Quýt bộp

TP - Chẳng biết họ của ông là gì, chỉ nhớ ông tên Thầm. Mà rồi Thầm lại là tên con gái đầu lòng của ông.

Minh họa: Đỗ Đức

Làng Tày này cũng có gì đó giống người xuôi, khi có con thì bố mẹ được gọi theo tên con đầu lòng. Tên bố mẹ thành đi ở ẩn. Ông bà Thầm có hai người con đều là gái. Cô em cái tên cũng lạ: Thuốm. Đọc tên cô, môi phải chụm, nhọn mỏ ra như sắp đặt vào đâu đó một nụ hôn!

Xưa đọc sách nghe nói đến điền trang thái ấp của quan lại mà không hiểu nó thế nào. Nhưng thời đổi mới, nghe từ “kinh tế vườn” thì hóa ra ông Thầm đã làm từ thời ấy.

Từ những năm 1966, giữa rừng xanh mà ông có hẳn một dải đồi với sáu trăm gốc quýt ngọt. Nó là giống quýt bộp, quả to như vốc tay, vỏ mỏng tang, múi mọng nước mà ngọt thì thôi rồi. Vào mùa giáp tết này cứ đến chợ phiên Ngả Hai là ba bố con ông ba gánh quýt lượn qua trường trước khi đến chợ.

Chúng tôi xúm xít một lúc là bay một quẩy đầy hai dậu quýt. Cứ thấy quýt là dốc túi. Một đồng chục quả quýt bằng vốc tay, vỏ vàng như nắng tháng Mười sáng bóng, ăn thì ngọt lịm khó mà chối từ. Ngày nghỉ tôi hay la cà vào làng, ông mang mía xương gà ra mời. Khi về ông còn cho cả đon mía đặt lên vai đem về chia cho mọi người. Bảo trả tiền ông không chịu.

Ông bảo không bán mía cho Hoàng Đức. Chả hiểu sao ông gọi thế. Tôi cười, biết ông quí mình mới chặt sẵn mía bó sẵn cho thế. Hỏi ra mới biết ông cũng có mấy soi mía ven sông, cũng rộng hàng hecta.

Ông Thầm quả là có đầu óc làm ăn hơn người. Ngồi nghe ông kể đã về xem nhà máy xay xát Thái Bình, đi xem nhà máy điện Cao Ngạn, lần mò về cả cảng Hải Phòng xem cẩu hàng từ tàu biển lên kho cảng. Ông bảo đi xem để học hỏi cái hay, hoặc đi xem để cho biết. Tôi cứ há hốc mồm ngồi nghe. Lúc đó đâu đã có khái niệm du lịch. Vả lại đi xe đò rất khó, chả biết ông đi đứng thế nào mà tài thế. Đó là những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ đã lan rộng ra miền Bắc mà ông cũng mò mẫm đi tìm hiểu nơi này nơi nọ, quả là người đầy chất phiêu lưu nhưng có tính năng động và ưa mở mang.

Rồi một chủ nhật qua nhà ông chơi, ngồi tỉ tê hai bác cháu, ông bảo: Đức này, bác cho Đức cái Thuốm nhà bác, thuận không. Ông chỉ lên góc nhà, bảo, thấy chưa, bác bán đậu tương thừa tiêu chuẩn được mua xe Fa-vô-rít nhưng chả dùng đến. Rừng núi đường đất thế này đi bộ nhanh hơn, xe treo để nhìn thôi. Lấy cái Thuốm thì bác cho cháu đấy. Tôi bần thần lặng im. Hai mươi hai tuổi chỉ biết cắm cúi học chứ đâu đã nghĩ chuyện yêu đương, vợ con. Rồi đầu những năm bảy mươi ngớt bom đạn, trường bất ngờ chuyển về Thái Nguyên thế là đứt liên lạc từ đấy.

Bây giờ mỗi lần nhớ Bắc Sơn là lại nhớ về ông Thầm với vườn quýt bộp chạy dài mướt mát theo sườn núi. Nhớ mấy soi mía xương gà mập mạp vàng óng và giòn tan. Lại nhớ cô Thuốm con gái ông có khuôn người căng như măng mai mới nhú, gương mặt xinh đẹp phúc hậu, cặp mắt trong veo, môi hồng và da trắng như mây, đúng chất gái Tày Bắc Sơn. Nhớ mỗi khi tôi vào làng, Thuốm lại lảng ra ngoài sàn phơi ngồi nhìn vu vơ ra phía rừng xa.

Giờ thì cái làng người Tày trên đất Bắc Sơn ấy tên gì tôi không còn nhớ, nhưng nằm trong xã Trung Thành, bốn bên rừng xanh ngát. Cách đây trên chục năm đọc được trên báo, thấy ai đó viết về vườn quýt bộp ông Thầm như là phát hiện về một điển hình kinh tế vườn ở rẻo cao. Thực ra nó đã có tự nảo nao.

Nhớ miên man mà chẳng biết nhớ gì mỗi khi tết về. Nhớ ông Thầm, cô Thuốm, vườn quýt bộp và con suối Ngả Hai giữa rừng Bắc Sơn nước xanh veo, quanh năm reo với gió ngàn và dội lên mỗi khi đêm về. Kí ức bao giờ cũng đẹp như vậy đấy.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/quyt-bop-672265.tpo