Rooney: Có sa cơ mới rõ giá trị của người đàn ông đích thực

Có lẽ, hiếm cầu thủ ngôi sao người Anh nào có khả năng giữ được sự “an toàn” trước truyền thông của Vương quốc này, kể cả đó là một David Beckham.

Rooney: Có sa cơ mới rõ giá trị của người đàn ông đích thực

Nên nhớ, tiền vệ này cực chuyên nghiệp trong xây dựng hình ảnh (Beckham được chăm sóc hình ảnh bởi công ty Creative Artists Agency, một công ty chuyên xây dựng hình ảnh cho sao Hollywood). Và Rooney cũng vậy thôi. Gã Shrek của Man United thực tế luôn là nạn nhân của truyền thông, nhất là khi anh bắt đầu ở bên kia sườn dốc của phong độ.

1. Khi Sam Allardyce tuyên bố ở lần tập trung đội tuyển đầu tiên của ông (và rủi ro thay, nó cũng là lần cuối cùng) rằng "Rooney có thể chơi ở bất kỳ vị trí nào anh ta muốn", báo chí đã diễn dịch theo một chiều hướng khác.

Họ khiến độc giả nghĩ rằng chính Rooney mới là người quyết định đội hình ra sân của Tam sư. Sự căm ghét dành cho anh càng lớn hơn, đặc biệt là sau một quá trình anh bị chỉ trích ở Man United, bởi ngay cả những đồng đội cũ của mình như Paul Scholes và Neville.

Ít ai biết, trên chuyến bay của đội tuyển Anh sau trận thắng với Allardyce đó, Big Sam đã nói với Rooney rằng "Tôi sai lầm rồi. Tôi để họ hiểu lầm về cậu". Rooney không trách cứ Big Sam, nhưng bây giờ anh đã không còn cơ hội để "gỡ" lại những hiểu lầm đó, bởi Big Sam có lên tiếng thanh minh cho anh lúc này cũng chỉ là vô ích mà thôi.

Nhưng truyền thông Anh dường như vẫn chưa muốn buông tha cho Rooney. Đúng ngày sinh nhật lần thứ 35 của Ibrahimovic, tờ Daily Mirror dàn một trang đầy "xúc phạm" đội trưởng đội tuyển Anh.

Họ đưa ảnh của Rooney đứng cạnh Ibra, và so sánh một phép so sánh rất tệ: Ibra 35 vs Rooney 30. Tất nhiên, phép so sánh chủ đích công kích ấy toàn các con số có lợi nghiêng về Ibra. Kèm theo đó là nhận xét của Herrera: "Tôi nghĩ Ibra mới chỉ 28 tuổi thôi".

Có lẽ, chỉ khi Rooney sang Trung Quốc, giã từ ĐTQG, hoặc thậm chí giải nghệ luôn, truyền thông Anh mới thỏa mãn thì phải? ĐTQG vốn được họ gán cho một sức mạnh đầy ảo tưởng không thành công trên mọi đấu trường đã 50 năm nay rồi và dường như các thất bại của thời kỳ đương đại này phải được quàng trách nhiệm lên một người duy nhất: Đội trưởng.

Và Rooney trở thành nạn nhân một cách dễ hiểu như thế.

2. Còn chúng ta, những người nhìn Rooney chơi trên sân, cũng có quan điểm rằng anh còn ở lại, Man United còn tệ hại, anh còn mang băng đội trưởng, đội tuyển Anh còn chơi "vô hồn vất vưởng", cũng sẽ dễ đồng tình với những dè bỉu Rooney như thế.

Đúng, xét về chuyên môn, Rooney đáng bị chê trách ở thời gian gần đây. Nhưng Rooney không chỉ là một tuyển thủ, anh ấy còn là một con người. Và ở khía cạnh con người, Rooney là một người đàn ông đích thực mà chúng ta phải kính phục.

Rooney rút lui, nhưng để hẹn một ngày quay lại.

"Tôi đã chơi rất tệ trong trận gặp Watford. Tôi chơi tệ. Tôi hiểu điều đó. Và vì thế, tôi không xứng đáng được ra sân ở các trận sau. Nhưng tôi sẽ nỗ lực, tôi sẽ chiến đấu vì vị trí của mình", Rooney đã nói như thế trong cuộc phỏng vấn gần nhất.

Chắc chúng ta ngạc nhiên về việc thừa nhận phong độ yếu kém của mình từ Rooney. Ít cầu thủ dám thẳng và thật như thế. Nhưng Rooney đã làm, như một người đàn ông, như một người Anh lịch lãm.

Trong câu nói của Rooney có 2 từ mà chúng ta nên nhớ đến. Thứ nhất là "xứng đáng" và thứ hai là "vị trí". Khi một người tự thừa nhận mình không xứng đáng với kỳ vọng mà HLV, đồng đội và CĐV đặt ra, anh ta phải biết cách rút lui.

3. Rooney biết cách rút lui, nhưng đó không phải là rút lui kiểu đầu hàng. Anh rút lui theo cách của người đàn ông, lui lại để chuẩn bị năng lượng cho một cuộc cạnh tranh khốc liệt, không chỉ vì vị trí trên sân mà còn vì vị thế của một con người.

Trong thế giới bóng đá đầy tinh quái, không phải ai cũng là người thẳng thắn và trọng danh dự đến tận cùng như thế. Đơn giản, khi đã để quyền lợi riêng chi phối, người ta dễ lựa chọn cách hành động khôn khéo để sao cho trọn vẹn nhất quyền lợi của mình.

Rooney đã không làm vậy, anh lựa chọn danh dự bởi trước khi nghĩ mình là một cầu thủ, anh nghĩ đến mình như một người cha.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là thái độ của người Anh với Rooney sẽ thế nào, có thay đổi không? Dư luận mà. Rất khó. Nhưng cũng chính họ có thể sẽ lại nhảy dựng lên nếu Rooney giã từ ĐTQG mà FA quên không tổ chức một trận chia tay cho ra trò. Dễ hiểu, dư luận luôn cần một ai đó để trút giận. Hôm nay là Rooney, ngày mai sẽ là bất kỳ ai khác…

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/rooney-co-sa-co-moi-ro-gia-tri-cua-nguoi-dan-ong-dich-thuc-20161005144449537.htm