RCEP: đối trọng, bổ sung và sức ép

SGTT.VN- Hiệp định RCEP có thể giúp hạn chế rào cản thương mại đối với từng quốc gia, nhất là các thành viên đang phát triển, nhưng cũng sẽ gây nhiều sức ép.

Tuần trước, trên đất Thái Lan, nhân kỷ niệm mười năm quan hệ “đối tác chiến lược” ASEAN-Trung Quốc (2003-2013), một số ý kiến đã đánh giá tích cực về thành tựu quan hệ và hợp tác giữa hai bên, góp phần vào phát triển và thịnh vượng ở khu vực. Từ khi quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc được thiết lập năm 1991 và nhất là trong mười năm gần đây, liên hệ kinh tế, thương mại, đầu tư… ngày càng phát triển sâu rộng và hiệu quả, hợp tác ngày càng mở ra nhiều lĩnh vực khác nhau, giao lưu người dân và văn hóa cũng được gia tăng. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc, với thương mại hai chiều đạt 400 tỉ USD năm 2012.

RCEP cũng là ASEAN+6

Trong bối cảnh đó, RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) là cơ chế đối tác kinh tế toàn diện khu vực, được thành hình với mục đích cạnh tranh với Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ khởi xướng với sự tham dự của 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhưng không có Trung Quốc. Sau chiến dịch tái tranh cử của mình hồi năm ngoái, Tổng thống Obama tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán TPP một cách mạnh mẽ, cố ý gây thêm áp lực với Trung Quốc. Trung Quốc cũng thấy một khi TPP thành công sẽ gây khó khăn cho mình. Do đó, để tránh xung đột trực tiếp và tránh bị Washington gây áp lực, Bắc Kinh chọn cách hỗ trợ cho một số nước ASEAN vay vốn, thúc đẩy thành lập cơ chế đối tác mới.

ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc, với thương mại hai chiều đạt 400 tỉ USD năm 2012.

RCEP bao gồm mười quốc gia ASEAN cộng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia, gọi tắt là ASEAN + 6. Tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan từng nhận định một RCEP thành công sẽ tiếp tục củng cố sự dịch chuyển quyền lực kinh tế toàn cầu từ phương Tây sang Châu Á. Giới phân tích cho rằng RCEP sẽ thúc đẩy kinh tế châu Á đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào thị trường phương Tây và Hoa Kỳ. Rõ ràng, RCEP sẽ trở thành một đối trọng đối với Hiệp định TPP giữa Mỹ và 11 quốc gia khác. Để cạnh tranh với TPP, trong dự thảo RCEP, các nước ASEAN dự tính bãi bỏ 95% thuế nhập khẩu.

Tại diễn đàn ASEAN-Trung Quốc, đã có nhiều đề xuất được đưa ra để tăng cường hơn nữa mối quan hệ thời gian tới. Các ý kiến nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường đối thoại, tham vấn và hợp tác về chính trị, an ninh, vì hòa bình, ổn định và phát triển; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư thông qua triển khai hiệu quả các hiệp định và cam kết trong khuôn khổ Hiệp định khu vực mậu dịch tự do, tăng cường nỗ lực sớm hoàn tất các đàm phán về RCEP, hướng tới mục tiêu đưa thương mại hai chiều đạt 500 tỷ USD vào năm 2015; phát huy tối đa hiệu quả các cơ chế hiện có để thúc đẩy giao lưu giữa người dân, doanh nghiệp và giáo dục, tăng cường hợp tác biển, thúc đẩy giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Tiếp cận khác nhau và sức ép

Nhìn tổng thể, hai hiệp định RCEP và TPP có những mục tiêu gần giống nhau là tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế. Tuy nhiên, tính cạnh tranh giữa hai cơ chế này có thể gây phân hóa các nước trong ASEAN khiến dư luận khu vực không khỏi quan ngại. Đi sâu vào bản chất, RCEP và TPP không chỉ có sự cạnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực châu Á-TBD của hai cường quốc Trung-Mỹ, mà cách tiếp cận của mỗi hiếp định cũng có sự khác nhau. TPP theo mô hình ưu tiên chất lượng, tiêu chuẩn cao về luật lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi RCEP lại hướng tới những tiêu chuẩn phù hợp, hạn chế rào cản thương mại đối với từng quốc gia, nhất là đối với các nước thành viên chậm và đang phát triển.

Thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc đạt 41 tỉ USD, với Hoa Kỳ là 25 tỉ USD. Các con số này cho thấy tham gia RCEP và TPP sẽ giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn, tạo ra khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhận được sự giúp đỡ công nghệ-kỹ thuật của các nước phát triển. Tuy nhiên, đồng nghĩa với nó là việc Việt Nam sẽ phải gánh chịu nhiều thách thức khi mở cửa thị trường, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, kể cả việc phải sửa đổi luật lao động, công đoàn, bồi thường thiệt hại, cải thiện nhân quyền và nhất là về sở hữu trí tuệ để phù hợp với những điều kiện của sân chơi và luật chơi mới. Đây có thể coi là “sức ép” khi Việt Nam đang là thành viên đàm phán ở cả hai cơ chế.

Tham gia các FTA, Việt Nam đã phải phải nhanh chóng hạ thấp thuế nhập khẩu đối với các nền kinh tế đã cam kết, trong đó có Trung Quốc là nước có nền kinh tế chủ yếu cạnh tranh chứ ít bổ sung cho ta. Bên cạnh những mặt “được” của việc mở cửa, như thu hút đầu tư nước ngoài, phát huy lợi thế so sánh tăng xuất khẩu, nền kinh tế nước ta cũng đối mặt với những thách thức rất lớn khi toàn bộ nền kinh tế chưa chuẩn bị đầy đủ trước những đối thủ cạnh tranh trong điều kiện các hàng rào bảo hộ đã sớm bị tháo bỏ. Đây chính là điều mà các chuyên gia cảnh báo, đó là khái niệm “bẫy tự do hóa mậu dịch” để chỉ nguy cơ sau khi mở cửa thị trường, những nước đi sau sẽ không còn nhiều cơ hội để chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa.

Hoàng Dũng Nhân

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/quoc-te/182138/rcep-doi-trong-bo-sung-va-suc-ep.html