Rạp chiếu không dành cho những nhà làm phim nghiệp dư

(HQ Online)- Sau 10 ngày ra rạp, bộ phim “Găng tay đỏ” phải ngưng chiếu vì… không thu được đồng nào. Nhà sản xuất chia sẻ lý do rằng, "đơn vị phát hành xếp lịch chiếu phim không hợp lý, làm ảnh hưởng doanh thu". Đấy là một cách nói tự an ủi. Bởi lẽ, thành bại của một tác phẩm nghệ thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng hơn nữa.

“Găng tay đỏ” sau 10 ngày chiếu, nhà sản xuất đã thu về được… 0 đồng!

Xin tạm ngừng phát hành “Găng tay đỏ” là một sự cố hy hữu, trực tiếp báo động cho những nhà sản xuất không thể tiếp tục đùa với phim chiếu rạp. Sau 10 ngày trình chiếu, số tiền bán vé trừ đi chi phí phát hành và quảng bá thì “Găng tay đỏ” hoàn toàn trắng tay. Điều đó có nghĩa là mỗi xuất chiếu thu hút rất ít khán giả. Lỗi có phải do phía rạp chiếu không? Chắc chắn không, mà lỗi do chính bộ phim không đủ sức quyến rũ người xem.

“Găng tay đỏ” có nội dung phim xoay quanh một nữ sát thủ mang bí danh No.7 (Lan Ngọc đóng), được đào tạo từ bé trong tổ chức quốc tế và luôn đeo một đôi găng tay đỏ. Cô được chỉ định ám sát một ông trùm ma túy trong lốt doanh nhân tên Huỳnh Đại (Hoàng Sơn đóng). Nhiệm vụ thất bại, cô bị ông chủ của mình lẫn đàn em của Huỳnh Đại truy lùng. Tình cờ, cô gặp Hồng Việt (Quang Sự đóng) và được anh hỗ trợ trong những lần chạm trán kẻ địch… Nhiều chi tiết rối rắm và lời thoại hời hợt, đã trực tiếp phản ánh “Găng tay đỏ” được dàn dựng vội vàng và vụng về!

“Găng tay đỏ” theo đuổi thể loại phim hành động. Những nhà sản xuất vừa lãng mạn vừa hồn nhiên ở nước ta cứ tin tưởng chỉ cần vài pha đánh đấm là thành phim hành động. Nhầm to. Phim hành động nan giải nhất ở cấu tạo tình huống gay cấn cho câu chuyện dẫn dắt bộ phim, sau đó mới đến những màn song đấu võ thuật hoặc kỹ nghệ tác chiến trực tiếp. Với trình độ hiện nay của điện ảnh Việt Nam, thì để có một bộ phim hành động ra tấm ra món vẫn là giấc mơ xa vời. Chúng ta non kém cả về tư duy của đạo diễn, về thao tác của diễn viên, lẫn về năng lực của quay phim và dựng phim. Vì vậy, sự thất bại của “Găng tay đỏ” dễ dàng có thể đoán trước, nếu có một chút tỉnh táo nhỏ nhoi.

Thế nhưng, thay vì sớm hiểu ra điều đơn giản kia, những nhà sản xuất tự động viên mình bằng những viễn tưởng xa xôi. Họ cho rằng, có đơn vị nước ngoài ngỏ lời chi 1 triệu USD để mua “Găng tay đỏ” khai thác trong vòng một năm. Nghe thật buồn cười, vì kinh phí làm phim chỉ có 15 tỷ, nếu bán nhanh mà lời ngay thì chẳng ai từ chối. Thử nghe giãi bày của đại diện nhà sản xuất “Găng tay đỏ” để hiểu cuộc chơi phim chiếu rạp không đơn giản: “Thật ra chúng tôi có dự định mang “Găng tay đỏ” đem chiếu ở các rạp nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Sau khi ký hợp đồng tại Úc, chúng tôi đang thương thảo tại Mỹ và Nga. Toàn bộ số tiền bán vé thu được sẽ dùng để “tái đầu tư". Lần này chúng tôi kỳ vọng sẽ mời những nhà phân tích, phê bình góp ý chỉnh sửa, có thể sẽ phải mời các diễn viên quay thêm, cùng sự tham gia của một số khách mời nổi tiếng. Phim sẽ được làm mới lại kết quả cho bất ngờ hơn. Chúng tôi sẽ sửa theo tinh thần logic, suôn sẻ đường dây câu chuyện, tình tiết chứ không chắp vá. Hi vọng khi ra rạp trở lại vào đầu năm 2017, Găng tay đỏ: Tôi là số 7 sẽ được khán giả ủng hộ. Trước nay chúng tôi chỉ lo làm phim, giao trọn chuyện phát hành, marketing về một mối bởi nghĩ mình không thể ôm đồn quá nhiều thứ. Nhưng sau này, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc marketing phim, cũng như đòi hỏi hợp đồng rõ ràng, quy định chi tiết từ thứ tự phim phát trailer quảng bá trong rạp, số suất chiếu mỗi ngày, đặc biệt là các khung "giờ vàng". Chúng tôi nhận thấy việc sắp xếp suất chiếu có tác động rất lớn đối với việc thành bại của một bộ phim!”

Cái cách phân bua “chúng tôi muốn tự mình hồi sinh cho “Găng tay đỏ” để không phụ công sức của cả ê kíp gồm 200 con người đã dốc sức trên phim trường" là một thái độ rất nghiệp dư! Theo như kế hoạch kỳ vĩ của nhà sản xuất, thì “Găng tay đỏ” sẽ được làm mới lại với tên gọi “Tôi là No.7” để tái ngộ vào dịp phim Tết 2017. Một cái áo rách có thể vá lại để mặc được, nhưng một tác phẩm nghệ thuật đã hỏng từ quy trình chế tác thì chỉnh sửa chỉ là phế tích mà thôi.

Mấy năm qua, sự bùng nổ của hệ thống rạp chiếu đã khiến những nhà sản xuất giàu trí tưởng bở cho rằng đã đến thời đua nhau làm phim chiếu rạp nắm chắc lãi ròng. Thực tế ngược lại, những nhà làm phim tay ngang thì càng không có chỗ trong hệ thống rạp chiếu hiện đại. Bởi lẽ, công chúng đã biết so sánh và đã biết chọn lựa. “Găng tay đỏ” có thể xem như bài học chua chát cho những ai còn thích đùa với phim chiếu rạp.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/rap-chieu-khong-danh-cho-nhung-nha-lam-phim-nghiep-du.aspx