Rừng thông phòng hộ dọc quốc lộ 14: Tiếp tục bị… “cạo trọc”

(CAO) Phương pháp giao đất, giữ rừng không mang lại hiệu quả, lâm tặc dùng những chiêu thức tinh vi, dân cư “lậu” tăng nhanh, chính quyền chưa quyết liệt… là những nguyên nhân khiến hàng ngàn héc ta rừng thông phòng hộ dọc quốc lộ 14 (đoạn đi qua hai huyện Krông Buk, Ea H’Leo) tiếp tục bị tàn phá không thương tiếc. Hồi chuông báo động đã réo từ lâu, nhưng tất cả đều bỏ mặc rừng chết. Cách nay hơn một năm, chúng tôi có dịp thị sát, đăng bài “Rừng phòng hộ quốc lộ 14 kếu cứu” trên Báo Công an TP.HCM ngày 15 -7 – 2009 phản ánh tình trạng rừng phòng hộ ở tỉnh Đắc Lắc bị xâm lấn, phá hoại, lúc ấy diện tích rừng thông vẫn còn phân nửa. Nay có dịp trở lại, chúng tôi bàng hoàng bởi sự tàn phá của lâm tặc càng khủng khiếp hơn. Thông dọc quốc lộ 14 chỉ còn lơ thơ vài cụm, có nơi bị “cạo trọc”, thay vào đó là những căn nhà, rẫy cao su, cà phê của dân “nhảy dù” trái phép. Tại xã Cư Né, huyện Krông Buk, những cây thông đường kính cả một vòng ôm bị cưa gốc nằm ngả nghiêng, xung quanh dấu vết của xe kéo, xe ủi còn mới nguyên. Theo Nguyễn Bá Tân, một người dân ở Buôn Tâng, cách đây ba ngày cánh rừng này vẫn xanh tươi, ai đi qua Quốc lộ 14 cũng thích ngắm nhìn, vậy mà chỉ qua một đêm, lâm tặc đã cho san phẳng...

Cách quốc lộ 14 vài bước chân, rừng thông đã bị hạ sát như thế này Ngày trước, để chiếm những mảnh đất tươi tốt thuộc rừng phòng hộ, người ta cho ken gốc (đẽo vòng quanh), đổ thuốc diệt cỏ đậm đặc, “vô tình” làm cháy rừng… , sau đó, cho dọn sạch và tiến hành trồng cà phê, cao su, tiêu, cây ăn quả. Khi chính quyền phát hiện thì… mọi sự đã rồi, có phạt thì cũng nhẹ hều. Vài tháng trở lại đây, lợi dụng đêm tối, trời mưa gió, lâm tặc vác máy cưa vào rừng thông, tới những mảnh đất đã chọn ra tay tàn sát không thương tiếc, chỉ trong vòng nửa tiếng hàng trăm cây thông bị hạ. Chờ một thời gian cây khô, chúng lại ngang nhiên đến châm lửa đốt, biến thành vụ… cháy rừng không thể cứu chữa. Chủ tịch xã Cư Né – Y Thanh A Yun– cho biết: “Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã xử lý 25 hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất quy hoạch với tổng diện tích là 15.749m2, Tuy nhiên mới dùng các biện pháp đình chỉ, cưỡng chế, giải tỏa, còn phạt nặng thì không thể bởi xã chỉ có thẩm quyền xử phạt dưới 500 ngàn, cao hơn phải báo cáo cấp trên, chưa kể các gia đình, cá nhân vi phạm có dấu hiệu chây ỳ, cố tình né tránh. Thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với hạt kiểm lâm, xin ý kiến cấp huyện xử lý dứt điểm những hộ cố tình vi phạm”. Tại địa bàn các xã Pơng Drang, CưK’ty, tình trạng phá rừng phòng hộ cũng nghiêm trọng không kém. Từ đầu năm đến nay, đã có hàng ngàn cây thông bị chặt hạ, một số bị bức tử, chết dần bằng nhiều cách. Các đối tượng vi phạm ngang nhiên phân lô chia đất, làm nhà, trồng cà phê, cao su… “đón đầu” quy hoạch thị trấn Krông Búk. Tình trạng chặt phá rừng thông không chỉ khiến cảnh quan dọc quốc lộ 14 trở nên hoang tàn mà còn gây sạt lở, sụt lún nhanh chóng. Nếu tình trạng xâm phạm không được ngăn chặn kịp thời, một ngày không xa rừng thông sẽ biến mất, theo đó là những hiểm họa khôn lường về thiên nhiên, môi trường. Rất mong các cơ quan chức năng địa phương sớm vào cuộc, có biện pháp chế tài nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, bảo vệ rừng.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=155336&mod=detnews&p=