Sa Pa của 2017 xa lạ quá

Cuối cùng thì du khách cũng thẫn thờ nhận ra cái thứ vật chất màu bàng bạc, phủ mờ khu vực trung tâm thị trấn Sa Pa bất kể ngày hay đêm, chẳng phải là sương lạnh mà là… bụi. Một lớp bụi cô quánh dày đặc, khiến không khí càng thêm ngột ngạt.

Cả Sa Pa hiện giờ như một đại công trường.

Sa Pa khi ấy thật tinh khôi...

Sa Pa của 2017 xa lạ quá. Khác nhiều so với những gì dịu nhẹ còn vương lại trong ký ức của những ai từng đặt chân đến đây chỉ vài năm trước. Sa Pa khi ấy thật tinh khôi, cả thị trấn rêu phong e ấp trong sương như đang yên giấc, đẹp đẽ như một bức tranh thủy mặc.

Du khách nhẹ nhàng đến, rảo bước giữa những rặng cây lá kim ẩm ướt, say mê khám phá một Sa Pa vời vợi bí ẩn rồi sảng khoái cảm nhận từng làn hơi lạnh se se thấm dần vào da thịt. Rồi du khách lại lặng lẽ đi, mang theo tiếng khèn bay bổng của anh trai Mông tuổi đương xuân, nụ cười sáng rạng của chị Dao đỏ hay một thứ sản phẩm thổ cẩm sặc sỡ được bán bởi những em gái nhỏ. Trong từng hơi thở của đất trời, dường như Sa Pa sinh ra là để bình lặng, không có bất cứ chỗ trống nào cho sự ồn ã, xô bồ.

Thế nhưng, đó đã là hình ảnh của ngày hôm qua, của năm qua, thuở Sa Pa còn chưa có cao tốc và cáp treo. Thuở những người muốn đến với Sa Pa còn phải lắc lư cả chục giờ đồng hồ trên những chuyến tàu đêm, nghe rào rào bên tai tiếng bánh sắt nghiến ray rồi chìm dần vào trong giấc ngủ… Khi ấy, du khách đặt chân đến vùng đất lạnh vào mỗi sớm mai và ai cũng rất... bản năng hít một hơi thật sâu cho chật căng lồng ngực cái bầu không khí trong trẻo và mát dịu. Hoặc nhắm mắt lại để cảm nhận sương phà vào mặt, mây đậu xuống tóc, hơi nước đọng lên mí mắt thành những giọt cầu long lanh…

Một người phụ nữ bản địa tranh thủ khoảng trống giữa 2 chiếc ôtô để buôn bán. Ảnh: LN

Chẳng còn dáng vẻ e ấp

Sa Pa hôm nay đã thay da đổi thịt đến chóng mặt, chẳng còn dáng vẻ e ấp của một thiếu nữ yêu kiều. Người ta đến, đưa bàn tay thô bạo bóc bỏ đi sự trầm mặc vốn có của nơi đây để vội vã khoác lên tấm áo hổ lốn với đủ loại kiến trúc đông tây kim cổ. Nhà hàng, khách sạn, quán bar mọc lên san sát. Ở những vị trí đắc địa, giá nhà đất hay bất động sản cho thuê tăng chóng mặt, chẳng hề kém cạnh khu vực trung tâm Hà Nội hay TPHCM...

Sa Pa ngày thường đã đông, vào ngày lễ chỉ toàn người với người. Người kin kít, đen đặc, chen chúc nhau trên thẻo đất bé xíu quanh khu vực nhà thờ cổ, nơi được coi là trung tâm của thị trấn. Khắp bốn phương tám hướng inh ỏi tiếng còi xe, tiếng lình xình của những giàn loa công suất lớn hoặc xa hơn là những tiếng cưa xẻ chát chúa khiến không gian vốn đã chật hẹp lại càng thêm cô đặc lại.

Sa Pa hôm nay, đàn ông chẳng còn mặn mà thổi khèn và đàn bà cũng chẳng còn đánh má hồng để tất tả cho kịp phiên chợ. Trẻ con lăn lóc chạy ra đường, mười đứa thì hết bảy tám, mới tí xíu đã biết đủ cách để khiến du khách phải tặc lưỡi móc hầu bao. Những người bản xứ vốn là bà con Mông, Dao… chân chất cũng đã dần quen với cảnh buôn bán. Trên những con phố trung tâm như Fansipan, Cầu Mây, Phạm Xuân Hân… hàng ngàn quầy hàng được bà con mở ra, bày bán la liệt trên nền đất chủ yếu bán những món đồ lưu niệm đặc trưng địa phương. Phải khéo lắm mới tìm được một món đồ thổ cẩm thêu tay, còn phần lớn đều là đồ dệt công nghiệp, sản xuất theo lô không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Sự ngột ngạt ở nơi được mệnh danh là “thiên đường du lịch” này còn được khắc họa rõ nét bởi hình ảnh những người phụ nữ bản xứ phải tận dụng từng chút khoảng trống để buôn bán mưu sinh. Có những sạp hàng thủ công lọt thỏm giữa 2 chiếc ôtô đang đậu bên đường, khuôn mặt người bán già nua khắc khổ với ánh mắt chậm chạp cầu khẩn người qua kẻ lại. Giữa phố xá đông đúc, bà chìm nghỉm giữa đống thổ cẩm buồn bã.

Và du khách bảo với nhau, rằng có một thứ ở Sa Pa sẽ không hoặc rất ít thay đổi, đó là thời tiết. Nằm ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, Sa Pa ngọt lịm vào mùa hè với nhiều đặc sản hoa trái và đẹp sững sờ với nền nhiệt xuống dưới âm độ vào mùa đông. Nhưng hiện thực này giờ đây có lẽ chỉ còn đúng ở những nơi thuộc về ngoại vi thị trấn, nơi mật độ xây dựng còn khá thấp, bởi “những gã khổng lồ đầu tư” còn đang mải mê đem bêtông cốt thép từ dưới xuôi lên để “kiến thiết” vùng trung tâm. Từ đôi ba năm nay, những du khách có kinh nghiệm thường rỉ tai nhau hãy tránh xa thị trấn. Nếu có thể thì nên ở những căn nhà dạng gỗ lẩn khuất ở đâu đó bên sườn núi. Bởi chỉ ở những nơi đó, dư vị của một Sa Pa năm nào mới tạm thời sống dậy, giúp họ vơi đi phần nào nhung nhớ…

Như một đại công trường

Những ngày đầu tháng 5 này, lưu lại Sa Pa, chúng tôi thường sử dụng dịch vụ của hãng taxi X. Tài xế của hãng - Chảo Láo Chan - một thanh niên 23 tuổi không giống phần đa các đồng nghiệp. Láo Chan là người Lào Cai gốc, sinh ra và lớn lên ở Sa Pa, tận mắt chứng kiến quê hương cựa mình thay đổi. Chan cũng là người được học hành, cậu đã tốt nghiệp một trường Trung cấp dưới thành phố nên ánh nhìn về sự thay đổi không chỉ thuần túy tình cảm mà còn chất chứa cả tri thức. Và những câu chuyện của Chan, càng khiến khiến người ta phải chững lại suy tư.

Chan tâm sự, lúc đầu mới ra trường, cậu làm việc trong một khách sạn sang trọng nhất nhì thị trấn, thu nhập ổn định nhưng rồi quyết định ra ngoài lái taxi, dù công việc cả ngày bán mặt cho những cung đường dường như vất vả và bấp bênh hơn rất nhiều. Bằng chất giọng thật như đếm bởi thứ tiếng Kinh lơ lớ, chàng trai người dân tộc Tày kể lại cho chúng tôi cái ngày mà cậu đưa ra quyết định chuyển việc. Hôm ấy mây tạnh, trời xanh đến nhức mắt. Chan đứng giữa đỉnh Hàm Rồng lộng gió, cảm nhận cái nắng gắt gói đầu hạ mà giật mình nhận ra ở dưới kia, ngay chân núi, mọi thứ đã quá nhiều đổi khác. Vẻ hoang sơ nay chẳng còn. Khắp hang cùng ngõ hẻm là những công trình dang dở, bêtông chồng bêtông, hàng ngàn cọc thép chĩa thẳng lên trên như muốn xé toang nền trời xanh thẳm. Chan quyết định xin việc vào công ty taxi. Cậu bảo, nhờ đó cậu sẽ được đi lại nhiều hơn, ngắm nhìn nhiều hơn, trước khi quê hương bị thay đổi mãi mãi... Chan thực lòng: “Em vui chứ. Ai ở đây cũng vui vì cuộc sống của người dân khấm khá lên. Nhưng mà mệt. Đông người quá. Chen chúc quá. Nhà cửa giờ kín hết. Bụi bẩn. Nhiều lúc cả thở còn ngại …”.

Vậy đó, Sa Pa đang bày biện ra cho thập khách đầy rẫy những mặt hạn chế, chủ yếu vì đầu tư phát triển quá nóng. Sa Pa hiện lên như một đại công trường, đâu đâu cũng thấy cảnh rầm rập xây dựng, vật liệu ngổn ngang. Mặc dù nhà cao tầng đang đua chen nhau mọc lên, nhưng Sa Pa dường như đang mắc kẹt trong việc phát triển cơ sở hạ tầng. Suốt nhiều năm qua, người đến với Sa Pa ngày một đông, nhưng không có bất cứ con đường nào được mở rộng, chưa nói được mở mới, cảnh ùn tắc xảy ra như trong cơm bữa. Nhà hàng, quán bar, khách sạn giờ đã tọa cả ra sát mặt ra đường. Đường xá Sa Pa đang xuống cấp nghiêm trọng, cả khu vực nội thị lẫn những đường lân cận, nhưng việc duy nhất trong nhiều năm qua được chính quyền địa phương thực hiện là dùng bột đá để phủ lên một cách tạm bợ. Với cách làm này, trời nắng thì bụi mờ mịt. Nhưng chỉ một, hai cơn mưa thì mọi thứ lại đâu vào đấy…

Một bất cập khác của Sa Pa là rất ít bãi đỗ xe. Kiếm một chỗ gửi xe máy cũng khó, chưa nói đến ôtô. Một du khách đến từ Hà Nội tên Nguyễn Văn Thanh cho biết, anh không thể tìm được chỗ đỗ xe để vào khu vực nhà thờ cổ. Chạy tới chạy lui không có chỗ đỗ xe, anh buộc phải đỗ xe ở ven đường nhưng 5 phút sau đi ra, xe của anh đã bị khóa bánh kèm với thông báo của Công an thị trấn gắn trên kính xe: “Xe vi phạm. Đã bị khóa bánh”. Anh Thanh còn cho biết, giá cả dịch vụ ở Sa Pa hiện đang ở mức cao, không tương xứng, trong khi các nét đẹp văn hóa hầu hết đã bị thương mại hóa, kể cả vào bản sâu…

Những bài học đắt giá về làm du lịch ở nhiều địa hương vẫn còn đó! “Thiên đường du lịch” Sa Pa có thể sẽ mãi chỉ còn trong kí ức? Để rồi tới một ngày mai, xem lại những bức ảnh xưa cũ, chúng ta cùng ngậm ngùi kể cho con cháu: “Đã từng có một Sa Pa như thế”…

LONG NGUYỄN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su-dieu-tra/sa-pa-cua-2017-xa-la-qua-666882.bld