Rải tiền để quảng bá sách, nguyên nhân vì đâu?

Tại buổi ra mắt cuốn sách “Dám làm giàu” của tác giả Phạm Tuấn Sơn, một cơn mưa tiền đã được tác giả đứng từ trên khinh khí cầu rải xuống TP Huế nhằm truyền cảm hứng làm giàu, như tác giả nói. Được biết, sau khi nhận được phản ứng của người dân Huế và dư luận nói chung về hành động rải tiền quảng bá sách, bởi họ cho rằng đây là hành động phản cảm, ông Phạm Tuấn Sơn – tác giả cuốn sách đã lên tiếng xin lỗi.

Tác giả Phạm Tuấn Sơn và khinh khí cầu quảng bá sách. Ảnh cắt từ clip

Vì sao biết sai vẫn cố tình làm

Một người viết sách, làm văn hóa sẽ thừa biết việc một tác giả viết sách ngồi bay trên khinh khí cầu và rải tiền xuống là rất phản cảm, khó chấp nhận. Mặc dù ông Phạm Tuấn Sơn có nêu ý nghĩa của việc làm liên quan đến cuốn sách để giải thích lý do ông rải tiền từ khinh khí cầu khá thuyết phục về “cơn mưa tài lộc”: “… Cơ hội để tự do tài chính, kiếm tiền và trở nên giàu có luôn ở xung quanh chúng ta, nhưng chúng ta có nhìn thấy để nắm lấy hay không? Và để có thể nhìn thấy và nắm lấy được những cơ hội đó, chúng ta cần có kiến thức và hiểu biết về tiền bạc và quản lý tài chính cá nhân”, song khi thấy sự phản ứng của truyền thông và dư luận, ông đã lên tiếng xin lỗi ngay.

Một việc làm nếu đã cân nhắc và đã suy xét về ý nghĩa của nó sao lại dễ dàng xin lỗi “ngay và luôn” như vậy. Đây cũng là bằng chứng cho thấy tác giả đang cố tình dùng chiêu trò để PR cho cuốn sách và tên tuổi của mình. Và quan trọng là ông đã thành công một cách ngoạn mục, thành công hơn cả ngoài mong đợi.

Một bộ phận báo chí đang dễ dãi

Câu hỏi tưởng khó mà vô cùng đơn giản, chính là truyền thông, nói đúng hơn là một bộ phận truyền thông đang quan tâm những hiện tượng có tính hiếu kỳ hơn là những vẫn đề dân sinh đang liên quan hàng ngày hàng giờ đến chính bản thân mình.

Thử hỏi, nếu truyền thông (và cả mang xã hội) không “hỗ trợ” đắc lực cho những hiện tượng như kiểu làm của ông Phạm Tuấn Sơn thì họ có nghĩ đến chiêu trò rải tiền từ khinh khí cầu đó hay không? Phải chăng một bộ phận báo chí đang chiều chuộng, dễ dãi với những ý thích ngông cuồng của người khác?

À thì ra là vì người đọc thích, đúng rồi, vì người đọc thích nên báo chí đã bày tỏ sự quan tâm rất nhiệt tình đối với những hiện tượng được coi là gây sốc, phản cảm. Vậy thì đừng hỏi vì sao ngày càng xảy ra nhiều những hiện tượng nhằm gây sự chú ý bằng mọi cách, bằng mọi giá, thậm chí cứ làm rồi xin lỗi, như vậy càng nổi tiếng hơn.

Đừng vội lên án hay phê phán những hiện tượng như màn rải tiền từ khinh khí cầu là phản cảm, là không thể chấp nhận được… bởi chính một bộ phận truyền thông đang đăng những tin đáng lên án và phê phán ấy. Đồng thời giúp lan tỏa những hiện tượng trên.

Báo chí, truyền thông không thể dễ dãi, nhất là dễ dãi cổ vũ cho những hành động phản cảm chỉ để phục vụ những độc giả hiếu kỳ thích tin giật gân gây sốc. Để gần hơn với bạn đọc, báo chí cần đề cập tới những vấn đề dân sinh có tính sống còn, thiết thực hàng ngày thay vì lún sâu vào những tin tức chỉ đơn thuần giải trí rẻ tiền, lá cải, thiếu lành mạnh...

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan/rai-tien-de-quang-ba-sach-nguyen-nhan-vi-dau-675138.bld