Rào cản bủa vây con đường xuất ngoại của trái cây Việt

Dù được nhiều nước đối tác công bố mở cửa thị trường, tuy nhiên trái cây Việt Nam xuất khẩu vẫn rất khó đến được với một số thị trường nước ngoài do gặp nhiều rào cản như điều kiện ngặt nghèo, cước phí vận chuyển.

Doanh nghiệp bị phụ thuộc

Theo Tuổi trẻ, sau khi tam ngưng xuất khẩu từ đầu năm 2009, Đài Loan - thị trường xuất khẩu thanh long lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc, với trên 10.000 tấn/năm, đã mở cửa trở lại cho thanh long Việt Nam. Đây là một thị trường khó tính với các quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm, đòi hỏi phải đảm bảo tiêu chuẩn vùng trồng, an toàn dư lượng hóa chất, xử lý trái thành phẩm bằng hơi nước nóng để diệt trừ dịch hại.

Các quy định này đã được thực hiện ở 3 doanh nghiệp Việt Nam, được phía Đài Loan công nhận đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Đài Loan yêu cầu mỗi lô thanh long được xử lý đều phải được chuyên gia của họ giám sát, nhưng chỉ cử một chuyên gia kiểm nghiệm tại Việt Nam. Theo ông Chu Hồng Châu, phó giám đốc Trung tâm kiểm dịch sau nhập khẩu 2 (Bộ NN&PTNT), điều này đồng nghĩa với việc “chuyên gia của Đài Loan đến nhà máy nào giám sát thì hai nhà máy kia tạm ngưng. Hiện họ đang chia thời gian là mỗi tháng sẽ làm việc tại một nhà máy”. Trong khi đó, các doanh nghiệp cho hay, mỗi ngày chỉ xử lý được khoảng 10 tấn, tương đương với cả tháng chỉ có 300 tấn thanh long Việt đến được thị trường Đài Loan.

Ngoài thanh long, xoài Việt Nam cũng đang nhọc nhằn tìm đường đến Hàn Quốc do nước này chỉ chấp nhận xuất khẩu xoài từ một doanh nghiệp Việt ở Long An. Còn các doanh nghiệp khác mặc dù đã đạt hết những tiêu chuẩn vẫn không được phép xuất khẩu. Vì những rào cản này, xuất khẩu xoài sang Hàn Quốc chỉ đạt 11,9 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2016, giảm 17% so với cùng kì năm ngoái.

Cước phí máy bay đắt đỏ

Cước máy bay cao cũng là một trong các nguyên nhân khiến trái cây Việt khó xuất khẩu. Theo ông Vương Đình Khoát, giám đốc Công ty TNHH Hugo, TP. HCM, trong khi các nước như Thái Lan có nhiều máy bay vận chuyển, cước phí rẻ, lại có nhiều chính sách hỗ trợ, thì các doanh nghiệp Việt phải tự lo hết.

Bà Masumi Watanabe, giám đốc Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka (Bình Dương) chia sẻ, đơn vị của bà đã tạm ngưng xuất khẩu xoài sang Nhật do cước vận chuyển hàng không quá đắt đỏ, đẩy giá thành sản phẩm lên cao gây khó cạnh tranh. Theo đó, cước hiện tại là 1,8 USD/kg, cao hơn 50% so với cước phí Thái Lan dù đường bay thì ngắn hơn.

Cần xúc tiến thương mại hiệu quả

TS Nguyễn Hữu Đạt (Hiệp hội Rau quả VN) cho biết, trái cây Việt xuất sang các thị trường khắt khe như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn tăng trưởng nhờ bán trái vụ hoặc khi hàng hóa từ các nước khan hiếm. Song để tăng trưởng mạnh mẽ đồng thời cạnh tranh được, cần nhiều biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả.

Ông Đạt cho hay, một trong những biện pháp đáng chú ý là tham gia sâu vào chuỗi phân phối bán lẻ ở một số thị trường trọng điểm. “Hãy xem Thái Lan họ đã xuất khẩu trái cây sang VN tăng ngoạn mục thế nào sau khi mua lại các DN bán lẻ tại VN thời gian qua”, ông Đạt nêu ý kiến.

Trong khi doanh nghiệp Việt Nam gặp vô vàn khó khăn khi tìm cách xuất khẩu trái cây, thì theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, hoa quả Trung Quốc lại đang rất rộng cửa vào Việt Nam. Ước tính, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 120.000 tấn hoa quả từ Trung Quốc - đã giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự đoán, nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, trong đó có các loại hoa quả, thực phẩm sẽ càng rộng cửa vào thị trường Việt với mức thuế 0%, khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) chính thức được áp dụng.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/rao-can-bua-vay-con-duong-xuat-ngoai-cua-trai-cay-viet