Rủi ro đánh cá lậu ở nước ngoài

Thời quan qua, tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ ngày càng tăng. Điều này không những gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho ngư dân và xã hội, mà còn ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Việt Nam đối với các nước trong khu vực và quốc tế.

Tàu cá QNg 96677 đưa thi thể nạn nhân về Lý Sơn

Rủi ro tính mạng, tài sản vì đánh cá lậu ở nước ngoài

Sau khi bắt giữ 81 tàu cá nước ngoài vì đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này, ngày 1/4/2017, chính quyền Indonesia đã cho nổ 81 tàu cá nước ngoài ở 12 địa điểm trên biển. Hầu hết các tàu bị phá hủy là của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan. 16 giờ ngày 3/4/2017, tàu cá QNg 96677TS do ông Nguyễn Văn Mười (trú ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đã đưa thi thể ngư dân Trần Văn Định (cùng trú ở địa phương, thuyền viên trên tàu), bị bắn chết trên vùng biển giáp ranh hai nước Philippines và Malaysia về đến đảo Lý Sơn. Lực lượng biên phòng và các cơ quan chức năng đã tiếp nhận vụ việc để điều tra làm rõ.

Vụ việc được thuyền trưởng Nguyễn Văn Mười kể lại như sau: Lúc 20 giờ ngày 11/3/2017, ông Mười cùng 12 lao động đang hoạt động trên vùng biển giữa hai nước Philipines và Malaysia thì bị một chiếc tàu vỏ gỗ (ông Mười cho biết là tàu cướp biển) truy đuổi, nổ súng bắn xối xả về phía tàu mình. Quá hoảng loạn, ông Mười điều khiển tàu bỏ chạy, còn các thuyền viên khác nấp vào hầm máy. Trong lúc chạy trốn, ông Trần Văn Định đã bị cướp biển bắn vào đầu tử vong ngay trên tàu. Sau 2 giờ bị truy sát, ông Mười thoát được vòng vây của cướp biển và quay về Việt Nam. Sau 24 ngày lênh đênh trên biển, tử thi của ông Định mới được tàu cá QNg 96677 TS đưa về Lý Sơn. Trước đó, tàu cá ông Mười xuất bến tại Trạm kiểm soát Biên phòng An Hải ngày 8/2/2017 đi hành nghề lặn trên vùng biển Trường Sa.

Tuy nhiên, thuyền trưởng đã tự ý đưa lao động đến vùng biển tiếp giáp giữa hai quốc gia Philippines và Malaysia khai thác hải sản và xảy ra sự việc dẫn đến thuyền viên Định tử vong. Hiện các cơ quan chức năng đã tiến hành các thủ tục pháp lý và bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình mai táng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác trái phép là một số tàu cá, ngư dân Việt Nam trong quá trình khai thác hải sản trên do bám theo luồng cá hoặc không biết các thông tin về ranh giới các vùng biển nên đã vô tình xâm phạm vùng biển nước ngoài. Cũng có nhiều ngư dân Việt Nam vì lợi ích kinh tế trước mắt, mặc dù đã nắm được các quy định của pháp luật, biết rõ ranh giới các vùng biển nhưng vẫn cố tình vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép.

Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật nhằm quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển còn thiếu đồng bộ và chưa chặt chẽ. Việc triển khai các biện pháp của chính quyền nơi quản lý trực tiếp ngư dân, tàu cá còn chưa quyết liệt. Đặc biệt là hiện nay có hiện tượng một số tổ chức, đường dây ở cả nước ngoài và trong nước thực hiện hoạt động môi giới, vận động và tổ chức đưa ngư dân Việt Nam ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Những năm qua, tình trạng ngư dân vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, chủ yếu thuộc các nước Australia, Indonesia, Philippines và Malaysia... không giảm, thậm chí có chiều hướng gia tăng, tính chất vụ việc càng trở nên phức tạp. Năm 2015, có 22 vụ việc vi phạm bị lực lượng chức năng các nước có vùng biển tiếp giáp với Việt Nam bắt giữ với 51 phương tiện, gần 300 ngư phủ, thuyền trưởng bị bắt, bị phạt tiền trên 150 ngàn USD và gần một tỷ đồng Việt Nam. Ngoài ra, số lượng tài sản, cá tôm, xăng dầu bị lấy đi rất lớn, không thể ước tính hết được.

Năm 2016, tỉnh Bình Định có 32 tàu với 259 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ vì xâm phạm vùng biển nước ngoài, trong đó, huyện Hoài Nhơn có 25 tàu với 215 thuyền viên. Đặc biệt, xã Hoài Hương của huyện Hoài Nhơn có 10 tàu với 98 thuyền viên bị bắt, đây quả là con số đáng báo động.

Tháng 9 và tháng 10/2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước đưa hơn 300 ngư dân về nước, trong đó có 228 ngư dân được trao trả ngày 15/9/2016 bằng đường biển. Số lượng ngư dân Việt Nam bị bắt, giam giữ tại Indonesia tăng mạnh trong thời gian qua đã gây khó khăn cho phía cơ quan chức năng của Indonesia cũng như Việt Nam trong việc đưa các ngư dân này về nước.

Nếu như từ năm 2015 trở về trước, các tàu cá nước ngoài đánh cá lậu chỉ bị tạm giữ phương tiện, bị phạt tiền thì hiện nay chính quyền các nước bắt giữ tàu nước ngoài khai thác hải sản trái phép có chế tài rất cứng rắn đối với ngư dân Việt Nam khi bị bắt như: Thu hủy phương tiện, đốt cháy toàn bộ tài sản, phạt tù, phạt tiền... Thời gian qua, hàng trăm tàu cá Việt Nam đã bị đốt cháy, gây thiệt hại lớn cho chủ tàu cá.

Chủ tàu mất tàu, phá sản, còn ngư dân khốn đốn vì phải ngồi tù, nộp phạt. Ngư dân Trương Sơn (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết: Anh được ông Vũ Văn Linh, chủ tàu cá QNg 90416TS gọi đi lặn hải sản trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Sau khi làm thủ tục xuất bến tại Trạm Kiểm soát Biên phòng (KSBP) Tịnh Kỳ, ông Linh đã tự ý cho tàu chạy sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản và bị bắt tại Australia. Gần 2 tháng bị giam giữ nơi đất khách quê người, 14 thuyền viên trên tàu QNg 90416 được về nước theo đường hàng không. Về địa phương không có một xu dính túi, chủ tàu cũng không có trách nhiệm với thuyền viên, kinh tế gia đình anh rơi vào cảnh khó khăn. Anh Sơn phân trần: “Mình là ngư dân sống bằng nghề biển, họ gọi đi lặn, mình đồng ý nên họ đi tới đâu mình đến đó; họ biểu lặn là mình lặn thôi, chứ ngoài ra mình đâu có biết tới chỗ nào là Australia, chỗ nào là Mỹ. Tới chừng bị lực lượng chức năng Australia bắt thì mới biết mình xâm phạm vùng biển của họ”.

Không làm thủ tục xuất bến nếu chủ phương tiện không ký cam kết

Thực tế, trong những năm qua, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, các lực lượng nước ngoài tăng cường uy hiếp, xua đuổi ngư dân ta hoạt động trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, các vùng biển còn đang tranh chấp; ngư trường khai thác hải sản của bà con ngày càng bị thu hẹp và cạn kiệt. Để sinh sống bằng nghề biển, bà con rất cần có những ngư trường mới, nhiều nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, ngư dân mong muốn cơ quan quản lý chuyên ngành cần đẩy mạnh hợp tác nghề cá với các nước để tạo điều kiện cho ngư dân ra các nước láng giềng khai thác hải sản một cách hợp pháp.

Qua các vụ việc xảy ra gần đây, ngư dân cần được trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản trên biển, đặc biệt cần sớm chấm dứt ngay tình trạng cố tình cho tàu sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản. Trước khi ra khơi, các tàu cần phải kiểm tra toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, máy định vị tọa độ, la bàn, sơ đồ vùng biển và vật dụng an toàn hàng hải.

Ngoài ra, ngư dân lao động trên các tàu phải kịp thời trình báo với cơ quan chức năng, lực lượng BĐBP khi phát hiện chủ tàu, thuyền trưởng có dấu hiệu tổ chức đưa tàu sang vùng biển nước ngoài đánh bắt; tuyệt đối không được chống trả khi xác định rõ mình đã vi phạm vùng biển nước ngoài, hoặc xác định rõ tàu nước ngoài là lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Nếu bị bắt giữ, ngư dân cần chấp hành nghiêm các yêu cầu, quy định về dẫn độ, khai báo trung thực và tìm mọi cách báo ngay về cơ quan chức năng Việt Nam để có biện pháp giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Để hạn chế tình trạng đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép, BĐBP các tỉnh ven biển đã tập trung tuyên truyền, vận động ngư dân không tham gia cùng thuyền trưởng, chủ tàu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; duy trì việc đăng ký cam kết không xâm phạm chủ quyền vùng biển các nước khai thác hải sản giữa chủ phương tiện, thuyền trưởng với các trạm kiểm soát biên phòng. Các trạm kiểm soát biên phòng kiên quyết không làm thủ tục xuất bến cho các phương tiện không thực hiện việc ký cam kết, không chấp hành đầy đủ các quy định; phát hiện sớm, ngăn chặn ngay từ đầu các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ tàu cá xâm phạm vùng biển nước khác; bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/an-ninh-quoc-phong/rui-ro-danh-ca-lau-o-nuoc-ngoai-328260.html