Rắc rối vụ người phụ nữ chết để lại nghìn tỷ đồng

Nếu ông P. có thể đưa ra những chứng cứ chứng minh nguồn gốc tài sản thừa kế là của nhiều người trong gia tộc mình gom góp lại mà có thì tòa sẽ xem xét, còn nếu không thì đơn kiện sẽ bị bác bỏ.

>> Gia đình 'người đàn bà đột tử' muốn từ thiện 1.000 tỷ

>> Người phụ nữ chết để lại hơn 1.000 tỷ đồng

>> Thanh lý hợp đồng thuê két sắt nghìn tỷ đồng

>> 'Cô gái nghìn tỷ' hiện sống ra sao?

Sacombank bị kiện

Như chúng tôi đã thông tin, Vào tháng 2.2011, bà T.K.P. (66 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) đột ngột qua đời đã để lại khối tài sản hơn 1.000 tỉ đồng. Cũng chính khối tài sản kếch xù này đã gây ra tranh chấp giữa người con nuôi là chị T.H.H.L. và anh chị em của bà P..

Khu biệt thự nơi bà P. từng ở

Do không tìm được ý kiến chung trong việc phân chia khối tài sản do bà P. để lại, cả hai bên đều đồng ý kí hợp đồng thuê két sắt của ngân hàng Sacombank (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM) để cất giữ khối tài sản này.

Hơn một năm trôi qua, vụ tranh chấp này vẫn nằm trong bóng tối, chỉ có hai bên cùng ngân hàng Sacombank biết. Tuy nhiên, ngày 30.5.2012, khi cuộc thương lượng ba bên được diễn ra, báo chí mới nhận được thông tin và mọi chuyện trở nên ồn ào, được đưa ra bàn luận.

Trong buổi thương lượng vào ngày 30.5, chị L. và gia đình bà P. vẫn không đồng nhất ý kiến. Tuy nhiên, đến chiều 4.6, thông tin chúng tôi có được, hợp đồng cho thuê chiếc két sắt nghìn tỷ đồng đã được thanh lý khi chỉ chị L. đồng ý còn phía gia đình bà P. thì không.

Về phía gia đình bà P. cho rằng ngân hàng đã đơn phương giao số tài sản trong chiếc két sắt được cả hai bên thuê cho chị L. khi chưa được sự đồng ý của mình là không đúng và chính điều này là nguyên nhân khiến ông Ph. (em trai bà P.) gửi đơn kiện đến tòa án nhân dân quận 3 (TP.HCM).

Ngày 6.6.2012, tòa án nhân dân quận 3 xác nhận đã nhận được đơn kiện của, ông Ph. (em trai bà P.) kiện ngân hàng Sacombank. Trong đơn khởi kiện, ông Ph. viết "Điều này (PV: ngân hàng thanh lý hợp đồng cho chị L.) xâm phạm trực tiếp đến sự an toàn, bảo mật tài sản của tôi. Vi phạm quy định của ngân hàng và luật các tổ chức tín dụng".

Bên cạnh đó, trong đơn, ông P. cũng đưa ra hai lí do khiến ngân hàng thanh lý hợp đồng cho chị L. là thời gian thuê chiếc két sắt đã hết, nhưng hai bên vẫn không đồng quan điểm về việc gia hạn hợp đồng. Ông P. không chấp nhận gia hạn thêm 30 ngày để đưa những giấy tờ hợp pháp chứng minh số tài sản trên là của mình.

Khi chúng tôi liên hệ với đại diện ngân hàng Sacombank, người này cho rằng mọi chuyện chưa được giải quyết, xin không bình luận. Tuy nhiên, người này cũng bày tỏ quan điểm, ngân hàng Sacombank đã làm đúng mọi thủ tục, yêu cầu, do đó, nếu nhận được đơn yêu cầu của tòa án thì sẵn sàng hầu tòa và thực hiện theo qui định của pháp luật.

Cả hai bên đều đúng

Liên quan đến thông tin ông P. gửi đơn kiện ngân hàng Sacombank, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thị Phi Nga (Đoàn luật sư TP.HCM). Vị luật sư này cho biết, theo thông tin phản ánh trong thời gian qua của báo đài, thì trường hợp chị L. và gia đình bà P. thuê két sắt của ngân hàng Sacombank để giữ số tài sản là hợp đồng giữ tài sản.

Một khu đất của bà P. để lại

Do trong hợp đồng có nhắc đến việc thanh lý hợp đồng và gia hạn hợp đồng, việc gia hạn hợp đồng được thực hiện khi hết hạn hợp đồng, bên B (cả chị L. và ông Ph.) có nhu cầu tiếp tục thuê ngăn tủ sắt của bên A (ngân hàng Sacombank). Tuy nhiên, do thời gian hợp đồng đã hết trong thời gian dài, ngân hàng đã gửi đơn đến bên B (cả chị L. và ông Ph.) về việc hết hạn hợp đồng và yêu cầu đến để gia hạn hoặc thanh lý.

Mặc dù cả chị L., lẫn ông Ph. đều có mặt nhưng cả hai đều không thống nhất được việc nên thanh lý hay gia hạn hợp đồng. Do đó, nếu ông Ph. không chấp nhận kí gia hạn và thanh lý hợp đồng, trong khi đó, chị L. chấp nhận thanh lý thì ngân hàng có thể thanh lý. Như vậy, có thể nói, về phía ngân hàng đã làm như vậy là không sai.

Bên cạnh đó, vị luật sư này còn cho biết, nếu ông Ph. cảm thấy phía ngân hàng thanh lý hợp đồng cho chị L. là ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì ông Ph. có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, khi ra tòa, số tài sản này sẽ được xem xét, nhìn nhận theo nhiều phía. Theo pháp luật, tài sản thừa kế sẽ thuộc về phía chị L., bởi chị thuộc hàng thừa kế thứ nhất và là người duy nhất.

Nhưng, nếu gia đình bà P. có chứng cứ để chứng minh nguồn gốc số tài sản này là của nhiều người trong gia tộc ông gom góp lại mà có, tòa sẽ xem xét lại. Còn ngược lại, nếu gia đình bà P. không chứng minh được nguồn gốc của số tài sản này thì tòa sẽ bác đơn kiện.

Quỳnh Lâm (Theo vnn)

Nguồn XZone: http://xzone.vn/Web/77/482/79788/Rac-roi-vu-nguoi-phu-nu-chet-de-lai-nghin-ty-dong.html