Rơi nước mắt khi “liệt sĩ” trở về

Gần 20 năm, sau ngày gia đình nhận được giấy báo tử, “liệt sĩ” Bùi Văn Mảng bất ngờ trở về, làng xóm mừng lắm, nhưng bao nhiêu mừng là bấy nhiêu tủi…

Ông Mảng thường xuyên được y, bác sỹ khám, cấp thuốc điều trị bệnh

Ông Bùi Văn Mảng (SN 1957, ở xóm Cối, xã Lạc Lương, Yên Thủy, Hòa Bình) nhập ngũ tháng 5/1978.

Năm 1992, gia đình ông nhận được giấy báo tử và được Nhà nước cấp bằng “Tổ quốc ghi công”.

Ngày 11/ 9/2010, ông bất ngờ trở về.

Khi làng xóm vui mừng chưa hết, ông Mảng đã kiệt quệ, bệnh tật vì tù đày và lang thang, lưu lạc; vợ tái giá khi nhận được tin ông hy sinh; con trai duy nhất bị chết vì tai nạn giao thông. Gia đình người em gái quá nghèo không thể cưu mang được người anh ốm yếu, bệnh tật… “Liệt sĩ” Bùi Văn Mảng được chính quyền địa phương và gia đình gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Hòa Bình nuôi dưỡng và chữa trị bệnh.

Chớm tuổi 60 mà nhìn ông Mảng như người ngoài 70 tuổi, gầy gò, khuôn mặt hốc hác, đôi mắt đờ đẫn, hai bàn tay run rẩy… Ông Đinh Văn Đức, Phó Giám đốc Trung tâm BTXH cho biết: Ông Mảng được Trung tâm quan tâm chăm sóc với chế độ đặc biệt so với các bệnh nhân tâm thần khác trong khoa. Vì sức khỏe của ông yếu, vết thương thường xuyên tái phát, do hậu quả của những năm tháng tù đày và lưu lạc.

Theo tài liệu của các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, tháng 5/1978, ông nhập ngũ, huấn luyện tại Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 854, Quân khu 3.

Năm 1979, xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, ông Mảng được điều về Tiểu đoàn 5, Sư đoàn 4, Quân khu 9 (Bộ đội Tình nguyện Việt Nam).

Năm 1984, trong khi đi làm nhiệm vụ kiểm tra đường dây thông tin liên lạc tại khu vực núi Bến Đá, tỉnh Kô Kông (địa bàn giáp ranh biên giới hai nước Campuchia và Thái Lan), ông bị quân đội Thái Lan bắt và đưa về Trại giam Khảo Đáng - Băng Cốc.

Ông Mảng bị giam cầm, lao động cực khổ, kìm kẹp… khiến ông hỏng mắt trái, cụt một đốt ngón tay trỏ bên tay trái và nhiều vết thương trên đầu, khắp cơ thể.

Năm 1990, trong 1 lần vào rừng khai thác gỗ, lợi dụng sơ hở của lính gác, ông đã chạy trốn về phía biên giới Campuchia.

Tại đây, ông làm quen với gia đình ông Tha, một ngư dân chuyên nghề khai thác cá trên biển và được ông Tha nhận vào làm thuê.

Năm 1999, ông bỏ nghề cá về ấp Trần Ka Chêch Xa Phéch Cla, huyện Tức Nưa, tỉnh Cam Pốt và được gia đình bà Khớt, người Campuchia giúp đỡ, đùm bọc, nhận làm chị em kết nghĩa.

Năm 2007, vợ chồng ông bà Khớt qua đời, ông vẫn ở lại làm thuê cho con bà Khớt.

Năm 2009, trong khi phục vụ khách ăn, ông Mảng quen biết một người Việt Nam tên là Lâm sang làm ăn ở Campuchia. Sau một thời gian quen biết, ông Lâm dẫn ông Mảng vượt biên giới Campuchia về Việt Nam.

Bà Bùi Thị Mảnh, em gái “liệt sĩ” Bùi Văn Mảng kể lại: “Đón anh về gia đình, họ hàng, làng xóm mừng lắm. Nhưng mừng bao nhiêu lại buồn tủi bấy nhiêu. Anh ốm yếu, kiệt sức, người lúc nào cũng lơ ngơ, hốt hoảng như tâm thần. Lúc đi bộ đội, con trai anh ấy mới 4 tuổi. Năm 1992, nhận được giấy báo tử, vợ anh tái giá. Năm 2006, con trai anh bị tai nạn giao thông chết. Không nhà cửa, không vợ con. Anh em nương tựa vào nhau, cơm cháo qua ngày. Nhưng gia đình quá nghèo nên phải nhờ chính quyền làm thủ tục gửi anh vào Trung tâm BTXH tỉnh để chăm sóc, điều trị bệnh, thương anh lắm mà không biết làm thế nào được”.

Sự trở về của “liệt sĩ” Bùi Văn Mảng là sự kỳ diệu, nhưng cũng gợi lên nhiều nỗi niềm trăn trở. Gần 30 năm tù đày, lưu lạc, trong đó hơn 20 năm là “liệt sĩ”, một con người chỉ còn thân xác trở về, không có giấy tờ cần thiết. Đến bao giờ và liệu rằng ông Mảng có được hưởng các chế độ, chính sách hay không?.

Hồng Bài

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/roi-nuoc-mat-khi-liet-si-tro-ve_t114c1159n106777