Rùng mình trước hàng loạt mối hiểm nguy học sinh đang đối mặt

Thầy, cô đánh trò; bố đâm chết con vì không ôn thi trường điểm; nữ sinh bị bạn đánh hội đồng; xâm hại tình dục… hàng loạt hiểm nguy mà mỗi học sinh phải đối mặt.

Bạo lực học đường

Liên tiếp trong những ngày qua dư luận không khỏi bức xúc trước thông tin nữ sinh học lớp 8 trường THCS Trần Quốc Toản (Nha Trang, Khánh Hòa) nhất quyết đòi chết nếu cha mẹ không cho chuyển trường vì bị cô giáo dạy văn Nguyễn Văn Ý Ny tát tai và cho cả lớp sỉ nhục.

Đây không phải là câu chuyện hiếm hoi về tình trạng bạo lực học đường. Tháng 5 vừa qua, hình ảnh một học sinh lớp 2 bị giáo viên đánh tím chân được chia sẻ trên Facebook cũng khiến dư luận bức xúc. Nguyên nhân bé gái này bị đánh là vì viết sai một chữ.

Tháng 3/2016, vì viết chậm nên, vụ việc bé Phàn Chung Thủy (học sinh lớp 1, trường tiểu học Phìn Ngan, huyện Bát Xát – Lào Cai) bị cô giáo Trần Thị Thu Trà đánh thâm tím mặt mày, hoảng loạn tâm lý phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát khiến nhiều người phẫn nộ.

Hình ảnh em bé bị đánh tím bầm hai mắt, gương mặt gây thơ, vô hồn khiến nhiều người không khỏi xót xa và phẫn nộ.

Ngoài tình trạng giáo viên bạo hành học sinh thì một trong những vấn đề nhức nhối của vấn nạn bạo lực học đường là học sinh đánh nhau.

Cách đây vài ngày, dư luận bức xúc trước clip nữ sinh 14 tuổi chỉ biết chịu trận, khóc lóc xin tha khi bị nhóm học sinh nữ và 1 nam sinh đánh túi bụi vào đầu và mặt, chửi bới thậm tệ.

Ngày 24/8, đại diện lãnh đạo Phòng GD- ĐT TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết đã xác định được nhóm 8 học sinh gồm 7 nữ, 1 nam trong clip đánh hội đồng trên facebook xảy ra trên địa bàn tỉnh do mâu thuẫn riêng.

Các trường đã triệu tập số học sinh trên, yêu cầu viết tường trình, mời phụ huynh đến trường để thông báo sự việc.

Những vụ việc kể trên chỉ là những vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian gần đây. Trước đó không ít những vụ việc tương tự thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng, chết người. Một thực tế không thể phủ nhận rằng bạo lực học đường vẫn đang là tình trạng nhức nhối, ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe thậm chí đe dọa cả tính mạng của nhiều học sinh.

Áp lực thi cử, đỗ đạt

Vụ cha đâm chết con vì không ôn thi vào trường tư thục danh tiếng đang khiến người dân Nhật Bản bàng hoàng và phẫn nộ.

Japan Today đưa tin, khoảng sáng 21/8, Kengo Satake, 48 tuổi ở quận Aichi trên đảo Honshu (Nhật Bản), đâm chết con trai 12 tuổi là Ryota. Fuji TV cho hay, trước đó, hai cha con cãi nhau quanh chuyện học hành của Ryota.

Tại thời điểm vụ việc xảy ra, nạn nhân đang trong thời kỳ ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới vào trường tư thục danh tiếng ở Aichi. Hôm đó, cậu bé không chịu làm bài tập, dẫn đến cãi vã. Trong cơn tức giận, Satake dùng dao đâm con trai.

Tại đồn cảnh sát, ông này khai lỡ tay đâm chết con vì giận. Song, hàng xóm của gia đình Kengo cho biết, họ thường xuyên chứng kiến cậu bé 12 tuổi bị phạt ngoài ban công và Satake luôn mắng con thậm tệ về chuyện học hành. Mẹ nạn nhân làm việc xa nhà.

Nhiều bậc phụ huynh thường xuyên thúc ép con học bài để đỗ vào trường chuyên lớp chọn, bởi đây không chỉ là sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai con cái, mà còn mang lại niềm tự hào cho gia đình. Trên thực tế, tự tử học đường là vấn nạn ở Nhật Bản. Ngày tựu trường 1/9 hàng năm thậm chí được gọi là 'ngày tự tử' của học sinh nước này.

Câu chuyện này không chỉ riêng Nhật Bản. Ở nước ta, với quan niệm truyền thống học hành tiến thân nên việc thi cử, đỗ đạt là trọng trách rất lớn đè nặng trên vai mỗi học sinh. Điều này khiến học sinh chịu nhiều sức ép học hành: học trên lớp, học thêm các môn, học thêm năng khiếu… đủ loại học thêm quanh năm ngày tháng.

Và cũng có không ít câu chuyện đau lòng xảy ra sau mỗi mùa thi cử. Nhiều thí sinh hoảng loạn, thậm chí muốn tự tử chỉ vì thi trượt đại học. Bị trầm cảm và mắc chứng rối loạn tâm thần do áp lực học hành, thi cử đang trở thành vấn đề đáng báo động đối với học sinh, sinh viên.

Xâm hại tình dục học đường

Tháng 3 năm nay, dư luận chấn động trước thông tin Đỗ Văn Nam (35 tuổi, bảo vệ trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã La Pan Tẩn, Lào Cai) bị cảnh sát tạm giữ vì liên quan cáo buộc có hành vi dâm ô với 23 học sinh nữ.

Đỗ Văn Nam tại cơ quan điều tra (Ảnh: báo Lào Cai)

Qua lời khai của đối tượng Nam, trong thời gian từ năm 2014 đến thời điểm bị phát hiện, để thực hiện hành vi dâm ô, Nam đã dùng bim bim, kẹo để dụ dỗ các em vào phòng bảo vệ của mình rồi thực hiện hành vi phạm tội.

Vụ việc khiến nhiều học sinh sợ hãi không dám đến trường, phụ huynh hoang mang, dư luận phẫn nộ.

Cơ quan công an thu thập tài liệu, chứng cứ, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tạm giam 3 tháng đối với bị can Đỗ Văn Nam để điều tra, xác minh, làm rõ sự việc.

Trước đó, vụ việc cựu hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) Sầm Đức Xương bị phạt 9 năm tù vì hành vi mua dâm nữ sinh đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo phán quyết, Sầm Đức Xương liên tục mua dâm các cô gái từ 13 đến dưới 18 tuổi trong suốt thời gian từ tháng 7/2008 đến 8/2009.

Bị cáo Sầm Đức Xương tại phiên xử phúc thẩm, ngày 28/6. Ảnh: VnExpress.net

Nhiều người cho rằng thực tế các vụ mua dâm, quấy rối tình dục học đường còn nhiều hơn bởi nhiều học sinh Việt Nam không dám tố xâm hại tình dục vì các em không được gia đình, nhà trường hoặc bất cứ cuốn sách giáo dục giới tính nào dạy cho phải làm gì khi bị lạm dụng, xâm hại tình dục.

Ths. Lã Linh Nga, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục cho biết:

Rất đông khách hàng của bà gồm cả học sinh (đặc biệt là các em cấp 2), sinh viên và người đi làm đều từng bị lạm dụng, xâm hại tình dục nhưng không chia sẻ với ai. Những trường hợp này chỉ khi có biểu hiện rất bất thường như rạch tay, tự sát, gia đình mới phát hiện có vấn đề. Tuy nhiên, phải đến khi gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý trao đổi nhiều lần, họ mới giãi bày tâm sự.

Một môi trường giáo dục tốt trước hết phải là một môi trường an toàn, bởi chỉ khi an toàn thì mỗi học sinh mới yên tâm tự tin để phát huy hết những khả năng của bản thân mình và việc học tập mới có hiệu quả.

Và để tạo ra một môi trường như vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cần có những môn học trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để ứng phó tốt với những hiểm nguy tiềm ẩn.

Theo Lam/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/hoc/rung-minh-truoc-hang-loat-moi-hiem-nguy-hoc-sinh-dang-doi-mat.html