Rừng dừa Bảy Mẫu

Cùng với Di sản văn hóa thế giới Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, rừng dừa Bảy Mẫu ở xã Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam) trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách.

Du khách đổ về ngày càng nhiều và nỗi lo rừng dừa Bảy Mẫu bị xâm hại

Tuy nhiên, với lượng khách du lịch ngày càng lớn như hiện nay, rừng dừa Bảy Mẫu đang đứng trước mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển.

Nguy cơ chết dần

Rừng dừa nước Bảy Mẫu nằm trải dài theo bờ Bắc hạ lưu sông Thu Bồn, nơi tiếp giáp với biển Cửa Đại, thuộc hai thôn Thanh Tam Đông và Thanh Nhứt (xã Cẩm Thanh). Trong chiến tranh, rừng dừa là ngôi nhà che chở bao thế hệ cán bộ cách mạng bám trụ đánh địch. Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, người dân Cẩm Thanh chủ yếu sống bám vào rừng dừa để bắt con tôm, con cá, khai thác lá dừa về lợp nhà. Cuộc sống phát triển, nhu cầu du lịch tăng cao, du khách đến Hội An chợt phát hiện nơi đây còn có một điểm tham quan, khám phá khá hấp dẫn - rừng dừa Bảy Mẫu. Bỗng chốc, nơi đây trở thành một điểm mà bất cứ du khách nào đến Hội An cũng phải ghé chân.

Du khách đổ về ngày càng nhiều, trong khi dịch vụ thì chẳng có gì, người dân nơi đây đã dùng chính những công việc dân dã của cuộc sống thường nhật để biến thành sản phẩm du lịch độc đáo như: du lịch đạp xe, lắc thúng chai, đánh cá, bắt cua... Có thời điểm, rừng dừa Bảy Mẫu đã đón cả ngàn du khách, trong đó chủ yếu là du khách quốc tế về đây sinh hoạt, ăn uống...

Chính vì lượng khách tăng đột biến, nhiều hộ dân, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã nắm bắt thời cơ, đầu tư xây dựng nhà hàng, dùng bê tông làm kè lấn sông xây dựng nhà hàng... khiến hệ sinh thái của rừng dừa bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy, những người chèo thúng chai còn bứt đọt dừa nước để làm nhẫn đeo tay, làm quà tặng cho du khách, khiến dừa bị hư thối, kém phát triển.

Anh P., một người dân địa phương dùng thuyền thúng chở chúng tôi đi khắp rừng dừa, thở dài nói: “Trong chiến tranh, rừng dừa là nơi ẩn nấp, che chở người dân và là căn cứ cách mạng. Thời bình, dân bám vào rừng dừa để sinh nhai. Nay, dân khai thác rừng dừa để làm giàu. Ý thức của đa số người dân nơi đây là bảo vệ rừng dừa. Tuy nhiên, một số ít người vì kinh doanh, lợi nhuận đã xâm hại đến rừng dừa. Nhiều lần, chính quyền địa phương và UBND TP Hội An tuyên truyền, xử phạt, đình chỉ xây dựng những hộ kinh doanh làm xâm hại đến môi trường tự nhiên... nhưng chúng tôi vẫn lo rừng dừa bị teo tóp và chết dần chết mòn.

Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm

Những ngày đầu hè 2017, báo chí gióng lên hồi chuông cảnh báo rừng dừa bị xâm hại khiến những người gắn bó với rừng dừa Bảy Mẫu lo lắng khôn nguôi. Chúng tôi hỏi ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An về tương lai của rừng dừa Bảy Mẫu, ông nói như đinh đóng cột: Giữ nguyên hiện trạng rừng dừa Bảy Mẫu. Hội An không có phát triển gì ở đây cả.

UBND TP Hội An khẳng định, rừng dừa nước xã Cẩm Thanh là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và là khu di tích lịch sử cách mạng trọng điểm của thành phố. Trong thời gian qua, việc phát triển du lịch một cách tự phát của các doanh nghiệp du lịch và của các hộ dân ở địa phương đã có những tác động tiêu cực đến rừng dừa.

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, trong những năm qua, đặc biệt là vào năm 2016, đầu năm 2017, UBND TP Hội An đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp cùng địa phương xã Cẩm Thanh tiến hành kiểm tra phát hiện, yêu cầu dừng thi công, xử lý buộc tháo dỡ và khôi phục hiện trạng ban đầu các trường hợp vi phạm xây dựng, lấn chiếm đất đai trái phép.

Liên tiếp trong 3 tháng 6, 7, 8-2016, UBND TP Hội An đã ra các quyết định xử phạt hành chính đối với những trường hợp vi phạm, xâm hại rừng dừa, đồng thời yêu cầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký quyết định, các đối tượng vi phạm phải tháo dỡ trả lại nguyên dạng các công trình như trước lúc xây dựng. Đầu năm 2017, UBND TP Hội An tiếp tục chỉ đạo UBND xã Cẩm Thanh tăng cường quản lý và rà soát việc chấp hành xử phạt các trường hợp vi phạm trong năm 2016 để có biện pháp cứng rắn hơn, nhằm lập lại trật tự đầu tư kinh doanh, xây dựng tại khu vực này. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP Hội An nhất quán quan điểm: Không có bất kỳ một dự án khách sạn, khu resort nào được cấp phép đầu tư trong những khu rừng dừa trên địa bàn xã Cẩm Thanh!

Thông cáo của UBND TP Hội An truyền đi như một lời khẳng định với người dân rằng, rừng dừa Bảy Mẫu là “bất khả xâm phạm” đã phần nào khiến người dân nơi đây yên tâm trước cơn lốc phát triển du lịch.

UBND TP Hội An cho biết, dự án “Trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng” (giai đoạn 2015 - 2017, do Sở NN-PTNT làm chủ đầu, kinh phí 28 tỷ đồng) đang trong giai đoạn thực hiện. Mục tiêu dự án hướng tới là xây dựng hệ thống rừng ngập mặn ven biển TP Hội An bền vững, hình thành vành đai rừng phòng hộ, bảo vệ cho hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

NGUYÊN KHÔI

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/rung-dua-bay-mau-451870.html