Rút ngắn Đại học xuống còn 3 năm: Bộ GD-ĐT lên tiếng

Thời gian đào tạo bậc ĐH sẽ rút ngắn xuống từ 3-5 năm so với thời gian 4-6 năm như hiện tại.

Bên cạnh đó, thời gian đào tạo bậc thạc sĩ cũng được quy định từ 1-2 năm so với quy định “cứng” 2 năm như hiện tại. Trong khi đó, thời gian tối thiểu với đào tạo tiến sĩ được quy định tăng thêm một năm, từ 3-4 năm thay vì 2-4 năm như hiện tại.

Hiện nay khung thời gian đào tạo thường được các nước tham khảo dựa vào tiến trình Bologna của Cộng đồng Châu Âu. Theo đó thời gian đào tạo kể từ khi sinh viên tốt nghiệp tú tài là 3 năm đối với đại học, 5 năm đối với thạc sĩ và 8 năm đối với tiến sĩ.

Nếu xét thời gian đào tạo tối thiểu có thể thấy khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta hướng tới tương thích với khung quốc tế được nhiều nước tham khảo nhất hiện nay.

Đó là những thông tin được ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, dựa trên Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Thay đổi để hội nhập với khung đào tạo quốc tế

Mặt khác, theo Thứ trưởng Ga, ngày nay với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hiệu quả giảng dạy đã được cải thiện rõ rệt. Việc tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ cũng cho phép sinh viên xây dựng kế hoạch học tập mềm dẻo hơn.

Đào tạo đại học không còn cung cấp kiến thức cho sinh viên là chính như trước đây mà phải hướng dẫn sinh viên phát huy năng lực, phẩm chất. Chương trình đào tạo cũng được thiết kế cô đọng hơn, chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức cốt lõi, những qui luật chung nhất để trên cơ sở đó sinh viên có thể phát triển tư duy.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh Vietnamnet

Trong khi đó, đào tạo trình độ tiến sĩ là đào tạo các nhà nghiên cứu, phát triển tri thức mới. Để đạt được tiêu chí đó, nghiên cứu sinh phải qua những bước chuẩn bị, bổ sung kiến thức, phương pháp nghiên cứu, làm quen với lĩnh vực nghiên cứu mới… điều đó cần nhiều thời gian.

Thực tế mặc dù theo qui định hiện hành thời gian tối thiểu đào tạo bậc tiến sĩ là 2 năm nhưng rất hiếm có nghiên cứu sinh nào có thể kết thúc được luận án của mình trong thời gian tối thiểu này.

Đặc biệt, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi hệ thống giáo dục và đào tạo của nước ta cũng phải được điều chỉnh đảm bảo độ tương thích nhất định đối với hệ thống giáo dục đào tạo của các nước trong khu vực và trên thế giới.

ĐH 3 năm sẽ không có chất lượng

Thế nhưng, chủ trương trên được đưa ra khiến cho rất nhiều chuyên gia phải băn khoăn về tính khả thi khi áp dụng.

Trao đổi với báo chí, PGS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phản đối: “Phương án của Bộ GD-ĐT chưa phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Đáng lẽ, trước khi trình Thủ tướng phê duyệt, Bộ GD-ĐT nên tổ chức hội thảo để các giáo viên dạy mẫu giáo cho đến giảng viên dạy ĐH và các chuyên gia giáo dục thảo luận điểm mạnh - yếu của giáo dục nước nhà; mô hình trường nào phù hợp thời gian 3 - 4 năm?. Hiện nay, thời gian đào tạo cao đẳng 3 năm còn ì ạch, vậy ĐH 3 năm càng khó hoàn thành chương trình”.

Rút ngắn học Đại học còn 3 năm sẽ gặp nhiều khó khăn

Hiện nay trên thế giới có 2 luồng giáo dục phổ biến. Các nước trong khối APEC, Mỹ có nền giáo dục phổ thông 12 năm và 4 năm cử nhân. Hệ thống giáo dục phổ thông của Anh là 11 năm, ai muốn vào ĐH phải học thêm 2 năm bậc cao và sau đó 3 năm ĐH.

Từ đó, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng, ĐH 3 năm sẽ không có chất lượng.

Nếu muốn thực hiện 3 năm, nhà trường phải bỏ qua những môn học Việt Nam như Lý luận Mác Lê nin, Giáo dục quốc phòng…, liệu có được chấp nhận?. Rồi các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, phòng thí nghiệm, thư viện đang rất thiếu.

Đồng tình quan điểm, GS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng cho biết, lịch nghỉ học của ta cũng khác nhiều nước. Noel đến là lúc sinh viên kết thúc năm học, nghỉ đón chào năm mới, để thời gian thực học dài hơn. Thứ nữa, người ta có thể học cả ngày, để rút ngắn số năm, còn chúng ta chỉ buổi sáng hoặc chiều.

“Tôi không thể nói 3 hay 4 năm. Trước hết, chúng ta cần xác định chương trình đang đào tạo so với các nước phương Tây thế nào? Để đầu ra đáp ứng yêu cầu, chúng ta phải đào tạo kiến thức chuyên môn, kỹ thuật đảm bảo như các nước”, GS Hùng đề xuất.

Đưa ra kiến nghị, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nếu rút xuống 3 năm thì chương trình đào tạo cần phải hết sức chắt lọc, tinh túy; phương thức đào tạo cũng phải thay đổi căn cốt, thay vì kiến thức hàn lâm phải gắn với những đòi hỏi thực tế của thị trường lao động.

Mà điều này thì hoàn toàn không dễ, nhất là trong bối cảnh các chương trình đào tạo ĐH hiện nay đang rất lỗi thời so với các nền giáo dục tiên tiến.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/rut-ngan-dai-hoc-xuong-con-3-nam-bo-gd-dt-len-tieng-3322486/