Rừng keo trên đồi núi trọc

Với tài sản có trong tay gồm 30 ha keo và gần 20 con bò, dê, bà con tại thôn 2, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) rất cảm phục ông Võ Văn Thông (66 tuổi), bởi mặc dù chỉ còn một tay nhưng một mình ông đã không ngừng nỗ lực gây dựng được cơ ngơi như hôm nay.

Ông Võ Văn Thông chăm sóc đàn bò.

Ông Võ Văn Thông kể, sau nhiều chuyến ngược xuôi rừng núi buôn bán, trao đổi keo, quế các loại, năm 2007, ông quyết định chọn Nam Trà My để lập nghiệp gắn với chủ trương 327 phủ xanh đất trống, đồi núi trọc lúc đó. Ông cho biết: "Kể cả mua và được hỗ trợ gần 10 ha đất rừng, cộng với kinh nghiệm từ nhiều năm bôn ba buôn bán và đã từng trồng rừng ở quê Phú Ninh (Quảng Nam), tôi quyết định sử dụng 10 ha đất đó để trồng keo". Một bàn tay phải bị mất do đạn nổ lúc nhỏ, còn một tay ông vẫn tự mình quyết bám lấy rừng, bám lấy những cây keo. Khó khăn nhất là vào thời gian đầu một mình ông vừa trồng keo, vừa chăm sóc và tiếp tục khai hoang đất rừng. "Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng đã quyết tâm lên đây lập nghiệp thì phải cố gắng làm, cho nên tôi "đánh liều" vay thêm một ít vốn để thuê thêm người chăm sóc cho vườn keo của mình", ông chia sẻ.

Sau hai năm, ông Thông mua thêm 10 con bò giống về thả. Nhờ nguồn cỏ tại chỗ dồi dào, đàn bò và dê phát triển nhanh, chỉ sau vài tháng đã có thể xuất chuồng, ông lại tiếp tục nuôi nhiều hơn, có lúc gần 40 con bò. Sau khi có thêm thu nhập từ bò, ông Thông tiếp tục khai hoang thêm 20 ha rừng trồng keo. Ông còn tạo công việc cho sáu lao động thường xuyên để chăm sóc rừng keo với thu nhập từ ba đến bốn triệu đồng/tháng. Ngoài ra, vào những dịp mùa vụ, ông thuê từ 10 đến 20 lao động đến làm việc. Anh Vũ Văn Trường, người dân tộc Ca Dong là lao động thường xuyên, quản lý và trông coi vườn keo cho biết: "Tôi làm giúp cho chú Thông đã mấy năm nay, thu nhập mang về ổn định đủ cho cuộc sống gia đình, đến mùa vụ chăm chỉ làm còn được nhiều hơn. Làm ở đây được chú Thông truyền đạt nhiều kinh nghiệm, nếu có điều kiện, tôi cũng muốn được gây dựng và phát triển trồng rừng".

Rừng keo của gia đình ông Võ Văn Thông đã sang năm thứ sáu, ông nhẩm tính, đến cuối năm sẽ thu hoạch lứa đầu, với hơn 50 nghìn cây keo hiện tại, nếu giá thành không thay đổi, ông có thể thu về gần một tỷ đồng.

Trong ngôi nhà khang trang ngay cạnh rừng keo, ông cho biết sẽ tiếp tục trồng keo và mở rộng diện tích nuôi thêm ít lợn rừng và dê. Từ nhiều năm nay, ông Võ Văn Thông luôn giữ vững danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của huyện, của tỉnh. Ông cũng là tấm gương điển hình cho đồng bào nơi đây phấn đấu phát triển kinh tế, từng bước thoát khỏi nghèo trên chính mảnh đất quê hương.

Bài và ảnh: THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/24156302-rung-keo-tren-doi-nui-troc.html