Rối nước Nhân Hòa bao giờ được 'gỡ khó'?

Xã thuần nông Nhân Hòa, nơi sinh ra một 'báu vật' văn hóa dân gian - rối nước, từ xa xưa đã được người dân miền biển Vĩnh Bảo, Hải Phòng mệnh danh là 'đất ăn chơi'. Nhưng bây giờ, ở vùng 'đất lề quê thói' ấy, những người già thường than phiền rằng, bọn trẻ khó có đủ kiên nhẫn để ngồi xem hết một tích trò chứ chưa nói đến việc theo học 'ngành' rối cổ truyền. Cũng phải thôi, vì ngay những bậc cây cao bóng cả ở đây, cho đến bây giờ cũng không dám tự tin khẳng định rối nước Nhân Hòa vốn một thời lừng danh trên sân khấu toàn quốc, sẽ tồn tại vững bền như nó lẽ ra phải thế.

Chuẩn bị cho một "sô" diễn mới. Ảnh: Lê Thị Hải Lưu

"Báu vật trăm năm" say lòng khán giả

Trong tiếng nhị, tiếng kèn réo rắt mời gọi, tiếng trống thì thùng giục giã, những con rối ngộ nghĩnh lắc lư, nhảy múa trên mặt nước. Phía trong thủy đình, các nghệ nhân nam, nữ, toàn thân đều được "bó" trong bộ quần áo nhựa chuyên dụng chống ngấm nước, hai tay thoăn thoắt những chiếc cần điều khiển con rối. Phía xa ven hồ, mấy anh, mấy chị mắt phượng, mày liễu nhưng vẫn dung dị một vẻ đẹp thôn dã đang hát và thoại lời nhân vật. Đó là cảnh thỉnh thoảng vẫn thấy ở làng Nhân Mục, nơi nghề rối Nhân Hòa "phát tích" thông qua hoạt động của phường rối có danh xưng cùng với tên làng.

Độc đáo và đặc sắc - đó là những mỹ từ mà các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thường dùng khi nói về nghệ thuật rối nước Nhân Hòa. Quả vậy, ra đời từ những năm đầu thế kỷ XX, trải qua bao thăng trầm lịch sử, các tích trò cổ của rối nước Nhân Hòa vẫn lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành một món ăn tinh thần đặc sắc, không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu giải trí của người dân địa phương, mà còn có hấp lực rất lớn đối với du khách ưa tìm tòi và trân quý vốn văn hóa truyền thống.

Trước đây, với người Nhân Hòa, những con rối luôn là hình tượng tự hào và có phần linh thiêng, vì chúng thường được hóa thân vào các nhân vật trong các tích cổ để phục vụ các dịp lễ lạt cầu mong mưa thuận gió hòa, cũng như thỏa mãn nhu cầu thưởng thức văn hóa của người trong làng, ngoài tổng. Với nghệ thuật điều khiển vô cùng linh hoạt của các "nghệ nhân chân đất", những "nhân vật" tưởng như vô tri vô giác ấy được thổi hồn qua các màn diễn, chuyển động uyển chuyển, nhịp nhàng trong thủy đình, đặt giữa hồ nước trước ngôi đình cổ kính, làm say lòng bao thế hệ khán giả.

"Chỉ ngồi trên bờ xem biểu diễn, người ta cứ ngỡ việc điều khiển con rối đơn giản, dễ dàng. Thực ra, đây là cả một nghệ thuật điêu luyện, đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo. Các nghệ nhân phải nắm được cái hồn của tích trò và có sự phối hợp nhuần nhuyễn với những người cùng trong kíp diễn..." - ông Trần Văn Khải, một bậc cao niên trong làng Nhân Mục cho biết. Theo ông Khải, trước kia, các tích trò nổi tiếng của rối nước Nhân Hòa là các trò thuộc tích cũ như "Đơm cá", "Chú Tễu ở cửa đình", "Đánh cáo"...

Những năm gần đây, các nghệ nhân còn sáng tác thêm hàng chục tiết mục mới, điển hình như "Tát nước", "Cày bừa", "Bơi chồng người", "Chọi trâu", "Vua Hùng kén rể"... với sự "tham gia" biểu diễn của hàng trăm con rối khác nhau. Bằng nhiệt huyết và sự khổ luyện, các nghệ nhân phường rối Nhân Mục, mỗi khi ngơi tay cày, tay cuốc lại cùng nhau tụ họp, biến những con rối thành những "diễn viên" có duyên kể chuyện về những mạch ngầm lịch sử dân tộc, cuộc sống chân chất sau lũy tre làng của những người nông dân.

Tiết mục "Câu ếch" rất hấp dẫn các khán giả nhí. Ảnh: Lê Thị Hải Lưu

Bao giờ sống được với nghề?

"Đến với những màn diễn của phường rối nước Nhân Mục, người xem không chỉ được sống trong không khí hội hè của làng quê Việt Nam, mà còn được hòa mình vào không gian nghệ thuật truyền thống khi trực tiếp tham quan hậu trường biểu diễn rối nước, chứng kiến các nghệ nhân gìn giữ, truyền lửa cho cư dân địa phương cũng như khách du lịch thông qua sự độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật rối bản địa..." - ông James Saw, một chuyên gia nghiên cứu văn hóa phương Đông, đang làm việc tại Đại học Tổng hợp Adelaide, Australia nhận xét sau khi được thưởng lãm một "sô" diễn của phường rối Nhân Mục. "Đến Việt Nam du lịch mà không được thưởng thức nghệ thuật dân gian, đặc biệt là rối nước thì quả là một thiệt thòi lớn..." - bà Wolfgang Wan, người bạn đời của ông James Saw tiếp lời chồng.

Những ghi nhận của khách du lịch quốc tế như vợ chồng ông James Saw cũng như khán giả trong nước về rối nước Nhân Hòa thật đáng tự hào. Trên thực tế, trong những năm qua, đã có nhiều cơ quan, tổ chức văn hóa về Nhân Mục tham quan, nghiên cứu và không ít cuộc tọa đàm, hội thảo về loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo này đã được tổ chức. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy một cách bền vững rối nước Nhân Hòa đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn, khiến những người có trách nhiệm tại địa phương cũng như các bậc cao niên trong phường rối rất lo lắng về nguy cơ mai một đang ngày càng hiện hữu.

"Các nghệ nhân rối ở Nhân Hòa đều là nông dân, lại đã có tuổi. Nhiều người dù rất yêu nghề, nhưng sớm muộn cũng phải chia tay với nghiệp múa rối, trong khi lớp trẻ chẳng thiết tha gì với nghề cha ông truyền lại, bởi thu nhập mỗi buổi diễn kéo dài mấy giờ đồng hồ khá cực nhọc chỉ được vài ba chục nghìn. Đấy là chưa kể đến việc theo nghề đòi hỏi kỳ công, nào là học lời, học làn điệu hát, học nghệ thuật điều khiển con rối, cần phải có thời gian dài và đặc biệt là sự yêu thích tự nguyện với loại hình truyền thống này...".

Nghệ nhân Trần Văn Phước, Trưởng phường múa rối Nhân Mục tâm sự.

Theo ông Trần Văn Đôn, một cựu cán bộ văn hóa xã Nhân Hòa, không kể những thành tích nổi danh từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, bộ sưu tập huy chương của rối nước Nhân Hòa hiện đã khá "dày", điển hình như Huy chương Vàng Liên hoan nghệ thuật rối nước dân gian Festival Huế 2004; 2 Huy chương Vàng và Bạc tại Liên hoan rối nước không chuyên toàn quốc 2005; 2 giải A Liên hoan múa rối dân gian toàn quốc 2011... Sở hữu những giải thưởng đáng nể này, thật "khó tin" khi chuyện nối nghiệp và giữ nghề vẫn luôn là sự trăn trở của các nghệ nhân phường rối Nhân Mục.

Nghệ nhân Trần Văn Phước, Trưởng phường múa rối Nhân Mục lý giải, vì ngày càng hiếm người theo nghề nên nguy cơ mai một nghề rối truyền thống ở Nhân Hòa ngày càng hiển hiện. Trong khi đó, tiếng là được "hưởng lợi" từ tuyến du lịch "Du khảo đồng quê" của ngành du lịch Hải Phòng, nhưng khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến với rối nước Nhân Hòa hiện nay rất thưa thớt, khiến phường rối hoạt động cầm chừng. Trong điều kiện nhà thủy đình xây dựng từ năm 1994 bắt đầu xuống cấp, cơ sở vật chất phục vụ biểu diễn thiếu thốn, khó có thể mở rộng và phát triển nghề rối nước ở làng, chưa nói đến đào tạo nghề.

Bởi vậy, những người yêu rối nước Nhân Hòa hy vọng, trong thời gian tới sẽ được các ban, ngành chức năng quan tâm "gỡ khó" không chỉ về kinh phí bảo tồn, mà còn là việc tổ chức, liên kết, với nhiều hợp đồng biểu diễn, tạo điều kiện cho họ có thể sống được bằng nghề. Có như vậy, mới giúp họ gắn bó lâu dài với nghệ thuật truyền thống, tiếp tục duy trì và phát triển nghệ thuật múa rối nước, vốn được xem là báu vật dân gian truyền thống độc đáo này.

Lê Thị Hải Lưu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/roi-nuoc-nhan-hoa-bao-gio-duoc-go-kho/