Rất đáng xem 'Đáng sống'

Chùm ba phim ngắn với tên gọi "Đáng sống" tiếp tục là câu chuyện về tình yêu thương con người, yêu thương cuộc đời.

TS. Hoàng Thị Kim Dung - người sinh con bằng tinh trùng của người chồng mất vì tai nạn giao thông

Đạo diễn Đặng Hồng Giang nói vui rằng: Không có ý so sánh nhưng "Phải sống" của Trương Nghệ Mưu (Trung Quốc) đẩy nhân vật vào bi kịch tột cùng, còn trong phim “Đáng sống”, nhân vật từ bi kịch, tai ương đều tìm ra lối thoát cho mình để sống có ích, sống một cuộc đời tươi vui hơn.

Như vậy thực sự là "Đáng sống". “Đáng sống” là một bộ phim, nói đúng hơn là một chùm phim gồm 3 phim: “Mầm sống”, “Đáng sống”, “Một con đường”.

Phim mở đầu "Mầm sống", là một câu chuyện tình yêu. Một tiến sĩ, giảng viên đại học kể về chuyện tình của mình với người chồng đã mất do tai nạn giao thông. Khi chồng qua đời, nhìn anh trong bệnh viện, chị chỉ nghĩ, làm sao có thể giữ lại một chút gì đó của anh hiện hữu trên đời này. Giữ lại tinh trùng của chồng là mong muốn tức thời của chị.

May mắn thay chị đã làm được và 3 năm sau, mầm sống được tạo nên từ tinh trùng của người chồng đã khuất đã được ươm mầm trong chị. Ca sinh đôi của chị Hoàng Thị Kim Dung (tên nhân vật) khi ấy là một sự kiện đặc biệt của y tế Việt Nam và cũng là một câu chuyện xã hội gây xúc động lòng người.

“Đáng sống” kể câu chuyện về doanh nhân Tăng A Pẩu phát hiện mình bị ung thư đã chọn cách dành những năm tháng còn lại cho niềm say mê nhiếp ảnh và tình yêu thiên nhiên.

“Một con đường” kể câu chuyện về người nông dân Nguyễn Ngọc Triệu sống bằng nghề rà phá bom mìn. Trong trailer của bộ phim, câu nói của nhân vật: “Dân ở làng tôi thấy bom là họ mừng rồi” gợi đến cho người xem về những sự lựa chọn giữa hiện thực còn nhiều ngổn ngang, ẩn họa…

Mặc dù là 3 câu chuyện độc lập, với 3 tuyến nhân vật hoàn toàn khác nhau: Một là trí thức, một là doanh nhân còn người kia là nông dân, nhưng lại được xâu chuỗi bởi một thông điệp chính: Cuộc đời này không thiếu những khúc quanh bi thảm nhưng nếu biết lạc quan, tư duy tích cực để tìm ra lối thoát thì cuộc đời thực sự đáng sống với những niềm vui, những thành quả đáng tự hào.

Vẫn trung thành với thể loại phim tài liệu nhân vật (một thể loại phim không dễ hấp dẫn khán giả) nhưng Đặng Hồng Giang đã chứng minh ngược lại. Thể loại phim tài liệu nhân vật, nếu được làm nghiêm túc, lấy những câu chuyện nhân văn để khuyến khích con người sống đẹp hơn, yêu thương nhau hơn, thì người xem lúc nào cũng cần.

"Bạn tốt, tôi cũng tốt, người khác cũng tốt, vậy sao cuộc đời lại xấu, sao ta lại không thương yêu nhau", Đặng Hồng Giang chia sẻ.

Có lẽ đó là con mắt để Đặng Hồng Giang nhìn đời, nhìn người và làm nghệ thuật. Anh đã thành công với cách làm phim theo phong cách tài liệu hiện thực, để nhân vật tự kể câu chuyện của mình. Cách đây một năm, "Lửa Thiện Nhân" đã đem đến cho khán giả một câu chuyện chân thật, đầy tình nhân ái, khiến họ tin vẫn còn có nhiều điều tốt đẹp trên đời.

Bộ phim tài liệu ban đầu khó khăn khi ra rạp đã khiến các rạp lớn phải mời chiếu chứng tỏ khán giả rất cần những bộ phim về tình thương yêu, được làm một cách chân thật nhất - từ cuộc sống!

Đặng Hồng Giang cho biết, việc đưa phim tài liệu ra rạp với bất kì đạo diễn nào cũng rất khó khăn, cá nhân anh vẫn không ngừng nỗ lực với mong muốn thúc đẩy làn sóng làm phim tài liệu, và vẫn tin vào tương lai phim tài liệu tại Việt Nam.

Chùm phim "Đáng song" bắt đầu bấm máy từ tháng 11/2012 đến 11/2016 được hoàn thành.

4 năm bền bỉ cho một chùm phim dài 90 phút, kiếm tiền bằng các công việc khác để có thể hoàn thành đứa con tinh thần của mình, đạo diễn Đặng Hoàng Giang cho biết: "Thể loại phim hiện thực này không thể ăn xổi được".

Quả thực những hình ảnh đẹp và chân thực cùng chia sẻ của nhân vật trong phim đã thể hiện điều này.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/rat-dang-xem-dang-song-post180832.html