Rằm tháng Giêng: Nguồn gốc tục phóng sinh của người Việt và lý giải lý do người miền Bắc thường thả chim phóng sinh

Phóng sinh vào ngày rằm tháng Giêng không chỉ gắn liền với đức hiếu sinh của đạo Phật mà còn thể hiện những khát vọng về cuộc sống an lành, hạnh phúc của người Việt khi bước sang năm mới.

Mỗi năm, người Việt thường thực hiện nghi lễ phóng sinh nhiều nhất vào 2 dịp là rằm tháng Giêng và ngày lễ Vu Lan, tức Rằm tháng 7 âm lịch. Vào ngày rằm tháng Giêng năm nay, nhiều người nô nức đi lễ chùa cầu may và mua các con vật để phóng sinh với hi vọng cầu mong may mắn cho năm mới.

Theo lý giải của đạo Phật, việc phóng sinh vốn dĩ không hề quy định phải thực hiện vào một dịp nào hay ngày nào trong năm mà bất cứ thời điểm nào người dân cũng có thể làm nghi lễ phóng sinh. Hoặc vô tình khi đi đâu đó, gặp bất cứ trường hợp vật nào đang chịu khổ đau cũng có thể phóng sinh, giải thoát cho chúng sinh.

Trò chuyện về tục phóng sinh ngày rằm này, TS. Nguyễn Thị Hồng - Chuyên gia nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho hay: “Tục phóng sinh của người Việt thường diễn ra vào 2 dịp là rằm tháng Giêng và rằm tháng 7. Vào dịp đầu năm, nhiều người thực hiện việc phóng sinh vì rằm tháng Giêng cũng có thể được xem là ngày vía của Phật tổ Như Lai.

Ngày này gắn liền với đức hiếu sinh của đạo Phật. Ngoài ra, nguồn gốc của tục phóng sinh vào ngày rằm tháng Giêng còn gắn liền với những khát vọng về cuộc sống an lành, hạnh phúc khi sang năm mới. Họ ước mơ xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, hòa đồng cùng thiên nhiên của người Việt. Đây chính là kết quả của sự bồi đắp văn hóa của người Việt Nam”.

“Nói về nghi thức phóng sinh trong Phật giáo, việc phóng sinh vốn để thể hiện tấm lòng từ bi, mong muốn đem lại sự an lạc cho muôn loài chúng sinh. Tích cũ kể lại, đức Phật khi còn đang là thái tử Tất Đạt Đa đã từng cứu giúp một con thiên nga bị thợ săn bắn hạ. Khi đó, thái tử mới chỉ 9 tuổi nhưng đã mở lòng từ bi, nhân ái. Sau khi đã tu thành chính quả, đức Phật khi thuyết pháp vẫn luôn đề cao việc từ bi, bất sát, phóng sinh cứu giúp muôn loài”.

“Nói về nghi thức phóng sinh trong Phật giáo, việc phóng sinh vốn để thể hiện tấm lòng từ bi, mong muốn đem lại sự an lạc cho muôn loài chúng sinh. Tích cũ kể lại, đức Phật khi còn đang là thái tử Tất Đạt Đa đã từng cứu giúp một con thiên nga bị thợ săn bắn hạ. Khi đó, thái tử mới chỉ 9 tuổi nhưng đã mở lòng từ bi, nhân ái. Sau khi đã tu thành chính quả, đức Phật khi thuyết pháp vẫn luôn đề cao việc từ bi, bất sát, phóng sinh cứu giúp muôn loài”.

TS. Nguyễn Thị Hồng còn cho biết, cá nhân bà rất thích một câu chuyện xưa cũ gắn liền với tục phóng sinh vào rằm tháng Giêng: “Người Việt Nam luôn quan niệm mình là con cháu lạc hồng, là con rồng cháu tiên, là con của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Việc phóng sinh đầu năm cũng chính là để gợi nhớ đến cội nguồn, giàu giá trị nhân văn”.

Chuyên gia nghiên cứu Văn hóa Việt Nam này cũng cho biết, người Việt thường chọn các loài vật như chim, cá, ốc, lươn, rùa… để phóng sinh. Tuy nhiên, tùy theo từng vùng miền mà họ chọn các con vật phóng sinh khác nhau. Ví như người miền núi có thể phóng sinh các loài như khỉ, chim. Người miền biển phóng sinh cá…

TS. Nguyễn Thị Hồng cũng nhận định, người miền Bắc thường thả nhiều chim khi làm nghi thức phóng sinh. Bởi theo bà: "Chúng ta có thể nhìn nhận một cách đơn giản nhất, người xưa có câu tục ngữ 'đất lành chim đậu'. Khi thả chim tung cánh trên bầu trời là người miền Bắc mong muốn một cuộc sống yên bình, hạnh phúc, khát vọng mưa thuận gió hòa. Vì loài chim chỉ có thể bay cao, bay xa khi trời quang mây tạnh.

Với ý nghĩa lớn lao này nên người Việt thường phóng sinh để cầu may mắn, an lành. Hoặc như theo đạo Phật, việc phóng sinh sẽ giải bớt được nghiệp tội, mang đến sự an lành trong thâm tâm”.

Lương Chi

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/nhip-song/ram-thang-gieng-nguon-goc-tuc-phong-sinh-cua-nguoi-viet-va-ly-giai-ly-do-nguoi-mien-bac-thuong-tha-chim-phong-sinh-20170208184453551.htm