Quyết liệt thu, thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội

Đến hết tháng 10, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp trên cả nước là hơn 14 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,5% kế hoạch thu. Ngành BHXH đang tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác đôn đốc thu, thu hồi nợ... phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao năm 2016, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia...

Tập trung thực hiện nhiệm vụ thanh tra

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, tổ chức công đoàn được quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động, đồng thời cũng cho phép cơ quan BHXH có chức năng thanh tra thu nộp để bảo đảm thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Với chức năng mới này, cơ quan BHXH đã nhanh chóng triển khai công tác thanh tra chuyên ngành, kết hợp nhiều giải pháp để giảm tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Đến hết tháng 11, BHXH Việt Nam đã tiến hành năm cuộc thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Trong đó, phối hợp Thanh tra Chính phủ, Thanh tra lao động thí điểm thanh tra tại Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng. Trong quá trình thanh tra tại các địa phương, phát hiện 616 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hơn 157,7 tỷ đồng (trong đó, BHXH Phú Thọ hơn 63 tỷ đồng, BHXH Hưng Yên hơn 94,4 tỷ đồng); phát hiện 6.108 trường hợp thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đóng thiếu thời gian tham gia, đóng thiếu 7% mức lương đối với lao động đã qua đào tạo, 5% mức lương đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại (như tại Thừa Thiên - Huế có 2.819 trường hợp, Phú Thọ là 2.422 trường hợp và Đà Nẵng là 796 trường hợp...).

Cùng với đó, BHXH các tỉnh, thành phố đã kiểm tra 13.911 đơn vị (trong đó có 364 đơn vị BHXH quận, huyện; 10.316 đơn vị sử dụng lao động; 726 cơ sở KCB BHYT và 2.505 đại lý thu, đại diện chi trả) và yêu cầu thu hồi, truy thu 69,6 tỷ đồng; đã thu hồi, truy thu được 32,5 tỷ đồng, bao gồm: thu hồi về Quỹ BHYT: 13,7 tỷ đồng; về Quỹ BHXH 18,6 tỷ đồng; thu hồi về Quỹ quản lý bộ máy: hơn 15 triệu đồng.

Vụ trưởng Pháp chế (BHXH Việt Nam) Lương Anh Tuấn cho biết, có không ít khó khăn. Khoản 3 Điều 13 Luật BHXH 2014 quy định "cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp và BHYT theo quy định của Luật và quy định khác của pháp luật có liên quan". Tuy nhiên, Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 quy định cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành lĩnh vực và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là công chức. Điều này dẫn đến bất cập trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đối với cơ quan BHXH vì lực lượng chính thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành là viên chức. Do đó, đây là một bất cập cần được nghiên cứu bổ sung cho phù hợp thực tế.

Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật hành chính về đóng BHXH còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc thanh tra, kiểm tra công tác thu, nộp BHXH của các cơ quan có liên quan ở địa phương còn hạn chế, thiếu cương quyết. Lực lượng thanh tra mỏng cho nên công tác thanh tra chuyên ngành về BHXH chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Luật Việc làm không có quy định lãi chậm đóng BH thất nghiệp...

Đồng bộ nhiều giải pháp đôn đốc, thu nợ

Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố đề xuất UBND cấp tỉnh, huyện thành lập thanh tra liên ngành phối hợp cơ quan BHXH thanh tra (hoặc thanh tra đột xuất) việc chấp hành pháp luật đối với các doanh nghiệp đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài từ ba tháng trở lên trên địa bàn, cương quyết xử lý những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

BHXH các tỉnh, thành phố chỉ đạo Phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh, huyện, chuyên quản trực tiếp đến đơn vị đôn đốc thu kịp thời, không để nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đến ngày 31-12-2016, mỗi tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính ít nhất 15 doanh nghiệp có thời gian nợ trên ba tháng. Cung cấp hồ sơ, thông tin phối hợp Liên đoàn Lao động khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ra tòa theo quy định. Theo đó, hết năm 2016, mỗi tỉnh, thành phố phối hợp LĐLĐ địa phương thực hiện nộp đơn khởi kiện ra tòa án ít nhất từ 10 đến 50 doanh nghiệp có thời gian nợ trên sáu tháng. Công khai danh tính đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với số tiền lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Ngoài ra, cơ quan BHXH phối hợp Cục Thi hành án dân sự tỉnh thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật do Tòa án nhân dân các cấp xét xử từ ngày 14-4-2016 trở về trước. Phối hợp hệ thống ngân hàng (BIDV, Vietinbank...) đã ký thỏa thuận với BHXH Việt Nam về việc thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khi cho đơn vị vay để trả lương cho người lao động hoặc cho vay theo gói thầu có trả lương cho người lao động thì phải bắt buộc kèm theo tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phần trách nhiệm phải đóng của đơn vị, đồng thời trích tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động chuyển vào quỹ...

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, để công tác khởi kiện, thanh tra, thu nợ của ngành BHXH đạt các mục tiêu đề ra, BHXH các tỉnh, thành phố từ nay đến cuối năm tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường thu; phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ các tỉnh, thành phố trong cung cấp thông tin, hồ sơ khởi kiện các đơn vị nợ; chủ động thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất các đơn vị nợ đọng từ ba tháng trở lên với số nợ lớn. Đặc biệt, BHXH Việt Nam sẽ chủ động phối hợp Tổng LĐLĐ Việt Nam kiểm tra công tác khởi kiện tại một số địa phương. Năm 2017, đưa nội dung khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên cả nước vẫn còn hơn 14.237 tỷ đồng, chiếm 6,5% kế hoạch thu, tăng 0,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: nợ BHXH 9.550 tỷ đồng, chiếm hơn 67% tổng số nợ và số tiền nợ từ ba đến sáu tháng là 6.869 tỷ đồng, chiếm 72% số tiền nợ BHXH; nợ BHYT là 4.170 tỷ đồng, chiếm 29,31% tổng số tiền nợ... Còn khoảng 10 trong số 63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ cao so với kế hoạch thu, như: Bạc Liêu 19,3%, Đác Nông 17,8%, Bình Định 17,3%, Trà Vinh 13,9%, Lâm Đồng 13,8%, Hòa Bình 13,7%, Lạng Sơn 13,4%, Sơn La 13%, Ninh Thuận 13% và Bình Thuận 11%.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31461202-quyet-liet-thu-thu-hoi-no-dong-bao-hiem-xa-hoi.html