Rùng mình vào "ma trận" cà-phê, nước trái cây (3)

* Bài cuối: Cơ quan chức năng "không trả lời được", người dùng khó tự bảo vệ mình

(Cadn.com.vn) - Trong năm 2016, UBND TP Đà Nẵng quyết liệt triển khai nhiều đợt cao điểm kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất và xử lý mạnh tay đối với các hành vi vi phạm trên lĩnh vực an toàn thực phẩm. Nhiều cuộc họp diễn ra để bàn các giải pháp quản lý an toàn thực phẩm, phục vụ hiệu quả cho Đề án kiểm soát an toàn thực phẩm của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong số nhiều lĩnh vực vẫn còn bỏ ngỏ thì chuyện sử dụng hóa chất, phụ gia, hương liệu vẫn đang như một "ma trận". Lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đùn đẩy trả lời khi được liên hệ làm việc.

"Mình có gì trong tay đâu mà nói!"

Để có thêm những thông tin cụ thể về hoạt động mua bán hóa chất, hương liệu, phụ gia thực phẩm trong hoạt động kinh doanh cà-phê, giải khát tại TP Đà Nẵng cũng như những nguy cơ đối với người tiêu dùng, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Sở Y tế. Ông Nguyễn Tiên Hồng - Phó Giám đốc Sở giới thiệu là cứ liên hệ với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm là đúng chuyên môn, sát việc nhất chứ trên Sở không nắm được những thông tin cụ thể. Theo chỉ dẫn của ông Hồng, chúng tôi liên lạc với ông Trương Ngọc Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì ông Hùng nói nên trao đổi với Chi cục Trưởng Nguyễn Minh Tiến mới đúng quy trình, quy định về phát ngôn. Liên lạc với ông Tiến, ông này lại đẩy vấn đề về lại cho ông Hùng với lý do đang đi học, không có thời gian. Sau nhiều lần điện thoại nhưng bị từ chối vì "đang đi kiểm tra", nhắn tin hẹn không được phản hồi, chúng tôi đến thẳng phòng làm việc của ông Trương Ngọc Hùng mới gặp được ông. "Giờ anh hỏi cái chi? Nói ra đi chứ không biết đường mô", ông Hùng hơi khó chịu. Sau khi trao đổi mục đích là nắm thông tin về hoạt động kinh doanh hóa chất, phụ gia, hương liệu trên địa bàn thành phố cũng như khuyến cáo của cơ quan chức năng đối với người tiêu dùng, ông Hùng cắt lời: "Chù! Cái nớ em hỏi bác sĩ Tiến (Chi cục Trưởng Nguyễn Minh Tiến - P.V) chứ anh không trả lời được. Em cứ nói với anh Hồng (ông Nguyễn Tiên Hồng) là cái này anh không phát ngôn được". Ông Hùng giải thích, giờ vấn đề hương liệu, kiểm tra kiểm đồ là ông không nói được. Vì kiểm tra không nắm được mà nói tầm bậy tầm bạ là không đúng. Vì Chi cục không kiểm tra, không xét nghiệm hết được, nên "biết đường mô mà phát ngôn". Ví dụ sử dụng hương liệu được Bộ Y tế cho phép thì họ vẫn sử dụng bình thường. Chúng tôi đặt vấn đề với các loại không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế thì ông Hùng nói ngay là không có nguồn gốc thì không biết được. "Mình phải đi bắt cho được quả tang là nó không có nguồn gốc hoặc nó vượt cái hàm lượng cho phép này kia mình mới nói được chứ giờ đâu có gì trong tay đâu mà nói". "Vậy trước đến giờ mình không đi kiểm tra?", "Có chứ, nhưng mình đi kiểm tra các điều kiện về cơ sở thôi chứ các mẫu nớ có đi xét nghiệm đâu. Bởi vì hắn có chứng minh là cái chất này là của Bộ Y tế cho phép, cái này hắn được quyền sử dụng. Rứa thôi! Còn cái chuyện xách cái chất đó đi xét nghiệm thì Chi cục không làm (?). Giờ anh khuyên em thực sự. Một là em làm việc với bác sĩ Hồng, hai là em làm việc với bác sĩ Tiến. Còn cái này là ngoài tầm của anh", ông Hùng nói rồi kết thúc cuộc trao đổi với lý do đang hoàn chỉnh hồ sơ kiểm tra cuối năm.

Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm tại một cửa hàng kinh doanh hóa chất kèm hương liệu, phụ gia thực phẩm sai quy định.

Người tiêu dùng khó tự bảo vệ mình

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Mẫn - Phó khoa Công nghệ thực phẩm, trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng cho biết, việc sử dụng hóa chất, hương liệu, phụ gia thực phẩm để đảm bảo an toàn phải tuân theo một số quy định nghiêm ngặt. Trước hết, người kinh doanh phải chọn theo danh mục được Bộ Y tế cho phép, phải có độ tinh khiết cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trên bao bì phải ghi rõ các thông tin về sản phẩm và hướng dẫn sử dụng để người dùng được biết. Với các sản phẩm được bày bán tràn lan, trôi nổi, không tuân thủ các quy định thì rõ ràng không ai có thể biết được tác hại mà nó gây ra sẽ như thế nào. "Ngay cả những sản phẩm nằm trong danh mục cho phép mà sử dụng không đúng cách cũng đã nguy hiểm. Huống chi các sản phẩm không rõ nguồn gốc thì càng nguy hiểm vì chưa có cơ quan nào nghiên cứu, thử nghiệm. Khi xảy ra hậu quả lại không thể truy xuất được nguồn gốc", Thạc sĩ Mẫn cho biết. Với các ví dụ cụ thể như sử dụng mỡ tổng hợp để sao tẩm, rang xay cà- phê hoặc dùng hương liệu không rõ nguồn gốc làm các loại nước uống, Thạc sĩ Mẫn cho rằng, nguy cơ hiển hiện là có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Cấp tính thì có thể gây tử vong, mạn tính có thể gây ung thư. Thậm chí người sử dụng hiện tại chưa có biểu hiện bị ảnh hưởng mà có thể đến thế hệ sau mới có những biểu hiện. Khi được hỏi về những khuyến cáo, đề xuất dưới góc nhìn của một người nghiên cứu, giảng dạy, Thạc sĩ Mẫn cho hay: "Tôi đã được mời đi trao đổi với các cơ sở kinh doanh để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của họ đối với vấn đề an toàn thực phẩm. Nhưng với lĩnh vực rộng lớn và quan trọng như thế này thì chắc chắn là các cơ quan nhà nước phải nhảy vô một cách quyết liệt. Chứ với tình trạng này, ngoài một bộ phận có hiểu biết, có ý thức và kiến thức thì rất nhiều người tiêu dùng sẽ khó để tự bảo vệ mình".

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cho rằng, có 2 nguyên tắc chung trong chế biến thực phẩm, thức uống phải tuân thủ là: tất cả các chất cho vào như tạo màu, tạo bọt, tạo thơm... phải được sự cho phép của Bộ y tế. Tất cả sản phẩm đều phải công bố hàm lượng, tiêu chuẩn sản phẩm trên nhãn mác, bao bì. Vị này cũng cho biết, đối với các loại bắp, đậu nành, khi bị rang cháy đen để pha cà-phê thì không những mất giá trị dinh dưỡng mà còn sinh ra hàng chục loại chất độc hại, có khả năng gây ung thư cho người sử dụng. Trong khi đó, các loại chất tạo mùi bản thân đã là chất độc. Nếu dùng trong thực phẩm bắt buộc phải là hương liệu được chế biến dành riêng cho thực phẩm, không lẫn tạp chất và phải dùng đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, có giấy chứng nhận công thức hóa học. Hương liệu kém chất lượng hoặc dùng sai mục đích có thể dẫn đến rối loạn chức năng cơ thể, gây dị ứng, thậm chí có thể gây ung thư. Các chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng nên tránh xa những loại thực phẩm có mùi thơm nồng bởi hầu hết chúng đều được ướp hương liệu một cách vô tội vạ, gây hại cho sức khỏe.

Đông A

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_157901_ru-ng-mi-nh-va-o-ma-tra-n-ca-phe-nuo-c-tra-i-cay-3.aspx