Quyết liệt xử lý nạn sim'rác'

Ngày 23-11 vừa qua, Đoàn giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) bắt đầu kiểm tra quá trình các doanh nghiệp viễn thông thực hiện cam kết khóa dịch vụ và thu hồi các sim điện thoại được kích hoạt sẵn, đăng ký thông tin “ảo”, chủ yếu đang tồn tại trên kênh phân phối. Đích thân Bộ trưởng TTTT Trương Minh Tuấn cũng “đột xuất” đến kiểm tra ba nhà mạng VNPT, Viettel và MobiFone, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Bộ TTTT trong việc xử lý dứt điểm nạn sim “rác” lan tràn suốt thời gian dài vừa qua.

Vì lợi ích chung
Các đại lý sim số thường nhập sim với số lượng lớn để hưởng giá ưu đãi, sau đó đăng ký thông tin “ảo”, nạp tiền kích hoạt rồi “găm” trong kho chờ bán cho khách hàng. Theo điều tra, có đại lý trong 12 tháng đã đăng ký thành công khoảng 135 nghìn thuê bao. Đây là nguyên nhân gây ra nạn sim “rác”, “căn bệnh” lâu năm của ngành viễn thông nước ta. Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ TTTT đã nhiều lần chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông siết chặt việc kinh doanh sim số. Tuy nhiên, vì lợi ích cục bộ, các nhà mạng thường lập lờ, cố ý buông lỏng việc quản lý thông tin thuê bao khiến sim “rác” có điều kiện bùng phát.

Bộ trưởng TTTT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Sim “rác” cùng hệ lụy đi kèm là tin nhắn “rác” từ lâu đã trở thành vấn nạn đối với người tiêu dùng. Đây cũng là nguyên nhân gây lãng phí nguồn tài nguyên số cùng nhiều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân, hoạt động doanh nghiệp, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Thực tế, chủ trương loại bỏ sim “rác” sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp, các đại lý và một số người dùng di động cho nên rất khó làm. Tuy vậy, đây là việc cấp bách phải làm. Các doanh nghiệp viễn thông cần nâng cao tính tự giác, quyết liệt vào cuộc để đẩy lùi nạn sim “rác”; phải đặt lợi ích quốc gia, đặt cái chung lên trên hết.

Trước quyết tâm đó của Chính phủ và Bộ TTTT, vào ngày 28-10 vừa qua, đại diện năm doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, GTel đã ký cam kết triển khai nhiều giải pháp tăng cường nhằm thu hồi toàn bộ các sim được kích hoạt sẵn, chủ yếu nằm trên các kênh phân phối. Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông xác định và kết xuất trên hệ thống khoảng 12,7 triệu thuê bao nghi vấn, đồng thời nhắn tin thông báo đến tất cả các thuê bao này, yêu cầu người dùng phản hồi và đăng ký lại thông tin đúng quy định. Đến hết ngày 20-11, các nhà mạng phải khóa dịch vụ tất cả những sim không nhận được tin nhắn (không hoạt động) hoặc có nhận được nhưng chủ thuê bao không đăng ký lại thông tin chính thức. Để tránh tình trạng nhà mạng “chỉ nói không làm” như trước đây, việc thực hiện cam kết sẽ được giám sát chặt chẽ bởi các đoàn công tác do Bộ TTTT tổ chức.

Phó chánh Thanh tra Bộ TTTT Đỗ Hữu Trí cho biết: Để bảo đảm kết quả kiểm tra, giám sát đúng và minh bạch, thành phần tham gia đoàn giám sát có cả đại diện của các doanh nghiệp viễn thông để kiểm tra chéo lẫn nhau. Doanh nghiệp nào bị kiểm tra phải giải trình cụ thể, bao gồm: kiểm tra những thuê bao đã bị khóa có thuộc những thuê bao đã được kết xuất từ trước hay không; kiểm tra hệ thống quản lý về các thuê bao bị khóa; kiểm tra ngẫu nhiên các thuê bao đã bị khóa; lấy một số sim trắng để thực hiện việc đăng ký, sau đó cắt hủy và khóa rồi so sánh lại với quy trình đối với các sim đã khóa trước đó xem có trùng khớp hay không; chiết xuất từ danh sách thuê bao đăng ký lại năm tài khoản đăng ký nhiều nhất để kiểm tra thông tin đăng ký có hợp lý không, có gì bất thường hay không;… Riêng với dạng sim M to M (sim dùng cho máy móc như hệ thống báo trộm, ta-xi), doanh nghiệp phải chứng minh đây là những sim chính chủ của một doanh nghiệp đang dùng cho các thiết bị, máy móc.

Hơn 10 triệu thuê bao bị xóa sổ

Theo kết quả giám sát, đến thời điểm hiện tại, ba nhà mạng VNPT, Viettel và MobiFone đã chính thức khóa dịch vụ khoảng 10,7 triệu thuê bao. Điều này đồng nghĩa hơn 10 triệu sim “rác” đã được thu hồi, loại khỏi thị trường. Có thể nói, đây là thành công quan trọng bước đầu để dần loại bỏ hoàn toàn sim “rác”. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo: Thời gian tới, Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ cần phối hợp chặt chẽ với các nhà mạng, tiến hành kiểm tra chéo lẫn nhau để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xử lý sim “rác”. Đây không phải là câu chuyện thời vụ, làm theo đợt, theo kỳ mà sẽ là công tác thường xuyên. Doanh nghiệp nào vi phạm sẽ xử lý người đứng đầu doanh nghiệp.

Trong quá trình thu hồi các sim đã kích hoạt, khi nhà mạng khóa dịch vụ các thuê bao nghi vấn, đã nảy sinh một số trường hợp khóa nhầm thuê bao người dân đang sử dụng. Đây là những thuê bao có thông tin “ảo”, dù nhận được tin nhắn thông báo nhưng không đăng ký lại thông tin nên bị khóa. Những trường hợp này đều được các nhà mạng nhanh chóng hỗ trợ đăng ký và kích hoạt lại thuê bao. Đại diện nhà mạng MobiFone cho biết: Sau khi thực hiện khóa các sim nghi vấn từ ngày 21-11, số lượng cuộc gọi phản ánh lên tổng đài chăm sóc khách hàng của MobiFone đã tăng khoảng 30%. MobiFone đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng để đáp ứng, giải đáp tất cả các thắc mắc của khách hàng; tăng cường nhân viên tại các điểm giao dịch để giúp khách hàng đăng ký lại thông tin thuận tiện nhất.

Rõ ràng, việc khóa sim chắc chắn sẽ gây ra một số ảnh hưởng đối với người dùng di động. Tuy nhiên, đây là chủ trương đúng đắn, là việc làm vì lợi ích chung nhằm dẹp bỏ hoàn toàn nạn sim “rác”, cho nên rất cần sự chia sẻ, đồng thuận từ phía người dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi thực hiện thu hồi, khóa sim cũng cần thận trọng, rà soát kỹ để hạn chế thấp nhất tác động tới người sử dụng di động.

Theo kế hoạch, sau khi thu hồi lượng sim đã kích hoạt trên kênh phân phối, sang năm 2017, Bộ TTTT sẽ triển khai bước tiếp theo nhằm “quét sạch” lượng sim “rác” đang lưu hành trên thị trường.

Cục trưởng Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho biết: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung điều 15 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP và điều 30 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP do Bộ TTTT đang soạn thảo sẽ thống nhất một số nội dung cơ bản sau: sim phải được đăng ký thông tin đúng quy định; chia tách kênh phân phối và đăng ký riêng biệt để người dân khi muốn sử dụng sim phải đăng ký; chỉ cho phép mua, bán sim ở những điểm dịch vụ viễn thông doanh nghiệp tự thành lập hoặc có ủy quyền; tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dễ dàng đăng ký;…Dự thảo Nghị định cũng đưa ra nhiều quy định để gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu doanh nghiệp; đồng thời đưa ra các chế tài có tính răn đe mạnh hơn.

Các chuyên gia cho rằng, nếu dự thảo Nghị định lần này được Chính phủ thông qua và triển khai ngay đầu năm tới, cùng với những giải pháp mạnh mẽ nói trên, có thể đến hết năm 2017 sẽ xử lý cơ bản nạn sim rác, góp phần thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, bền vững.

Theo kết quả từ đoàn giám sát, tính đến thời điểm này, VNPT đã khóa dịch vụ khoảng 3,7 triệu thuê bao; trong đó, số lượng sim có nhận tin nhắn thông báo nhưng không đi đăng ký lại và bị khóa là khoảng 340 nghìn; số lượng sim đăng ký lại là hơn 200 nghìn. Viettel cũng đã khóa gần 3,7 triệu thuê bao; MobiFone khóa khoảng 3,3 triệu thuê bao. Như vậy, có gần 10,7 triệu sim bị ba nhà mạng khóa dịch vụ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31380202-quyet-liet-xu-ly-nan-sim%e2%80%9crac%e2%80%9d.html