Rút ruột sông Hương

Tình trạng khai thác cát, sạn trái phép trên sông Hương đã làm nhiều đoạn sông bị sạt lở nặng, nước sông ô nhiễm, đe dọa khu vực khoanh vùng bảo vệ các di tích cố đô

Trong số hàng trăm bến bãi, địa điểm khai thác cát, sạn trái phép trên sông Hương thì khu vực cầu Tuần, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế có quy mô lớn nhất. Nhiều năm trở lại đây, nơi này đã trở thành đại công trường với hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ, hàng chục vòi rồng hút cát rầm rập cả ngày đêm. Phương tiện khai thác cát, sạn trái phép trên sông Hương Di tích bị xâm hại Dòng sông nơi đây đục ngầu, lòng sông bị khoét sâu mỗi ngày nên tuyến Quốc lộ 49 chạy dọc sông Hương đoạn này bị sạt lở nghiêm trọng hơn 1 km. Trước lăng Cơ Thánh (xã Thủy Bằng) có ít nhất 3 bãi tập kết, khai thác cát, sạn quy mô lớn nằm ngay trong khu vực khoanh vùng bảo vệ. Bờ sông trước mặt di tích bị sạt lở nghiêm trọng. Cũng nằm trong thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, bãi khai thác và tập kết cát, sạn Bến Than chỉ cách điện Hòn Chén không đầy 200 m. Mỗi năm có hàng ngàn du khách tới bến này để qua điện Hòn Chén nhưng đường sá dẫn vào bến bị xe ben cày nát. Cách nay hơn một năm, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo di dời bãi này nhưng đến nay nó vẫn ngang nhiên tồn tại. Tương tự, các khu di tích như Văn thánh, võ thánh, lăng Minh Mạng, chùa Thiên Mụ... hiện cũng bị “cát tặc” tấn công. Thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, tính từ khu vực cầu Bạch Hổ đến cầu Tuần đã có 19 bãi tập kết cát, sạn và hàng chục điểm khai thác di động, cố định trên sông Hương. Các chủ khai thác đều sử dụng những phương tiện nạo hút công suất lớn, đặc biệt có khoảng 12 boong-ke hút cát với công suất 8 m3/giờ. Dọc sông Hương đi qua các phường Thủy Biều, Phường Đúc, Vĩ Dạ (TP Huế), xã Phú Thượng, Phú Dương, Vinh Thanh (huyện Phú Vang)... cũng có đến hàng trăm điểm khai thác cát, sạn trái phép. Theo ông Phạm Hữu Hậu, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh, việc khai thác đã làm hơn 1 km bờ sông Hương bị sạt lở, hàng chục hecta đất nông nghiệp biến mất, gần 40 căn nhà dân có nguy cơ đổ sụp xuống sông. Khai thác trái phép Theo quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc khai thác cát, sạn trên sông Hương phải cách các di tích như chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, bến thuyền lăng Minh Mạng... ít nhất là 500 m. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng Phòng Quản lý và Bảo vệ - Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết quy định trên bị vi phạm nghiêm trọng. Trong 2 tháng trở lại đây, trung tâm phối hợp với CSGT đường thủy, chính quyền địa phương tiến hành 3 đợt kiểm tra các địa điểm khai thác cát, sạn gần khu vực các di tích. Đã có 10 trường hợp bị xử phạt, một bãi tập kết ở khu di tích Văn thánh, võ thánh bị đình chỉ hoạt động. “Mức phạt thấp, trong khi lợi nhuận khai thác cao và nhiều địa phương đùn đẩy trách nhiệm bảo vệ các di tích nên nạn khai thác cát ngày càng lộng hành”- ông Nam bức xúc. Theo ông Cái Văn Vinh, Trưởng Phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, việc cấp giấy phép khai thác cát, sạn trên sông Hương thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Tính đến nay, chỉ có 2 doanh nghiệp được tỉnh cấp giấy phép khai thác ở xã Dương Hòa và Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Còn lại những nơi khai thác cát, sạn trên sông Hương đều trái phép. Vi phạm ngày càng công khai Theo ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, tình trạng khai thác cát, sạn trái phép trên sông Hương vẫn diễn ra phổ biến và ngày càng công khai. Để có những biện pháp chấm dứt tình trạng này, ngày 21-9, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có công văn yêu cầu các sở Tài nguyên - Môi trường, GTVT, công an tỉnh, TP Huế, huyện Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy khẩn trương báo cáo tình hình khai thác và xử lý những vi phạm.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100926110420434p0c1002/rut-ruot-song-huong.htm