Ra mắt nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên tại Bình Định: Gắn kết, hỗ trợ ngư dân trên biển

Những ngư dân đầu tiên tại xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) nhận quyết định trở thành đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá.

Những hạt giống mở đường

Sáu Ninh là cái tên nổi tiếng không chỉ ở Bình Định. Chủ nhân danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014” hiện nắm trong tay đội tàu 16 chiếc tàu với tổng công suất 6.000CV. Tổ đội đoàn kết của gia đình ông Bùi Thanh Ninh nhiều năm lấy ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa làm nơi chốn đi về. Dẫu lênh đênh chân trời góc bể, hơn 200 lao động “tổ hợp Sáu Ninh” vẫn thường xuyên ngóng vọng về đất liền, về căn phòng đặt giàn máy Icom la liệt giấy khen, bằng chứng nhận ở thôn Thiện Chánh 1 để cảm nhận sự liên lạc, ấm áp với quê hương và quan trọng hơn, để sẵn sàng “phản ứng nhanh”, sẻ chia, hỗ trợ, che chắn lẫn nhau một khi phát sinh tình huống bất thường trên biển. “Ngồi trên bờ nhưng tôi rành rẽ hết, tàu nào ở đâu, làm gì, trúng trật ra sao, có bị uy hiếp, bắt nạt hay không. Đội tàu phát triển ổn định, bền vững, chủ yếu nhờ sự điều hành thống nhất, sự gắn kết chặt chẽ từ mỗi thành viên”, ông Ninh cho biết.

Bùi Thanh Ninh là con người của những ý tưởng táo bạo. Năm 2015, trong khi theo đuổi mục tiêu đóng mới tàu lớn, hiện đại, đột phá vào lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá, ông thậm chí còn “liều mạng” gửi đơn lên Bộ Quốc phòng, Hải quân vùng 4, UBND tỉnh Bình Định xin 200m2 đất đảo Song Tử Tây làm cơ sở tiếp tế, thu mua cho các tổ đội đánh bắt thủy sản dài ngày. Vì nhiều lý do, một phần dự định nơi ông hãy còn dang dở. Ông nói: “Có cố đến cỡ nào, khả năng một gia đình, một tổ nhóm vẫn là hữu hạn. Điều bà con đang cần là một phương thức khả dĩ tập hợp được tâm huyết, sức mạnh cộng đồng”. Ở Tam Quan Bắc, ông Ninh góp tiếng nói quan trọng, đảm bảo “đầu xuôi đuôi lọt” cho quá trình vận động thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Buổi ra mắt, nhiều người không ngạc nhiên thấy ông bước lên sân khấu, dáng điệu nghiêm trang trong cương vị phó chủ tịch lâm thời của nghiệp đoàn.

“Cuối tháng 8, khi bắt đầu vận động thành lập, chúng tôi chỉ mong thuyết phục chừng 50 ngư dân ủng hộ. Thực tế, sự hưởng ứng của bà con lớn hơn nhiều. Con số 141 đoàn viên hôm nay chắc chắn chưa phải là kết quả cuối cùng”, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Nhơn Trần Hồng Sơn phấn khích. “Đừng nói bảo vệ chung chung. Để coi rồi nghiệp đoàn “ăn nói” ra sao với những chuyện như tư thương o ép, bến bãi chật chội, cháy nổ rập rình. Rồi chuyện vốn liếng khó khăn, chuyện tàu bè ngoài khơi bị nước ngoài đe dọa, bắt bớ…”, ngư dân Nguyễn Văn Đo, chủ tàu BĐ 97162 TS, gửi gắm yêu cầu khắt khe. Đoàn viên Đào Duy Mênh, tàu BĐ 95433 TS, thì khác, tin cậy nhiều hơn: “Đến giờ, tôi nhận thấy, nghiệp đoàn như mái nhà chung, để mỗi chuyến biển, chúng tôi không có cảm giác lẻ loi, bé mọn”.

Đồng hành cùng ngư dân

Tam Quan Bắc là địa chỉ quen thuộc của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động. Năm 2013, trong gói hỗ trợ hơn 1,2 tỉ đồng hướng về Bình Định, chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” dừng lại trước nhiều cái tên đến từ Thiện Chánh, Tân Thành, Công Thạnh… Chủ tàu BĐ 9531 TS Nguyễn Thanh Tâm mất toàn bộ phương tiện ở Hoàng Sa do thiên tai và nhân họa, được hỗ trợ 200 triệu đồng, lần hồi khôi phục nghiệp nhà đến tận hôm nay. Tương tự là Nguyễn Thọ - tàu BĐ 95235 TS, Lê Trinh - tàu BĐ 95463 TS, Phạm Sông, tàu BĐ 9523 TS… Các cuộc tiếp sức, đồng hành kịp thời, đúng đối tượng còn nhiều cơ hội trở lại vùng biển Tam Quan những năm tiếp theo, trong đó có một phần khoản trợ giúp 560 triệu đồng đầu năm 2016 cho nỗ lực phục hồi năng lực đánh bắt của nhóm tàu găp nạn ở Hoàng Sa, Trường Sa. Thật thú vị, những chi tiết trên được sử dụng như “dấu nhấn” chính trong hồ sơ kêu gọi ngư dân tự nguyện gia nhập nghiệp đoàn.

Hệ thống chính trị địa phương là “cú hích” khác. Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn Phạm Trương bày tỏ: “Lao động trên biển gặp nhiều khó khăn. Thời tiết thất thường, nguồn lợi cạn kiệt, an ninh trật tự diễn biến phức tạp, đặt an toàn tài sản, tính mạng bà con trong tình trạng bị uy hiếp. Một tổ chức đại diện cho ngư dân như nghiệp đoàn nghề cá là cần thiết hơn bao giờ hết. Tôi tin, nghiệp đoàn sẽ là chỗ dựa vững chắc, giúp ngư dân an tâm bám biển; thúc đẩy quan hệ đoàn kết; bảo vệ thích đáng quyền lợi cho người lao động khi xảy ra tranh chấp hoặc gặp sự cố rủi ro, tai nạn”.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nghiệp đoàn nghề cá Tam Quan Bắc là tiền lệ cho thấy dư địa dồi dào của hoạt động công đoàn địa phương. Ông Hùng khẳng định, từ thành công của Tam Quan Bắc, việc vận động hình thành tổ chức nghiệp đoàn nghề cá sẽ được đẩy mạnh ở các địa phương khác trong thời gian tới.

Xuân Nhàn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/ra-mat-nghiep-doan-nghe-ca-dau-tien-tai-binh-dinh-gan-ket-ho-tro-ngu-dan-tren-bien-612927.bld