Rào thưa khó chống 'trộm'

Nhiều năm trước, khi công nghệ thông tin chưa bùng nổ, mạng xã hội chưa xuất hiện, nạn “đạo văn”, xào xáo cũng đã phổ biến.

Tại Hà Nội, ở những khu vực có nhiều trường đại học như khu Bách Khoa hay Cầu Giấy, từng hình thành cái gọi là “chợ luận văn” - nơi những cử nhân, thạc sĩ tương lai chờ nhá nhem tối mới “lặn lội” ra đó để tìm cho mình những đề tài phù hợp.

Bước vào thời đại kỹ thuật số, nạn “sao chép”, “cắt dán” càng trở nên phổ biến. Có người nói, nó đã trở thành “dịch bệnh” - thứ bệnh dễ lây và dần trở thành mãn tính. Hiện nay, có lẽ không còn nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh tự tay làm lấy tất cả những tiểu luận, luận văn, luận án… trong suốt cuộc đời học tập của mình mà không tham khảo hay “chôm chỉa” đâu đó trên mạng.

Việc “sao chép”, “cắt dán” dần được coi là hành vi đương nhiên. Rất nhiều người lệ thuộc vào nó, coi đó là công cụ hữu hiệu để hoàn thành con đường đi tới bằng cấp của mình. Chất lượng đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân như thế nên cũng không quá bất ngờ khi mỗi năm có tới hàng trăm nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Chưa kể, phần đông những người có được việc làm ngay cũng đều phải được đào tạo lại.

Để ngăn chặn nạn “sao chép”, “cắt dán”, người ta đã viết ra một số phần mềm để rà soát, so sánh, đối chiếu các văn bản nhằm phát hiện hành vi vi phạm. Đây được xem là công cụ mạnh hiện nay, thế nhưng, thuật toán dù thông minh tới đâu thì vẫn do con người vận hành. Những kẻ muốn gian lận chẳng sớm thì muộn cũng tìm ra kẽ hở của máy móc để vượt qua nó. Đến máy phát hiện nói dối của Cục Điều tra Liên bang Mỹ còn bị qua mặt...

Nhiều người kêu gọi nâng cao đạo đức trong học tập và nghiên cứu khoa học nhằm chống lại nạn “nhân bản” và các hành vi xấu khác. Đó là điều cần thiết nhưng có lẽ chưa đủ. Bởi như đã nói ở trên, với một số người, quá trình tìm kiếm tri thức không phải là niềm ham thích, sự cống hiến mà chỉ đơn thuần là công cụ để có được bằng cấp. Với những trường hợp này, “hàng rào” học thuật nghiêm túc và chế tài nghiêm khắc sẽ là những “cây gậy” đủ mạnh.

Trong vụ việc đạo văn vừa “phát lộ” ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tới nay, người vi phạm và các cá nhân chịu trách nhiệm liên đới cũng đã phải chịu kỷ luật. Để đảm bảo tính răn đe, với những trường hợp cụ thể như thế này, Bộ GD-ĐT phải vào cuộc giám sát, đảm bảo vi phạm được xử lý nghiêm và công khai trước dư luận. Chúng ta không thể bao che, dung túng và càng không nên ngại minh bạch việc xử lý cán bộ đối với những vi phạm dạng này. Bởi trong ngành giáo dục - đào tạo hay bất kỳ lĩnh vực nào khác, kỷ luật nghiêm khắc và sự minh bạch chính là liều thuốc tốt nhất để trị bệnh gian lận, giả dối.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/rao-thua-kho-chong-trom/734960.antd