Rủi ro cho vay tiền mặt

Những năm trước cho vay tiêu dùng chủ yếu để mua hàng trả góp, nhưng hiện nay vay tiền mặt đang bắt đầu nở rộ. Tuy nhiên, cho vay tiền mặt được cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao cho cả bên cho vay và người vay. Bởi vì phía công ty tài chính (CTTC) áp dụng lãi vay tiền mặt cao, trong khi người vay tiền cần tiền nên bất chấp lãi suất, dễ dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Vay 1 trả 2

Vay tiền mặt đang ngày càng được các CTTC mở rộng với hạn mức khá cao. Tại FE Credit, khách hàng có thể vay tiền mặt đến 70 triệu đồng, không cần thế chấp, trả góp linh hoạt với thủ tục và hồ sơ đơn giản. Thời gian trả góp 6-36 tháng, lãi suất tham khảo từ 2,92%/tháng tùy vào hồ sơ vay và lịch sử tín dụng từng khách hàng. Phí trả chậm 300.000 đồng/lần. Từ năm 2015, HD Saison đã thông báo triển khai gói dịch vụ vay tiền mặt dành cho khách hàng mới, khoản vay lên đến 100 triệu đồng, kỳ hạn vay linh hoạt lên đến 36 tháng. Ngoài những khách hàng thân thiết đã từng mua trả góp với HD Saison, có lịch sử thanh toán tốt được xét duyệt các khoản vay phù hợp trước đây, đối tượng khách hàng sẽ được mở rộng dành cho cả khách hàng mới. CTTC Mirae Asset cho cán bộ công nhân viên vay tiêu dùng tín chấp, lãi suất từ 2%/tháng với số tiền cho vay lên đến 300 triệu đồng, thời gian vay 6-36 tháng. Dựa trên bảng tính tham khảo khoản tiền trả hàng tháng do các CTTC cung cấp, với khoản vay 20 triệu đồng thời hạn 24 tháng, cung cấp chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và chứng minh thu nhập, khách hàng vay tại Home Credit sẽ trả góp 1,184 triệu đồng/tháng, tại JACCS 1,104 triệu đồng/tháng. Cùng điều kiện nếu vay tại FE Credit sẽ phải trả gần 1,5 triệu đồng/tháng.

Mặc dù điều kiện vay tiền mặt khá hấp dẫn và có vẻ dễ tiếp cận, nhưng trong quá trình tìm hiểu, khi chúng tôi đưa ra đề nghị vay tiền mặt, nhân viên tư vấn của các CTTC này đều hỏi đã từng vay mua hàng trả góp với công ty chưa. Bởi công ty chỉ cho vay tiền mặt đối với những khách hàng đã từng có quan hệ vay mua hàng trả góp. Đồng thời, những trường hợp được vay vốn, khoản tiền trả góp hàng tháng cũng không thấp như mức tham khảo. Cụ thể, theo chị T.M.M ngụ quận 8, TPHCM, đầu năm 2016 chị vay trả góp của Home Credit 9,5 triệu đồng để mua một chiếc tivi. Mặc dù vẫn còn trả góp 3 tháng nữa mới hoàn tất nhưng nhân viên Home Credit đã gọi điện thông báo do lịch sử trả nợ tốt nên chị được ưu đãi vay tiền mặt lên đến 25 triệu đồng, thời hạn vay 24 tháng, lãi vay giảm đến 19%, trả 2,215 triệu đồng/tháng bao gồm gốc, lãi và bảo hiểm khoản vay. Theo tính toán, nếu vay vốn, tổng số tiền phải góp cho CTTC lên đến 53,16 triệu đồng, trong đó số tiền lãi và bảo hiểm khoản vay 28,16 triệu đồng nên chị không vay. Trong khi đó, chị tham khảo bảng tính công khai trên website của công ty, nếu vay 25 triệu đồng với thời hạn 24 tháng chỉ trả 1,753 triệu đồng/tháng. Con số này cho thấy sự chênh lệch giữa tính toán tham khảo và mức áp dụng thực tế đối với khách hàng rất lớn.

Về cách thức tính lãi vay tiền mặt, trao đổi với ĐTTC, nhân viên một CTTC cho biết các CTTC cho vay đối với khách hàng có độ tuổi tối thiểu 20 và không quá 60, có nguồn thu nhập ổn định, mức lãi suất cho vay tiền mặt áp dụng tùy theo đối tượng. Chẳng hạn, tại CTTC này khách hàng nhận lương tiền mặt trên 4,5 triệu đồng/tháng và doanh nghiệp thành lập trên 2 năm được áp dụng mức lãi suất 1,66-2,17%/tháng. Khách hàng đang tham gia bảo hiểm nhân thọ áp dụng mốc lãi suất duy nhất 1,66%/tháng. Ngoài ra, các khách hàng đứng tên trên hóa đơn tiền điện sẽ được xem xét để chia ra 3 mốc lãi suất cho vay, nếu chi tiêu từ 300.000 đồng đến dưới 500.000 đồng 2,95%/tháng, từ 500.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng 2,17%/tháng, từ 1 triệu đồng trở lên 1,66%/tháng.

Ảnh minh họa.

Dễ xảy ra nợ xấu

Theo TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học NH TPHCM, đối với việc cho vay tiêu dùng bằng tiền mặt, hiện nay không chỉ CTTC áp dụng mà các NH như HSBC, ANZ cũng gọi điện mời khách hàng vay thông qua thẻ tín dụng. Các TCTD cho vay tiêu dùng tiền mặt vì lãi suất cao và dựa trên dòng tiền ổn định từ tiền lương khách hàng. Tuy nhiên, hoạt động này rủi ro cao vì lãi suất quá cao. Ngược lại, những người cần vay tiền mặt thường có dòng tiền không ổn định và kẹt tiền cần phải vay gấp nên cũng rủi ro nợ xấu cho CTTC. Nhiều chuyên gia tài chính NH cho rằng không nên phát triển hình thức này. Mục đích của cho vay tiêu dùng để người dân mua hàng, không phải để sử dụng tiền. Nhưng nếu cho vay tiền mặt sẽ có nhiều trường hợp người dân thay vì mua hàng lại sử dụng tiền để đảo nợ, hoặc sử dụng cho những trường hợp cần tiền khẩn cấp.

Các chuyên gia tài chính cũng khuyến cáo, đối với vay tiêu dùng bằng tiền mặt, người vay không nên quá nóng vội mà cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Hiện nay, có khá nhiều nhân viên tư vấn muốn ký được hợp đồng vay vốn nên cố tình tư vấn sai, đưa ra mức thấp hơn khoản tiền góp hàng tháng, đến khi hoàn tất hợp đồng mới báo rõ cho khách. Vì vậy, trước khi vay nên tìm hiểu rõ về lãi suất vay, về lãi phạt nếu trả nợ trễ hạn, vấn đề bảo hiểm khoản vay… Các CTTC đang áp dụng bảo hiểm khoản vay 5-5,5% trên tổng số tiền giải ngân, nhưng đây là khoản bảo hiểm tự nguyện, không bắt buộc khách hàng tham gia. Một số nhân viên tư vấn lại không nhắc đền bảo hiểm khoản vay, dẫn đến khách hàng nhận tiền nhưng lại không biết về việc đã tham gia bảo hiểm khoản vay. Do vậy khi quyết định vay khách hàng nên tìm hiểu thật kỹ để tránh những rủi ro và khó xử sau khi giải ngân.

Thiên Minh

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161109/rui-ro-cho-vay-tien-mat.aspx