Rớt nước mắt thương người tật nguyền tử vong vì nổ bốt điện

Ông Vũ Đình Thái sinh ra đã có sức khỏe yếu, năm lên 5 tuổi, trong một trận sốt cao, ông Thái chân tay co giật, từ đó mắc chứng tật nguyền, không đi lại được như người bình thường.

Có mặt tại con ngõ nhỏ trên đường Lê Lợi (Hà Đông – Hà Nội), hỏi thăm về nhà ông Vũ Đình Thái (63 tuổi) – nạn nhân tử vong trong vụ nổ bốt điện trên phố Trưng Nhị (Hà Đông) ai ai cũng biết. Dư âm về vụ nổ kinh hoàng ngày 17/11 như vẫn còn đọng lại với mỗi người dân nơi đây.

Con ngõ nơi xảy ra sự việc.

Không khó để chúng tôi tìm về nhà ông Vũ Đình Thái, ngôi nhà nhỏ bé nằm lọt thỏm trong con ngõ số 49 Lê Lợi. Những ngày qua, các thành viên trong gia đình đã quá mệt mỏi với việc lo tang lễ cho ông Thái, chăm sóc sức khỏe cho bà Nguyễn Thị Hạnh (55 tuổi, vợ ông Thái – nạn nhân thứ hai đang điều trị tại bệnh viện trong vụ nổ bốt điện).

Chị Vũ Thị Ngọc Bích - con gái cả của ông Thái nghẹn ngào chia sẻ: “Gia đình tôi hiện đang rất đau lòng khi cả bố và mẹ đều gặp nạn, cha tôi do sức khỏe yếu nên không qua khỏi, mẹ tôi thì đang điều trị trong bệnh viện trong tình cảnh ngàn cân treo sợ tóc”.

Chị Bích cho hay, những ngày qua, các thành viên trong gia đình phải chạy đôn chạy đáo rất nhiều việc, hết lo tang lễ cho bố rồi lại phải cắt cử người trông nom, chăm sóc sức khỏe cho mẹ đang điều trị trong bệnh viện.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, chị Bích cho hay, ông Vũ Đình Thái sinh ra đã có sức khỏe yếu, năm lên 5 tuổi, trong một trận sốt cao, ông Thái chân tay co giật, từ đó mắc chứng tật nguyền, không đi lại được như người bình thường.

Lớn lên, duyên phận đưa ông Thái và bà Nguyễn Thị Hạnh đến với nhau, bà Hạnh lấy ông Thái vì cái tính thật thà, tốt bụng và tình yêu ông đã dành cho bà, phần vì bà cũng muốn chăm sóc cho Thái vì ông là người tàn tật.

Di ảnh ông Vũ Đình Thái.

Cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn khi ông Thái và bà Hạnh sinh được hai người con gái. Để có tiền nuôi con, bà Hạnh nghĩ cách tìm thêm việc làm, công việc khả dĩ nhất là bán hàng nước, công việc không mây nặng nhọc mà bà cũng có thời gian chăm sóc chồng.

Hơn 20 năm, hai cô con gái của ông Thái được nuôi nấng từ tiền bán trà đá vỉa vè của bà Hạnh. Mỗi lần đi bán hàng, bà lại đưa ông Thái đi cùng để tiện chăm nom và đỡ đần những việc vặt…

Chị Bích cho biết: “Bố mẹ tôi đi bán hàng nước, ngày đắt khách ngày không, nhưng được mọi người trong khu phố giúp đỡ, khi hết nước nóng thì có người gần đó cho, lúc trái nắng trở trời lại có người giúp đỡ dọn hàng. Mọi người thương hai vợ chồng già nên cũng thường xuyên ủng hộ, uống nước cho quán thêm đắt khách…”.

Cũng theo chị Bích, ngôi nhà nhỏ gia đình chị đang ở được Nhà nước hỗ trợ, chiếc xe lăn ông Thái sử dụng cũng đến từ tiền hỗ trợ của Nhà nước. Tai nạn đau lòng xảy ra với ông Thái và bà Hạnh khiến cả gia đình suy sụp.

“Cha tôi thì đã mất, mẹ tôi cũng được các bác sỹ tiên liệu khó qua khỏi. Nhưng dù chỉ còn một tia hy vọng chúng tôi cũng sẽ cố gắng chạy vạy để lo liệu tiền điều trị cho mẹ.” – Chị Bích nghẹn ngào chia sẻ.

Trước đó, vào khoảng 15h ngày 17/11 tại đường Trưng Nhị, Hà Đông, một vụ nổ bốt điện xảy ra khiến 5 người bị thương và đã có 1 nạn nhân tử vong. Theo Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, nguyên nhân của vụ nổ bốt điện ở Hà Đông là do trong quá trình đóng điện vận hành không tải trước khi đưa vào vận hành chính thức, máy biến áp đã bất ngờ tràn dầu, gây cháy.

Người dân khu vực này cho biết thêm rằng, vào sáng ngày 17/11, bốt điện này đã nổ một lần nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng. Sau đó đã có một nhóm thợ đến sửa chữa, kiểm tra. Khoảng 2 tiếng sau bốt điện phát nổ lớn hơn, gây ra thảm kịch.

Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Bộ luật Dân sự 2005)

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

Xuân Tùng

Nguồn: Tinnhanhonline.vn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/gia-canh-eo-le-cua-cu-ong-tat-nguyen-tu-vong-do-no-bot-dien-a170865.html