Rút ngắn thời gian đào tạo đại học: Cần tính tới ngành đặc thù

Dù không thể phủ định việc rút ngắn thời gian học đại học, theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia mới được Thủ tướng phê duyệt mang tính tương thích với quốc tế, song các trường đại học vẫn chưa vội thay đổi chương trình đào tạo mới bởi nhiều lý do, đặc biệt với những ngành mang tính đặc thù. Về phía sinh viên, khung cơ cấu mới đem lại nhiều lợi ích song cũng không ít thách thức.

Sinh viên phải tích cực

Với việc rút ngắn thời gian đào tạo cao đẳng xuống còn từ 2 đến 3 năm, đại học từ 3 đến 5 năm, sinh viên được cho là có nhiều lợi ích như: Có cơ hội kiếm việc làm sớm hơn, tổng chi phí đào tạo giảm đi, khung chương trình được giảm tải một số môn học… Tuy nhiên, sinh viên cũng được cảnh báo, để bảo đảm lượng kiến thức đáp ứng được đầu ra thì phải tăng cường tự chủ, tự giác học tập.

Về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã giải thích cơ sở của việc rút ngắn thời gian đào tạo. Theo đó, ngày nay hiệu quả giảng dạy nhìn chung đã được cải thiện rõ rệt với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Chương trình đào tạo cũng được thiết kế cô đọng hơn, cung cấp cho sinh viên những kiến thức cốt lõi, những quy luật chung nhất để trên cơ sở đó có thể phát triển tư duy. Đào tạo đại học sẽ không đơn thuần cung cấp kiến thức mà còn thúc đẩy phát huy năng lực và phẩm chất, vì sinh viên không chỉ ngồi trên giảng đường mà còn phải dành thời gian tự học, tự nghiên cứu.

Tại Việt Nam cũng đã có một số trường đại học cấp bằng cử nhân sau 3 năm đào tạo như ĐH Khoa học và Công nghệ (Việt - Pháp), Việt - Đức, RMIT Việt Nam. Trường Đại học Anh quốc Việt Nam cũng có chương trình đào tạo kéo dài 3 năm. Như vậy, việc rút ngắn thời gian đào tạo không phải chuyện không làm được mà đã được thực tế kiểm chứng. Ngoài ra, trong quá trình đào tạo theo tín chỉ, nhiều sinh viên đã có thể hoàn thành chương trình đại học trong 3 năm. Khung thời gian cơ cấu hệ thống niên chế (tính theo năm) chỉ mang tính quy ước.

Phải tính tới ngành đặc thù

Bộ GD-ĐT không thúc ép các trường phải ngay lập tức rút ngắn thời gian đào tạo và sớm đưa ra khung thời gian mới, song các trường được khuyến khích xây dựng các chương trình mới phù hợp để đáp ứng chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia đã ban hành.

Tuy nhiên, chưa có nhiều trường sẵn sàng cho việc này, bởi thay đổi khung thời gian đào tạo đồng nghĩa với việc chương trình phải được thiết kế lại. Việc thiết kế lại chương trình không đơn giản là cắt bỏ môn học một cách cơ học mà cần theo hướng giảm bớt các nội dung kiến thức không phù hợp của các ngành học. Lãnh đạo nhiều trường lo ngại việc cắt giảm môn học máy móc có thể gây ra tình trạng sinh viên thiếu kiến thức khi tốt nghiệp, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và nguy cơ tình trạng thất nghiệp sẽ tăng lên.

Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi, Nguyễn Khắc Thạc cho rằng, việc sắp xếp lại chương trình cần vừa giảm được thời gian đào tạo vừa bảo đảm lượng kiến thức cơ bản theo chuẩn đầu ra của ngành nghề. Vì vậy, để sắp xếp lại chương trình đào tạo, trước tiên các trường cần căn cứ vào tình hình và nhu cầu thực tế của từng ngành, rà soát lại toàn bộ các môn học. Có những ngành học cần bổ sung thêm một số học phần thực hành hoặc đưa vào môn học chuyên sâu, bổ sung kỹ năng, để đáp ứng nhu cầu công việc sau khi sinh viên ra trường. Đặc biệt, sinh viên cần chủ động hơn trong kế hoạch học tập cũng như nâng cao hiệu quả trong việc học tập.

Một số ngành nghề mang tính đặc thù như kỹ thuật, y học, nghệ thuật... khó rút ngắn được thời gian đào tạo so với các ngành kinh tế, xã hội, nhân văn… Phó Hiệu trưởng Trần Văn Tớp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, riêng với nhà trường, chương trình không thể giảm bởi theo thiết kế chương trình đã rút ngắn từ 300 học trình xuống 160 tín chỉ với chương trình kỹ sư và 130 tín chỉ với chương trình cử nhân. Như vậy, mỗi năm sinh viên học 30-33 tín chỉ là vừa mức và vừa với khối lượng kiến thức cần thiết. Nếu có sự chỉnh sửa chương trình thì trường sẽ vẫn duy trì 4 năm đào tạo cử nhân và 5 năm cho kỹ sư.

Với Ngành Y khoa, theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú, nếu có sự điều chỉnh thì thậm chí chương trình đào tạo y khoa lại cần kéo dài hơn hiện nay. Chương trình đào tạo 6 năm mà các trường y tại Việt Nam đang áp dụng vẫn chưa nhiều so với thế giới. Việc rút ngắn thời gian sẽ không bảo đảm chất lượng đầu ra.

Ông Nguyễn Hữu Tú cho biết thêm, Hội đồng Hiệu trưởng các trường y cùng với Bộ Y tế đang đề xuất khung đào tạo bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ y khoa mới, theo đó sau 6 năm đại học, sinh viên phải học thêm 3 đến 4 năm nữa thì mới được gọi là bác sĩ chuyên khoa và hành nghề độc lập.

Đồng ý với quan điểm của lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội, một số trường đại học khác cũng cho rằng, những quy định về khung thời gian đào tạo cần tính tới các ngành nghề đào tạo có tính đặc thù. Ngoài ra, chất lượng sinh viên ra trường có đáp ứng được nhu cầu xã hội hay không là điều cần cân nhắc trước tiên.

Khánh Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/855741/rut-ngan-thoi-gian-dao-tao-dai-hoc-can-tinh-toi-nganh-dac-thu