phần tại Habeco để thu lại 400 triệu USD.

Nhà kinh tế Phạm Chi Lan cho biết đây là thời điểm thích hợp để chính phủ xem xét việc bán cổ phần tại một số công ty nhà nước nhằm giúp ngân sách có thêm nguồn thu.

Việc bán cổ phần khối lượng lớn cũng có thể giúp cải thiện tinh minh bạch trong vấn đề quản trị doanh nghiệp và tăng năng suất – những vấn đề không được giải quyết trong các đợt chào bán nhỏ lẻ trước.

Nhà kinh tế Sebastian Eckardt của World Bank nhận định rằng Việt Nam sẽ nhận được nhiều lợi ích nếu một nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng mua lại phần lớn cổ phần tại các công ty nhà nước.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/sabeco-habeco-trong-tam-ngam-cua-cac-ong-lon-nuoc-ngoai-20161024093215805p4c147.news