S-400 của Nga có đủ trình bắn rơi F-22 của Mỹ tại Syria?

Với việc căng thẳng giữa Mỹ và Nga leo thang, quân đội Nga đang cảnh báo Mỹ rằng, họ có khả năng tấn công cả các máy bay tàng hình như Lockheed Martin F-22 Raptor, F-35 Joint Strike Fighter và Northrop Grumman B-2 Spirit bằng các hệ thống phòng không S-400 hoặc S-300V4 ở Syria.

Tuy nhiên, giới chức và chuyên gia phương Tây cũng lưu ý lại rằng, F-22 và F-35 được thiết kế đặc biệt để chống lại chính những vũ khí như S-400.

“S-300 và S-400 đã được triển khai đến bảo vệ binh sĩ ở căn cứ hải quân Tartus và căn cứ Khmeimim. Tầm bắn của nó có thể là điều bất ngờ đối với các vật thể bay không xác định. Đội điều khiển các hệ thống phòng không Nga không có đủ thời gian để xác định đường bay của tên lửa hay xác định đó là tên lửa của lực lượng nào. Bất kì sự xuất hiện nào của máy bay lạ đều có thể phải đối mặt với một sự thật đáng thất vọng”, đại diện Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov nói vào hôm 7-10.

Nga đã triển khai S-400 và S-300V4 đến Syria

Mặc dù Nga khẳng định khả năng chống tàng hình của S-400 và S-300V4 nhưng trên thực tế, ngay cả khi radar dò tìm mục tiêu hoạt động trên tần số thấp như S, L của Nga phát hiện ra các máy bay tàng hình F-22 và F-35, radar kiểm soát hỏa lực hoạt động trên các tần số cao như C, X và Ku lại không thể điều khiển tên lửa bắn trúng mục tiêu, trừ khi ở tầm gần.

“Sự tàng hình” mà Mỹ luôn nhắc tới không phải việc biến mất hoàn toàn trước màn hình radar mà là làm chậm lại thời gian bị phát hiện, do đó, các máy bay chiến đấu và ném bom có thể tiêu diệt mục tiêu trước khi các hệ thống phòng không của quân địch kịp phản xạ.

Các tiêm kích tàng hình cỡ nhỏ thường không có đủ diện tích hay khối lượng để phủ kín cơ thể bằng lớp sơn hấp thụ radar nên các nhà thiết kế chỉ có thể tối ưu hóa nó trên một vài băng tần nhất định.

Tiêm kích F-22

Thông thường, tiêm kích thế hệ 5 như F-22 và F-35 sẽ chấp nhận hy sinh việc không tàng hình hoàn toàn trước radar làm việc trên băng tần S, L để tối ưu hóa và đánh bại các radar hoạt động trên băng tần C, X, và Ku.

Trên thực tế, radar tần số thấp cũng có thể được sử dụng để điều khiển hỏa lực và các đối thủ của Mỹ đang đầu tư nghiên cứu nhằm có được khả năng này. Tuy nhiên, để thành công và hoạt động ổn định thì sẽ còn tốt rất nhiều thời gian nữa.

Các phi công của F-22 vẫn luôn khẳng định, các tiêm kích tàng hình của họ đủ khả năng đánh bại bất kỳ hệ thống tên lửa phòng không nào hiện nay và trong tương lai của Nga. Tuy nhiên, giám đốc quản lý chương trình F/A-18 E/F và EA-18G của Boeing, ông Mark Gammon cảnh báo rằng, tên lửa phòng không của Nga đang dần chuyển sang vận hành ở sóng tần số thấp nên ưu thế tàng hình của máy bay Mỹ sẽ ngày càng bị thu hẹp.

Ngoài việc nghiên cứu sâu hơn về các loại radar hoạt động ở tần số thấp, Nga cũng thử nhiều biện pháp mới nhằm chiến thắng công nghệ tàng hình. Một trong số đó là trang bị mạng lưới phòng không dày đặc, có khả năng phát hiện ra máy bay quân địch từ nhiều hướng khác nhau, từ đó, có thêm thông tin về vị trí chính xác mà nó sẽ bay tới. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của phương pháp này vẫn chưa thể được trả lời.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/s-400-cua-nga-co-du-trinh-ban-roi-f-22-cua-my-tai-syria-714074.html