Rủi ro pháp lý và việc hỗ trợ doanh nghiệp

Trong nền kinh tế thị trường muốn hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, thì doanh nghiệp cần phải tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật. Và dù là doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ hay siêu nhỏ thì cũng đều phải đối mặt với các vấn đề rủi ro về mặt pháp lý trong quản lý, điều hành, giao dịch, lao động,…

Nhân viên Chi cục Thuế Ba Đình (Hà Nội) hướng dẫn khách hàng làm thủ tục nộp thuế. Ảnh: THANH HÀ

Nhân viên Chi cục Thuế Ba Đình (Hà Nội) hướng dẫn khách hàng làm thủ tục nộp thuế. Ảnh: THANH HÀ

Rủi ro pháp lý đối với doanh nghiệp

Rủi ro pháp lý là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi và hệ thống pháp luật đang còn nhiều sự bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, phức tạp,... Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chưa nhận thấy sự nguy hiểm của việc không nắm bắt và tuân thủ pháp luật, đồng thời cũng không cảm nhận được sự cần thiết phải có tư vấn pháp luật.

Cái khó nhất đối với doanh nghiệp không phải là tìm văn bản pháp luật, mà là sự lúng túng trước những vấn đề mập mờ, khó hiểu và xung đột pháp lý. Mọi sự vi phạm hay không tuân thủ pháp luật đều sẽ dẫn đến rủi ro pháp lý ở mức độ khác nhau. Lách luật, tuy không phải là vi phạm pháp luật, nhưng cũng dẫn đến nguy cơ rủi ro pháp lý khá lớn, nhất là liên quan pháp luật hình sự. Tuy nhiên, kể cả không vi phạm pháp luật hay không lách luật, thì cũng vẫn ít nhiều gặp rủi ro pháp lý. Vì vậy, việc phòng ngừa và xử lý rủi ro pháp lý là vấn đề quan trọng đối với mọi doanh nghiệp.

Giữa hệ thống pháp luật và thực tế phức tạp hiện nay, hiếm có doanh nghiệp nào có thể tự tin rằng mình không thể vi phạm pháp luật. Dạng vi phạm nhẹ nhất là xử lý hợp đồng lao động sai luật. Loại vi phạm nặng hơn là đóng thiếu các loại tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp. Và nặng hơn nữa là gian lận hóa đơn, chứng từ nhằm trốn giảm nghĩa vụ nộp thuế. Mà cả ba dạng vi phạm này đều có thể trở thành tội phạm hình sự. Và doanh nghiệp không được quyền “bào chữa” theo kiểu “không biết thì không có tội”.

Nguyên nhân một phần là do hiện nay, số lượng và nội dung các văn bản quy phạm pháp luật nhiều đến mức các doanh nghiệp gần như không thể theo dõi cập nhật và tra cứu nắm bắt được nếu không có nhân sự chuyên trách. Nếu như giai đoạn đầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, mỗi năm chỉ có khoảng 500 - 700 trang văn bản quy phạm pháp luật được đăng trên Công báo, thì nay đã lên tới hơn 50.000 - 70.000 trang, tức là gấp khoảng 100 lần. Từ thông tư, nghị định cho đến luật đều thường xuyên thay đổi một cách chóng mặt.

Những hỗ trợ pháp lý của Nhà nước

Để đáp ứng tình hình và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, Nhà nước đã có những quy định nhằm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đó là Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28-5-2008 của Chính phủ “Về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”; Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 5-5-2010 và Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28-11-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2020. Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm trong việc hỗ trợ pháp lý cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh; không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động.

Doanh nghiệp được khai thác cơ sở dữ liệu pháp lý; được giới thiệu, cung cấp, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; được bồi dưỡng kiến thức pháp luật và được giải đáp pháp luật. Trong đó, riêng việc giải đáp pháp luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức: giải đáp bằng văn bản, giải đáp thông qua mạng điện tử, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và giải đáp thông qua các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được tham gia các hội nghị đối thoại giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh; các buổi giới thiệu chuyên đề, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, nắm bắt các cam kết quốc tế; các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh mới cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế các doanh nghiệp.

Trong những năm qua, Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã khá thành công trong việc giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Theo Báo cáo của Ban Quản lý Chương trình, chỉ riêng năm 2016, đã tổ chức phát sóng được 312 chương trình “Kinh doanh và pháp luật” trên VOV và VTV2; 54 buổi hội thảo, bồi dưỡng về các chuyên đề pháp luật kinh doanh. Tuy nhiên, phần tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thì chưa làm được nhiều. Hy vọng rằng, thời gian tới, nhất là nếu được ghi nhận chính thức trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được đẩy mạnh hơn, có hiệu quả hơn, với sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội và luật sư.

Luật sư Trương Thanh Đức

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31885602-rui-ro-phap-ly-va-viec-ho-tro-doanh-nghiep.html