Rậm rịch chuyển đổi dự án

(baodautu.vn) Ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vinaconex cho biết, Dự án xây dựng nhà ở thương mại rộng 18,5 ha tại Khu đô thị Bắc An Khánh, do Vinaconex làm chủ đầu tư, đã được chấp thuận chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

Tới đây, Vinaconex sẽ triển khai tiếp dự án nhà ở xã hội 50 ha tại Khu đô thị Đại Áng (Thanh Trì).

“Hai dự án này sẽ phản ánh đầy đủ cơ chế chính sách, các ưu đãi của Chính phủ thể hiện trong Nghị quyết 02/NQ-CP”, ông Phong khẳng định.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội cũng vừa gửi công văn tới UBND TP. Hà Nội xin điều chỉnh Dự án nhà thương mại Khu đô thị Trung Văn mở rộng (xã Trung Văn, huyện Từ Liêm) sang làm nhà thu nhập thấp.

Trước đó, công ty này đã kiến nghị với UBND Thành phố được điều chỉnh quy hoạch một dự án nhà thương mại rộng 15,6 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 400 tỷ đồng, sang làm nhà dành cho người thu nhập thấp. Đáng chú ý là, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội không xin điều chỉnh toàn bộ dự án, mà chỉ dùng 55% quỹ nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp, 45% còn lại vẫn là nhà thương mại. Bước đi này cho thấy, chủ đầu tư đã tính toán rất kỹ trong việc tận dụng cơ chế chính sách khi phát triển một phần dự án sang nhà thu nhập thấp, trong khi các lợi ích trong quá trình phát triển dự án vẫn đảm bảo.

Ông Nguyễn Viết Trường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội cho biết, việc xin điều chỉnh dự án không chỉ để nhằm hưởng ưu đãi của Chính phủ trong phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp, mà còn tìm lối thoát, bởi nếu tiếp tục phát triển nhà ở thương mại như phê duyệt ban đầu, thì doanh nghiệp rất khó bán sản phẩm.

Theo Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, TP.HCM và TP. Đà Nẵng, rất nhiều doanh nghiệp đã đến đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng các dự án. Động thái xin chuyển dự án xây dựng đô thị thương mại thành nhà ở xã hội được coi là một lối thoát trong bối cảnh hiện nay. Chuyển đổi dự án sẽ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất, được vay vốn ưu đãi, được miễn giảm, giãn thuế… theo chính sách quy định cho nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là giải pháp đạt được nhiều mục tiêu: vừa có mục tiêu kinh tế (giúp tăng trưởng và giảm hàng tồn kho), vừa có mục tiêu an sinh xã hội. Bởi vậy, căn cứ Nghị quyết 02/NQ-CP, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương sớm ban hành quy định chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội ngay trong quý I/2013, để chậm nhất là nửa cuối năm nay, các dự án này phải được khởi động xây dựng.

Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét, nhiều doanh nghiệp có dự án bất động sản đang tìm phương án dịch chuyển một phần sang nhà ở xã hội. Việc này sẽ đón đầu các chính sách liên quan, cũng như đưa ra được các sản phẩm phù hợp với thị trường.

Rõ ràng, trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, việc chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà thu nhập thấp hoặc nhà ở xã hội vừa giúp tăng thanh khoản, vừa nhận được nhiều ưu đãi, trong khi vẫn đảm bảo lợi nhuận, nên đây được xem như một lối thoát của chính doanh nghiệp.

Thời gian tới, việc chuyển đổi dự án được dự báo vẫn theo kiểu “ném đá dò đường”, vì Nghị định về nhà ở xã hội vẫn đang trong giai đoạn soạn thảo. Tuy nhiên, việc cho phép chuyển đổi và thẩm quyền phê duyệt được giao cho các địa phương dưới sự đốc thúc của Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp hy vọng, chủ trương này sớm giúp họ thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdiaoc/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/diaoc/thongtinthitruong/5ab92c127f00000101e12289a3ef6d19