Rập rình ô nhiễm từ nhiệt điện than

Phát triển nhiệt điện than vẫn là giải pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra là phát triển phải bền vững.

Theo báo cáo của VSEA , nhiệt điện than đang là nguồn gây ô nhiễm không khi, nước. Ảnh: ST.

Ám ảnh

“Xu hướng chung là các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện. Đây là thời kỳ phát triển mạnh kinh tế, nhu cầu điện năng rất cao. Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và mới bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than”.

Ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng:

Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã khai thác triệt để nguồn năng lượng từ thủy điện. Và hiện nguồn năng lượng này đã không còn nhiều để khai thác. Chính vì thế, nhiệt điện than- nguồn năng lượng có chi phí rẻ sau thủy điện, được chú trọng phát triển và bắt đầu tăng trưởng từ sau năm 2000, khi Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2 đi vào sản xuất.

Theo đánh giá của ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, nhiệt điện than có nhiều ưu điểm như: Giá thành sản xuất thấp (khoảng 7cent/kWh); vốn đầu tư không quá cao, thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân (khoảng 1.500 USD/kWh); khả năng huy động công suất lớn nên sản lượng điện phát ra lớn; không lệ thuộc vào địa điểm như thủy điện, thời gian xây dựng cũng không quá lâu (khoảng 3 năm).

Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, nhiệt điện than đã làm dấy lên lo ngại về ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến đời sống của người dân. Còn nhớ, hồi đầu tháng 7-2015, tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) đã xảy ra 3 lần sự cố kỹ thuật dẫn đến hiện tượng tro bụi phát tán theo khói thải ra môi trường gây bức xúc cho người dân. Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh khóa XIV đã đi giám sát môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) đã nhận được ý kiến phản ánh rằng, từ khi nhà máy hoạt động đến nay đã gây ô nhiễm rất lớn, đặc biệt khói xả, bụi than và bụi xỉ. Nước thải cũng có vấn đề, có lúc làm chết cá, chết tôm của người dân.

Có cái nhìn bao quát hơn, báo cáo tổng hợp về tác động môi trường và xã hội của than và nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho thấy, các nhà máy nhiệt điện như Hải Phòng 1 và 2, Quảng Ninh, Thái Bình 1 và 2, Mạo Khê, Vĩnh Tân 2, Vũng Áng 1 và 2... đang là nguồn gây ô nhiễm không khí, nước. Hiện tại, cộng đồng dân cư xung quanh các nhà máy nhiệt điện than đang phải đối mặt với những lo lắng về ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng tới sinh kế. “Hơn 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đã cho thấy mối nguy hiện hữu cho môi trường, sức khỏe của người dân và gây áp lực cho các nhà quản lý", báo cáo của VSEA nêu rõ.

Không còn lựa chọn khác

Ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện than đã hiện hữu nên một số tổ chức kiến nghị Chính phủ dừng các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch chưa xây dựng để xem xét kỹ lưỡng hiệu quả lợi ích và tác động, tổn thất đối với toàn xã hội và nền kinh tế. Chính Bộ Công Thương đã phải công bố một loạt nhà máy nhiệt điện có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, việc dừng các dự án nhiệt điện than cũng như thay thế bằng nguồn năng lượng khác có lẽ là không khả quan. Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, sự phát triển các nhà máy nhiệt điện than là giải pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong thời gian tới bởi chi phí sản xuất thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào, các nguồn năng lượng khác như năng lượng tái tạo, nhiệt điện, khí, chưa có khả năng thay thế nhà máy nhiệt điện than. “Không chỉ Việt Nam mà các nước khác trên thế giới cũng đang áp dụng công nghệ này”, ông Vượng nói. Điều này càng được khẳng định hơn khi Quy hoạch điện VII điều chỉnh đưa ra những con số như: Đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW chiếm 49,3% lượng điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300 MW chiếm 53,2% điện sản xuất.

Ngoài nguồn năng lượng từ nhiệt điện than, theo ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo chỉ có thể được coi là nguồn bổ trợ mà không thể thay thế nguồn nhiệt điện than được bởi hệ số công suất thấp (chỉ từ 20-30%), chi phí đầu tư lớn hơn, đồng thời phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như địa điểm, thời điểm nên không thể điều chỉnh được theo yêu cầu. Chính vì thế "để giảm tỷ lệ nhiệt điện than không hề đơn giản vì rất khó tìm nguồn thay thế trong khi các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau năm 2025", ông Hiến nhấn mạnh.

Cần tập trung xử lý ô nhiễm

Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã loại bỏ nhiều dự án nhiệt điện than như Nhiệt điện Uông Bí III, Yên Hương, Bắc Giang, Kiên Lương. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu phải phát triển các nhà máy nhiệt điện theo tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện cam kết về việc giảm phát khí thải nhà kính trong Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015- Hội nghị COP21 (sẽ cắt giảm lượng khí thải 8% vào năm 2030 và đến 25% nếu có sự hỗ trợ quốc tế).

Với những phân tích trên, có thể thấy rằng, phát triển nhiệt điện than là bước đi không thể thiếu. "Chúng ta vẫn phải đầu tư xây dựng, phát triển các nhà máy nhiệt điện than ít nhất đến năm 2030 khi có điện nguyên tử, khi năng lượng tái tạo phát triển ở mức cao thì lúc đó mới giảm tỷ trọng nhiệt điện than được", ông Phương Hoàng Kim, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) nhìn nhận. Song ông Vượng cũng thừa nhận, khiếm khuyết của công nghệ này chính là nó tạo ra các loại chất thải. Tuy nhiên, với trình độ và sự quan tâm của các cơ quan liên quan, đây là vấn đề hoàn toàn có thế giải quyết được, bởi chi phí khắc phục tình trạng này không lớn so với các công nghệ khác. Mặc khác, nếu xử lý được chất thải rắn thì đây có thể trở thành nguồn tài nguyên để phát triển các nguồn nguyên liệu khác.

Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã nêu rõ các giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó yêu cầu sử dụng chất thải tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than cho sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác nhằm giảm diện tích bãi thải cho các dự án nhà máy nhiệt điện đảm bảo theo đúng quy định, đồng thời quản lý chặt chẽ công nghệ phát điện về phương diện môi trường. Khi xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, hiện có 3 yêu cầu bắt buộc đối với các chủ đầu tư xây dựng là: Khắc phục tối đa các khí thải độc hại NOx, SOx và lắp đặt lọc bụi tĩnh điện để tạp chất không đào thải ra môi trường; xây dựng được các cảng cấp than, băng chuyền than phải hợp lý để tránh rơi vãi than; xử lý các chất tro, xỉ.

Ông Kim cho rằng, hiện các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đã áp dụng công nghệ mới tiên tiến như các khí thải như CO2, SO2, NOx, bụi được xử lý, thu giữ trong nhà máy, đảo bảo nồng độ phát thải dưới mức độ cho phép trước khi vào ống khí và thoát ra môi trường nên đã hạn chế và khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất nhiệt điện than của Việt Nam là công nghệ hiện đại, ngang tầm thế giới. Cụ thể, thông số hơi: Cận tới hạn và siêu tới hạn, hiệu suất thuộc loại cao của thế giới, công suất tổ máy cũng tầm cỡ lớn của thế giới và độ an toàn, tin cậy cao. "Với công nghệ hiện đại như vậy, việc phát triển nhiệt điện than không đáng lo ngại như dư luận nêu trong thời gian qua", ông Kim khẳng định.

Nói thêm về vấn đề xử lý tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than, ông Vương cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng các khuôn khổ pháp lý về công nghệ và môi trường cho các nhà máy nhiệt điện than. Xây dựng cơ chế chính sách, xử lý, sử dụng hiệu quả chất thải tro, xỉ làm nguyên liệu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ, san lấp mặt bằng, khuyến khích các DN thay thế gạch nung tiến tới không sản xuất gạch nung thì lượng tro, xỉ hoàn toàn có thể xử lý được.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/rap-rinh-o-nhiem-tu-nhiet-dien-than.aspx