Rủ nhau nuôi thỏ, dân Yên Bái gặp khó vì bị nhà máy chê

Trước đây người nuôi thỏ trên địa bàn tỉnh Yên Bái luôn chật vật vì không tìm được nơi tiêu thụ, do đó khi Doanh nghiệp Quang Thanh - Lương Thịnh chính thức ký hợp đồng với Công ty Nippon Zoki Việt Nam để cung cấp thỏ nguyên liệu với số lượng lớn, bà con rất mừng. Tuy nhiên, do nuôi thỏ tự phát, không đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà máy nên nhiều người đang lâm vào cảnh tiêu thụ khó khăn.

Một trang trại nuôi thỏ Newzealand tại Yên Bái.

Từ năm 2015 trở về đây, với sự đầu tư có hệ thống của Tập đoàn Dược phẩm Nippon Zoki (Nhật Bản) bằng việc xây dựng Công ty TNHH Công nghệ sinh học Konishi Việt Nam (doanh nghiệp chế xuất 100% vốn đầu tư nước ngoài), việc tiêu thụ thỏ cho nông dân đã "dễ thở" hơn.

Sau một thời gian hoạt động thử nghiệm, đến tháng 1/2016, nhà máy Công nghệ sinh học Konishi Việt Nam chính thức đi vào hoạt động với công suất chế biến 5.000 con thỏ/ngày và xây dựng hệ thống các trang trại chăn nuôi thỏ cũng như ký kết hợp đồng chăn nuôi, cung cấp thỏ Newzealand thương phẩm cho Công ty.

Đối với tỉnh Yên Bái, ngày 7/9/2015, Doanh nghiệp Quang Thanh - Lương Thịnh chính thức ký hợp đồng kinh tế với Công ty Nippon Zoki Việt Nam và là doanh nghiệp chuyên cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Công nghệ sinh học Konishi Việt Nam tại Khu Công nghiệp Quế Võ.

Đồng thời, việc đầu tư xây dựng trại chăn nuôi và chế biến thỏ tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn của Công ty Nippon Zoki Việt Nam, cũng đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân Yên Bái từ nghề chăn nuôi giống thỏ Newzealand.

Trại nuôi thỏ New Zealand tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Ảnh: Internet

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều các mô hình chăn nuôi thỏ tự phát tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh lại lâm vào tình trạng không có đầu ra cho sản phẩm, trong khi nguồn cung cấp thỏ thương phẩm cho Công ty Nippon Zoki Việt Nam vẫn đang thiếu hụt.

Nguyên nhân chính là do người dân tự ý xây dựng chuồng trại, mua thỏ giống về nuôi không theo quy trình kỹ thuật của Công ty, nên sản phẩm thỏ thương phẩm sau chăn nuôi không đạt tiêu chuẩn và không được Công ty thu mua.

Hiện nay, trên địa bàn một số tỉnh phía Bắc như: Yên Bái, Phú Thọ, Lao Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang... thì đầu mối duy nhất có đủ tư cách pháp nhân, chức năng và năng lực để ký kết hợp đồng cung cấp con giống, vật tư, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm thỏ Newzealand thương phẩm cung cấp cho Công ty Nippon Zoki Việt Nam là Doanh nghiệp Quang Thanh - Lương Thịnh, đóng tại thôn Lương Môn, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Nhiều hộ nuôi thỏ đang gặp khó trong khâu tiêu thụ do nuôi thỏ tự phát, không đảm bảo quy trình kỹ thuật nên không được nhà máy thu mua. Ảnh minh họa

Công ty Quang Thanh - Lương Thịnh hiện có 200 trại chăn nuôi thỏ vệ tinh với quy mô từ 200 con thỏ/trại trở lên. Hiện nay, Công ty đang cung cấp cho Công ty Nippon zoki Việt Nam trung bình 1.500 con thỏ Newzealand thương phẩm/tháng và tiến tới phấn đấu số lượng cung cấp đạt 3.000 con/tháng và tăng dần theo các năm.

Đây là cơ hội phát triển kinh tế bền vững từ nghề chăn nuôi thỏ của người dân Yên Bái. Bởi vậy, chính quyền các cấp và ngành chuyên môn, người dân cần có giải pháp hợp tác với Công ty Quang Thanh - Lương Thịnh để được tiếp cận quy trình kỹ thuật, phương thức đầu tư... nhất là hợp tác với Công ty Quang Thanh - Lương Thịnh trong việc tiêu thụ thỏ thương phẩm.

Làm được như vậy, chắc chắn việc chăn nuôi thỏ sẽ khai thác tốt tiềm năng lao động, đất đai và trở thành cơ hội làm giàu bền vững cho nông dân Yên Bái.

Theo Hoàng Minh Tuân (Báo Yên Bái)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/ru-nhau-nuoi-tho-dan-yen-bai-gap-kho-vi-bi-nha-may-che-782782.html