Rừng Cúc Phương đứng top 3 thiên đường cho người mê động vật

Theo xếp hạng của trang web du lịch có tiếng Have Halal Will Travel, rừng Cúc Phương đứng thứ 3 trong các khu bảo tồn động vật đáng ghé thăm ở châu Á.

Mới đây, trên trang web du lịch có tiếng, được nhiều người tin tưởng Have Halal Will Travel đã đăng tải bài viết Top 8 khu bảo tồn động vật ở châu Á mà những người yêu động hoang dã nên ghé thăm. Trong đó, vườn quốc gia Cúc Phương hay còn gọi là rừng Cúc Phương ở Ninh Bình, Việt Nam đứng thứ 3.

Mới đây, trên trang web du lịch có tiếng, được nhiều người tin tưởng Have Halal Will Travel đã đăng tải bài viết Top 8 khu bảo tồn động vật ở châu Á mà những người yêu động hoang dã nên ghé thăm. Trong đó, vườn quốc gia Cúc Phương hay còn gọi là rừng Cúc Phương ở Ninh Bình, Việt Nam đứng thứ 3.

Vườn quốc gia Cúc Phương là một khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng rộng 222km2, nằm trên địa phận thuộc ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Nơi đây có hệ động thực vật phong phú, đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới.

Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây. Đây cũng là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam.

Cúc Phương rất nổi tiếng với hệ thực vật phong phú. Hiện nay, các nhà khoa học đã thống kê được gần 2.000 loài thực vật có mạch thuộc 887 chi trong 221 họ thực vật. Nơi đây cũng được xác định là một trong 7 trung tâm đa dạng thực vật của Việt Nam.

Khí hậu ở Cúc Phương thuộc loại khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm khoảng 24,7 °C. Địa hình phức tạp, rừng ở dạng nguyên sinh chứa nhiều bí ẩn, và cảnh quan độc đáo. Tại đây cũng có rất nhiều hang động với cảnh quan kỳ thú và ẩn chứa những chứng tích văn hóa lịch sử lâu đời như động Trăng Khuyết, động Chúa, động Thủy Tiên, động Người Xưa, hang Con Moong, động San Hô...

Rừng Cúc Phương cũng có hệ động vật đa dạng, gồm 97 loài thú (trong đó nổi bật nhất là các loài khỉ châu Á), 137 loài chim, 76 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 11 loài cá và hàng ngàn loài côn trùng, nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Vườn quốc gia Cúc Phương đồng thời là nơi sinh sống của một số quần thể thú quan trọng về mặt bảo tồn, trong đó có loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu ở mức đe dọa cực kỳ nguy cấp là voọc quần đùi trắng và loài sẽ bị nguy cấp trên toàn cầu là Cầy vằn, loài báo hoa mai là loài bị đe dọa ở mức quốc gia. Cúc Phương cũng có hơn 40 loài dơi đã được ghi nhận tại đây.

Cúc Phương được công nhận là một vùng chim quan trọng tại Việt Nam, đến nay, đã có 313 loài chim được xác định ở vườn quốc gia này.

Do nằm tại vị trí tận cùng phía bắc của vùng chim đặc hữu vùng đất thấp Trung Bộ nhưng vườn quốc gia này chỉ có một loài chim có vùng phân bố giới hạn được ghi nhận là khướu mỏ dài.

Nhiều nhóm sinh vật khác cũng đã được điều tra, nghiên cứu ở vườn quốc gia Cúc Phương trong đó có ốc. Khoảng 111 loài ốc đã được ghi nhận trong một chuyến điều tra gần đây trong đó có 27 loài đặc hữu.

Khu hệ cá trong các hang động ngầm ở vườn quốc gia Cúc Phương cũng đã được nghiên cứu, ít nhất đã có một loài cá được ghi nhận tại đây là loài đặc hữu đối với vùng núi đá vôi, đó là Cá niết hang Cúc Phương.

Tại vườn quốc gia này, các nhà khoa học cũng đã xác định được 280 loài bướm, 7 loài trong số đó lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam tại Cúc Phương vào năm 1998.

Với những đặc điểm sinh thái hấp dẫn như vậy, vườn quốc gia Cúc Phương thực sự là một địa điểm du lịch nổi tiếng về sinh thái, môi trường, thu hút khoảng vài trăm nghìn lượt khách hàng năm.

Du khách đến đây sẽ được khám phá hệ động thực vật phong phú, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đẹp, tham gia các chương trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lửa trại, mạo hiểm, nghiên cứu và văn hóa lịch sử.

Đặc biệt, tại đây có trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật. Nơi đây sẽ làm nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam; nghiên cứu tập tính, sinh lý, sinh sản trong nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn và phát triển; sưu tập, gây trồng bảo tồn nguồn gen và tạo giống các loài thực vật quý hiếm của Việt Nam.

Cận cảnh loài cầy vằn hoang dã quý hiếm ở vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, Việt Nam.

Đinh Ngân (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi-dong-vat/rung-cuc-phuong-dung-top-3-thien-duong-cho-nguoi-me-dong-vat-766165.html