Rùng mình với lò mổ rắn ở Indonesia

(Petrotimes) - Lò sản xuất da rắn Wakira sản xuất hàng trăm mét da rắn và sau đó được bán cho các nhà máy ở phương Tây và các tỉnh Java để sử dụng làm các sản phẩm như túi xách, giày dép, ví và thắt lưng.

Trong làng người Java nhỏ ở tỉnh Tây Java của Indonesia, Wakira sở hữu một lò mổ sản xuất thịt rắn và da. Được biết đến như một "ông trùm rắn hổ mang", lò sản xuất da rắn Wakira sản xuất hàng trăm mét da rắn và sau đó được bán cho các nhà máy ở phương Tây và các tỉnh Java để sử dụng làm các sản phẩm như túi xách, giày dép, ví và thắt lưng. Tại lò sản xuất này, thịt rắn cũng được tận dụng chứ không để lãng phí. Thịt rắn được cho là phương thuốc quý khắc phục các bệnh ngoài da, hen suyễn và tăng hooc môn sinh dục cho nam.

Mỗi nhà máy có 10 công nhân và kiếm được 15 triệu rupiah (khoảng 1.562$) một tháng. Được biết, giá của một chiếc túi làm từ da rắn có chi phí từ 150.000 rupiah (15$) và 300.000 rupiah (31$), tùy thuộc vào kích thước. Nhưng giá của những đồ da rắn này khi được bán trong các cửa hàng thời trang có thể lên tới 4.000$.

Loài rắn này được dân làng đánh bắt trong tự nhiên. Họ được trả tiền cho mỗi con rắn bắt được. Đôi khi quân đội cũng tổ chức đánh bắt theo nhóm, trong các khu rừng và đồng cỏ, thiết lập mạng lưới, bẫy các loại trăn, rắn lớn nhỏ. Rắn bắt được lưu trữ trong túi vải và bán cho các lò mổ rắn như Wakira.

Tại lò sản xuất rắn, con rắn choáng váng vì bị đánh một đòn vào đầu từ phía sau. Một ống cao su buộc giữa hàm đưa nước vào và con rắn sưng phồng lên như một quả bóng. Một dây da được gắn chặt xung quanh cổ rắn nhằm ngăn các chất lỏng thoát ra. Sau đó, người ta đâm vào đâu nó một cái móc, một vài vết rạch nhanh chóng theo đó và họ kéo lột ra một cách tàn bạo như tháo một chiếc găng tay cao su từ một bàn tay.

Da rắn sau đó được đặt trên một bảng và đưa vào một lò sấy khô. Chúng cũng được nhuộm theo phong cách và hình dạng của túi, sau đó da được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

Lò mổ rắn Wakira này là một trong những cơ sở hoạt động bất hợp pháp tại các nước Đông Nam Á. Tại Indonesia, ngành công nghiệp này sử dụng khoảng 175.000 người, trong đó 150.000 người bắt rắn.

EU là nhà nhập khẩu da rắn lớn nhất thế giới. Từ năm 2000 - 2005, ước tính có 3,4 triệu da rắn đã được đưa vào thị trường EU. Ý là nước tiêu dùng lớn nhất thế giới để làm làm các sản phẩm giày dép, túi xách, thắt lưng, và ví làm từ da bò sát. Đức là nước sản xuất lớn thứ hai, tiếp theo là Pháp. Hoa Kỳ chiếm khoảng 50% thị trường xuất khẩu Ý, Nhật Bản 35%, 15% còn lại đi đến các thị trường khác ở châu Âu. Hoa Kỳ nhập khẩu các sản phẩm được làm từ da bò sát tới 257 triệu USD một năm.

Thanh Huyền (theo AP)

Nguồn PetroTimes: http://www.petrotimes.vn/news/vn/van-hoa-giai-tri-the-thao/rung-minh-voi-lo-mo-ran-o-indonesia.html