Robot công nghiệp, tử huyệt của kinh tế Trung Quốc

Sau hơn 3 thập kỷ tăng trưởng ấn tượng, động lực sản xuất của Trung Quốc đã đình trệ dần và nước này sẽ nhanh chóng mất lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

Nhiều năm qua, người ta biết đến Trung Quốc như là công xưởng của thế giới, tuy nhiên vài năm tới điều này sẽ không còn nữa khi lợi thế hàng giá rẻ của Trung Quốc đang ngày càng suy giảm. Hiện với mức lương quá cao, bất ổn trong lao động (nhiều vụ biểu tình, đình công lớn đã diễn ra), môi trường bị ô nhiễm nặng và hành vi ăn cắp công nghệ, Trung Quốc không còn là "địa điểm lý tưởng" để các công ty nước ngoài đến đầu tư.

Ngoài ra, công nghệ phát triển nhanh cũng giúp loại bỏ những lợi thế về chi phí lao động, khiến các công ty có thể vẫn có nhiều lợi nhuận nếu đặt nhà máy sản xuất ở châu Âu, Mỹ.

Nhận thức rõ điều này, Trung Quốc đang tập trung vào một hướng đi mới là phát triển công nghệ cao nhằm lấy lại thế chủ động, sự cạnh tranh trong thị trường hàng hóa toàn cầu.

Hồi tháng 5.2015, Trung Quốc đã ra kế hoạch 10 năm với tên gọi là "Made in China năm 2025" với mục tiêu đầy tham vọng là hiện đại hóa các nhà máy của nước này bằng các công nghệ sản xuất tiên tiến như người máy, máy in 3D và Internet cấp độ công nghiệp.

Tiếp đó, tháng 7.2015, Trung Quốc ban hành một kế hoạch quốc gia có tên là Internet Plus nhằm "tích hợp Internet di động, điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu khổng lồ và "Internet of things" (hệ thống kết nối các thiết bị thông qua mạng) với sản xuất hiện đại".

Trung Quốc đang tập trung vào điều này và biến nó thành một ưu tiên lớn được đầu tư ở cấp quốc gia. Chỉ riêng tỉnh Quảng Đông đã cam kết chi 150 tỉ USD để trang bị các robot công nghiệp và tạo ra hai trung tâm tự động hóa tiên tiến.

Không có khả năng cạnh tranh

Tuy nhiên, vấn đề không phải là ở chuyện chi bao nhiêu tiền mà là Trung Quốc không thể "chiến thắng" trên mặt trận công nghệ cao vì họ không có ưu thế cạnh tranh.

Thật vậy, mô hình phát triển của Trung Quốc nhiều năm qua chủ yếu tới từ trợ cấp ưu đãi của địa phương, lao động giá rẻ và những quy định lỏng lẻo về môi trường. Trong khi đó các công nghệ như robot tự động hóa và in 3D lại không phải là thế mạnh của nước này.

Điều quan trọng là robot tại Mỹ cũng phải làm việc nặng như robot tại Trung Quốc. Chúng không biết phàn nàn, không tham gia nghiệp đoàn. Tất cả những gì chúng tiêu thụ chỉ là điện năng và làm đúng những gì đã được lập trình.

Điều đó có nghĩa người Mỹ sẽ không cần thiết phải vận chuyển nguyên phụ liệu đến Trung Quốc để lắp ráp thành phẩm và chuyển ngược lại Mỹ. Nền sản xuất hàng hóa ở cấp độ robot đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất hàng hóa ở các nước là gần như không chênh lệch. Với việc loại bỏ vận tải hàng hóa qua lại giữa nhiều quốc gia, những món hàng đúng ra được hoàn thành ít nhất trong một tuần nay có thể được sản xuất trong một ngày trong vài năm tới và ô nhiễm môi trường sẽ giảm do giảm bớt hoạt động vận tải.

Hiện hầu hết các robot công nghiệp không được thiết kế và chế tạo tại Trung Quốc. Theo phân tích của chuyên gia Dieter Ernst của Trung tâm Đông - Tây (Trung tâm nghiên cứu, thúc đẩy quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương do Quốc hội Mỹ thành lập từ năm 1960) thì đến 75% robot mà các nhà công nghiệp Trung Quốc đang sử dụng có nguồn gốc từ nước ngoài và Trung Quốc buộc phải phụ thuộc vào các thành phần cốt lõi từ Nhật Bản.

Theo ông Ernst, hiện có tới 107 công ty Trung Quốc sản xuất robot công nghiệp, nhưng chất lượng, tiêu chuẩn an toàn của những robot mà họ chế tạo đều ở mức thấp và hình thức cũng không đẹp. Chuyên gia Ernst nhận định rằng sẽ không nhiều công ty sản xuất robot tại Trung Quốc tồn tại trong thời gian tới nếu tiếp tục tình hình như hiện tại.

Chất lượng đào tạo lao động quá kém

Một vấn đề lớn hơn đối với Trung Quốc là lực lượng lao động của họ. Dù mỗi năm ngành giáo dục nước này cho "ra lò" tới hơn 1 triệu kỹ sư, nhưng chất lượng đào tạo quá kém khiến họ khó có được việc làm theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp.

Điều này đã được ghi nhận trong nghiên cứu mới đây của Đại học Duke và Đại học Harvard cho thấy là các nhà tuyển dụng phương Tây phải "tìm đỏ cả mắt" khi muốn tuyển dụng tài năng ngành kỹ thuật ở Trung Quốc.

Với ngành sản xuất chỉ là gia công thì vấn đề này không mấy nghiêm trọng, nhưng nó sẽ là thảm họa trong một nền sản xuất tiên tiến vốn đòi hỏi phải có kỹ năng quản lý, giao tiếp và khả năng vận hành các nhà máy dựa trên những dữ liệu phức tạp. Ông Ernst dự đoán rằng sự khan hiếm những kỹ thuật viên chuyên sâu sẽ là "gót chân Achilles" trong ngành sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc trong tương lai.

"Chết" vì ăn cắp công nghệ

Ăn cắp công nghệ vốn là "thế mạnh" của Trung Quốc trong nhiều năm qua, giúp nước này làm chủ được quy trình sản xuất kiểu cũ. Tuy nhiên, vấn đề chính là những quy trình sản xuất này đã quá lỗi thời so với ngành công nghiệp tiên tiến trong tương lai.

Ngược lại, nếu Trung Quốc giải quyết được hai bài toán quan trọng là nâng cao chất lượng robot công nghiệp và giải quyết vấn đề đào tạo của mình, họ sẽ nhanh chóng bị "gậy ông đập lưng ông" vì bị các doanh nghiệp phương Tây sao chép các công nghệ này.

Điều đó có nghĩa là Trung Quốc dù có thoát khỏi "gót chân Achilles" trong nền sản xuất của mình hiện tại, họ vẫn sẽ không thể nắm thế chủ động và trở thành công xưởng của thế giới trong những năm tới khi trình độ sản xuất của nhân loại đã tăng cao hơn.

Thiên Hà (theo The Washington Post)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/robot-cong-nghiep-tu-huyet-cua-kinh-te-trung-quoc-41493.html