Quyết tâm thúc đẩy NSW lĩnh vực khoa học và công nghệ

Báo Hải quan trao đổi với ông Trần Văn Vinh (ảnh), Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) xung quanh việc thực hiện Thông tư liên tịch 77/2016/TTLT-BTC-BKHCN ban hành ngày 3-6-2016 (gọi tắt là Thông tư 77) hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với thủ tục kiểm tra Nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa NK vào Việt Nam thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN.

Theo hướng dẫn của Thông tư 77, Bộ Tài chính- Bộ KH&CN sẽ sử dụng hệ thống xử lý chuyên ngành để kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia. Xin ông cho biết, hiện tại việc thống kê, báo cáo các thông tin liên quan tới thủ tục hành chính của Bộ KH&CN được thực hiện như thế nào khi Bộ KH&CN chưa có hệ thống này?

Cùng với các nguyên tắc trao đổi, cung cấp thông tin, Thông tư 77 cũng quy định cụ thể về nội dung và hình thức trao đổi, cung cấp thông tin. Theo đó, Bộ KH&CN có trách nhiệm cung cấp cho Cổng thông tin một cửa quốc gia thông tin về các chứng từ điện tử với thủ tục hành chính theo quy định; kết quả xử lý khác của cơ quan liên quan đối với thủ tục hành chính; thông tin về hàng hóa đã được thông quan, giải phóng hàng theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Bộ KH&CN được dùng hệ thống xử lý chuyên ngành để kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia. Việc thống kê, báo cáo các thông tin liên quan tới thủ tục hành chính sẽ thực hiện tại hệ thống xử lý chuyên ngành của Bộ.

Vì chưa có hệ thống xử lý chuyên ngành riêng để kết nối, do đó, trước mắt, Bộ KH&CN đang sử dụng kết cấu hạ tầng hiện có của cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, để phục vụ có hiệu quả công tác này, hiện dự án xây dựng đường truyền, hệ thống riêng cho Bộ KH&CN đã được phê duyệt, dự kiến đến cuối quý II-2017 sẽ được đưa vào sử dụng và sau đó sẽ kết nối lại với cơ quan Hải quan. Do vậy, trong giai đoạn đầu tiên này, Bộ KH&CN vẫn đang sử dụng và tận dụng cơ bản nền tảng hệ thống của cơ quan Hải quan, sau khi Bộ KH&CN xây dựng hoàn chỉnh, Bộ sẽ sử dụng hệ thống riêng, đảm bảo việc kết nối và triển khai một cách thuận lợi.

Thưa ông, hiện đang tồn tại tình trạng quá trình đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa NK mất nhiều thời gian, tăng chi phí cho DN, chậm thời gian thông quan, trong đó có vai trò của Bộ KH&CN. Vậy Bộ KH&CN có ý kiến gì về vấn đề này?

Hiện nay, Danh mục hàng hóa nhóm 2 NK vào Việt Nam là hàng hóa có khả năng gây mất an toàn phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và các thông tin liên quan đến hoạt động chứng nhận hợp quy chưa được rõ ràng. Do đó, Bộ KH&CN đang làm việc với tất cả các bộ, ngành liên quan và cộng đồng DN để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Thời gian kiểm tra chuyên ngành kéo dài là do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân, các bộ, ngành đã ban hành quá nhiều Danh mục hàng hóa nhóm 2.

Vì vậy, bây giờ chúng ta phải rà soát lại danh mục này xem có phù hợp hay không phù hợp. Theo đó, chỉ cần DN có hàng hóa được công bố, gửi hồ sơ và không cần cơ quan quản lý Nhà nước trả lời. Khi Công bố hợp quy này được thông báo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia do Tổng cục Hải quan quản lý, thì hàng hóa được thông quan. Tiếp theo đó, sản phẩm hàng hóa nhóm 2, chỉ cần công bố hợp quy mà không cần chứng nhận hợp quy. Về điều này, theo tôi, cần đẩy mạnh công tác hậu kiểm, hàng hóa sẽ thông quan rất nhanh. Bởi việc tăng cường hậu kiểm là quan trọng nhưng việc tăng cường kiểm tra, đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá sự phù hợp, chất lượng hàng hóa của các DN XK trước khi vào thị trường còn quan trọng không kém. Để làm được việc này, DN phải làm ăn lớn, có kế hoạch, lộ trình dài hơi thì hiệu quả thực sự mới được phát huy. Tuy nhiên, nút thắt chính lại nằm ở các DN Việt Nam khi làm ăn với đối tác nước ngoài không có kế hoạch, lộ trình trong việc XNK hàng hóa.

Xin cảm ơn ông!

Đảo Lê (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/quyet-tam-thuc-day-nsw-linh-vuc-khoa-hoc-va-cong-nghe.aspx