Rùng mình về sự thật của việc cảnh sát đánh nhà báo

Không quá lời khi nói rằng, nhà báo là một trong những nghề nghiệp nguy hiểm nhất trên thế giới, nếu tính đến những nguy hiểm mà các nhà báo đang phải đối mặt mỗi khi tác nghiệp ở những “điểm nóng” về trật tự an ninh.

Phóng viên ảnh Scott Olson bị cảnh sát bắt giữ và tống lên xe (ảnh: AP)

Trong bối cảnh truyền thông kỹ thuật số và báo mạng phát triển mạnh mẽ bên cạnh loại hình báo in truyền thống, vai trò của các nhà báo, phóng viên trong việc cung cấp thông tin cho độc giả ngày càng trở nên quan trọng. Trớ trêu thay, các nhà báo trên toàn thế giới vẫn đang phải đối mặt với các nguy cơ bạo lực và sự đe dọa tính mạng đến từ chính lực lượng gìn giữ trật tự, an toàn xã hội.

Trong năm 2015, hàng loạt vụ cảnh sát hành hung, bắt giữ vô cớ các phóng viên tới đưa tin trực tiếp về làn sóng xung đột giữa cảnh sát và cộng đồng người da màu ở thành phố Ferguson, bang Missouri, Mỹ đã khiến dư luận nước này hết sức bất bình. Các hành động tấn công nhà báo, từ xịt hơi gas, bị bắt giữ mà không có lệnh từ tòa án, hoặc bị gí súng vào người mà không cần cảnh báo, đã diễn ra một cách ngang nhiên mà không vấp phải bất kỳ sự cản trở nào từ các cơ quan có thẩm quyền.

Trong một vụ bạo loạn xảy ra vào tháng 4/2015, cảnh sát thành phố Ferguson đã bắt giữ hai phóng viên Wesley Lowery của tờ Washington Post và Ryan Reilly đến từ tờ Huffington Post. Theo trình bày của phóng viên Lowery trên mạng xã hội Twitter, hai người đã bị “hành hung và bị bắt giữ” chỉ vì “không rời khỏi một cừa hàng McDonalds nhanh chóng” và “không được phép ghi hình cảnh sát”.

Kể từ sau khi sự cố xảy ra với hai phóng viên Lowery và Reilly, số vụ bạo lực xảy ra với các phóng viên hiện trường ngày càng tăng lên cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Chỉ ít ngày sau đó, phóng viên ảnh Scott Olson của hãng thông tấn Getty Images đã bị cảnh sát bắt giữ và tống vào sau xe đặc chủng mà không hề có bất kỳ lý do nào được đưa ra. Cảnh sát Ferguson còn ra sức ngăn chặn và dùng vũ lực khống chế phóng viên Don Lemon của đài CNN khi anh này đang đưa tin trực tiếp về các vụ biểu tình của người da màu tại đây. Hay như nhóm phóng viên của tờ Al Jazeera đã phải “bỏ của chạy lấy người” sau khi bị cảnh sát xịt khí ga trong lúc tác nghiệp. Các thiết bị phục vụ ghi hình của nhóm phóng viên sau đó đã bị cảnh sát đập phá nhằm hủy bỏ mọi hình ảnh về sự hỗn loạn của thành phố mà những người này đã ghi lại được.

Phóng viên Don Lemon bị cảnh sát cản trở trong khi đang tác nghiệp (nguồn: Youtube)

Tại một số “điểm nóng” khác trên thế giới, nơi thường xảy ra xung đột giữa các phe phái như Ai Cập và Ukraina, các phóng viên cũng phải tác nghiệp trong tình trạng hết sức nguy hiểm. Khi làn sóng “Mùa xuân Arab” bắt đầu quét qua Ai Cập vào đầu năm 2011, hàng chục phóng viên đã bị bắt giữ và hành hung trong bối cảnh những trận chiến khốc liệt giữa những người biểu tình cố gắng lật đổ tổng thống Mubarak và những người ủng hộ chính phủ ngày một leo thang.

Theo báo chí nước ngoài, ít nhất 24 phóng viên đã bị bắt giữ, trong đó có cả phóng viên của Mỹ thuộc các tờ báo Washington Post và New York Times. Ngoài ra, 21 phóng viên đã bị hành hung. Dư luận quốc tế, bên cạnh việc kêu gọi giữ ổn định tình hình Ai Cập, cũng lên tiếng phản đối việc ngược đãi nhá báo tại đây. Tuy nhiên, đại diện chính phủ nước này đã phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước và đổ lỗi cho bên ngoài đã kích động bất ổn.

Hay ở một điểm nóng khác trên thế giới là Ukraina, dư luận đã từng rúng động về vụ việc nữ phóng viên Tetyana Chornovol bị đánh đập tàn nhẫn bởi những kẻ lạ mặt ở gần thủ đô Kiev hôm 25/12/2013. Cuộc tấn công xảy ra chỉ vài giờ sau khi một bài báo cô viết về tài sản của các quan chức chính phủ hàng đầu được công bố, do đó làm dấy lên nghi vấn những quan chức này đã thuê người để ra tay với cô hòng bưng bít hành vi tham nhũng của mình.

Phóng viên Tetyana Chornovol bị đánh đấm dã man (ảnh: 444.hu)

Đặc biệt, phóng viên nữ thường là đối tượng phải hứng chịu các hành động bạo lực từ chính lực lượng thực thi pháp luật. Vào năm 2011, dư luận thế giới sửng sốt trước hình ảnh nữ phóng viên người Hy lạp Tatiana Bolari bị cảnh sát chống bạo loạn đấm trúng mặt khi đang tới đưa tin về một cuộc biểu tình ở quảng trường Syntagma, Athens ngày 5/10. Vụ việc nghiêm trọng đến nỗi, chủ tịch hiệp hội phóng viên ảnh của Hy Lạp đã lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng trừng phạt viên cảnh sát đã “thượng cẳng tay” với nữ phóng viên Bolari. Cảnh sát này sau đó đã bị sa thải khỏi ngành và chịu án phạt 8 tháng tù treo do hành vi gây thương tích cho người khác.

Không chỉ lực lượng an ninh mà ngay cả nhà lãnh đạo đất nước cũng cổ vũ cho việc dùng bạo lực để trấn áp cánh phóng viên đưa tin. Đây là câu chuyện xảy ra ở Thái Lan 1 năm về trước, khi vào ngày 25/3/2015, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã khiến các phóng viên, nhà báo nước này bất bình với tuyên bố sẽ “bắn bỏ” những người không “đưa tin đúng sự thật”. Tuyên bố đầy cứng rắn trên của ông Prayuth được đưa ra chỉ một tháng sau khi ông này khẳng định có quyền đóng cửa các tờ báo ở Thái Lan, đặc biệt là những tờ báo thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền cũ.

Hình ảnh phóng viên Tatiana Bolari bị cảnh sát đấm trúng mặt khiến dư luận bất bình (ảnh: Reuters)

Trở lại vụ bạo động tại Ferguson, Mỹ, trước tình hình xung đột giữa cảnh sát và phóng viên ngày càng diễn ra nghiêm trọng, bản thân Tổng thống Barack Obama đã phải lên tiếng trấn an dân chúng và những người đang làm nhiệm vụ truyền tải thông tin tới khắp thế giới. “Đây là nước Mỹ, cảnh sát không được phép đàn áp hoặc bắt giữ các phóng viên đang làm công việc của họ và đưa tin với người dân Mỹ về những gì họ đã thấy ở hiện trường,” ông Obama nhấn mạnh.

Vân Hồng

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/rung-minh-ve-su-that-cua-viec-canh-sat-danh-nha-bao-124811